221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1281367
Điều hành kinh tế kiểu "bắn súng phát một"
1
Photo
null
Điều hành kinh tế kiểu 'bắn súng phát một'
,

- Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng Hải quân, Trung tướng Nguyễn Văn Hiến ví von, cách điều hành của chúng ta đang theo kiểu “bắn súng phát một”, theo từng chỉ tiêu mà thiếu chiến lược tổng thể để đón cơ hội.

>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu

"Yếu kém bền vững"

Tham gia nhiều kỳ QH, các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Trần Đình Long (Đắc Lắk) băn khoăn, kỳ nào cũng thấy chúng ta phải giải quyết ngần ấy vấn đề bức xúc.

“Diễn đàn QH cứ nóng bỏng, còn xã hội mãi không có chuyển biến gì”.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dẫn lời Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng có lần nói, chúng ta tăng trưởng bền vững nhưng yếu kém cũng bền vững.

Ảnh: Lê Anh Dũng
ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM): Cuộc sống có đi lên mà không có chất lượng thì phải xem lại. Ảnh: Thủy Chung
Những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam từ lâu vẫn là nhập siêu, ICOR cao, bội chi, cán cân thanh toán vĩ mô mất cân đối…

ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó đoàn Hải Phòng đơn cử, 3 năm qua, chỉ số lạm phát không có xu hướng giảm, mà tăng dần, dù tăng không cao lắm. Chính phủ cần quyết liệt, có giải pháp đồng bộ hơn để giảm dần chỉ số lạm phát. Nếu không ngăn chặn được, ta khó giữ được nền kinh tế vĩ mô.

“Chính phủ cần có những chính sách đồng bộ từ tài khóa, tiền tệ, đầu tư, thuế… để tránh những khó khăn, vướng mắc không đáng có”, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói.

Bà nói thêm, cần thấy rõ những vướng mắc là bên trong nền kinh tế, là những khuyết tật nội tại, không phải do khách quan là chủ yếu.

Cứ đổ lỗi cho khách quan, “giải pháp đưa ra sẽ không trúng, không triệt để, không giải quyết được vấn đề”, bà Loan phát biểu.

Về phần QH, ĐB Hùng đề xuất, QH cũng nên đi giám sát trúng luôn vào các yếu kém bền vững đó, chẳng hạn giám sát nhập siêu, bội chi…

Sông Hồng thành sông Đen?

Điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn là tăng trưởng chưa gắn với chất lượng. Theo báo cáo của Chính phủ, 8 chỉ tiêu không đạt được đều là chỉ tiêu về các vấn đề xã hội, trong đó có 4 chỉ tiêu là môi trường, phản ánh chất lượng sống: tạo việc làm, sử dụng nước sạch, rác thải qua xử lý…

"Phần thẩm định của QH với báo cáo của Chính phủ chưa đủ đô, trên mức tế nhị. Cử tri băn khoăn không biết có phải sắp bầu lại nên các ĐBQH cũng lo giữ ghế, chiến đấu không còn quyết liệt? QH đã bắt đầu về chiều rồi phải không?"

ĐB Trần Hoàng Thám (TP.HCM)

“Điều đó chứng tỏ thời gian qua Chính phủ chưa thực sự chú trọng, quyết tâm trong việc thực hiện các vấn đề xã hội này”, ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) đưa ra thực tế, GDP của TP.HCM từ giải phóng đến giờ chỉ đủ để xử lý ô nhiễm của một con sông. Rút cuộc, chúng ta đầu tư làm gì?

Ở đồng bằng sông Hồng, với cách quản lý, điều hành hiện nay, bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải đổi tên sông Hồng thành sông Đen?

“Chúng ta cứ lo rót vốn, lo làm kinh tế, để cuối chặng đường dài quay lại, lại gồng lên xử lí ô nhiễm cũng không đủ”, ĐB Long chua chát.

Thế nhưng, trong 7 nhiệm vụ thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế xã hội lại không hề có giải pháp nào về giải quyết vấn đề môi trường, ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) nêu rõ.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nhấn mạnh, QH lần này cần nói rõ môi trường đang là vấn đề nguy hiểm nhất. Cuộc sống có đi lên mà không có chất lượng thì phải xem lại.

Đầu tư kiểu vá áo rách

Bên cạnh mối lo về môi trường, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về chất lượng sống khi khoảng cách giàu nghèo, vùng miền ngày càng tăng.

“Chúng ta có nhiều công trình, dự án lớn, gây băn khoăn trong dân có hay không tâm lí từ TƯ đến địa phương muốn những dự án tầm thế kỉ, mang dấu ấn nhiệm kì… nhưng lại không có dự án gắn với giảm nghèo, với nâng đời sống người dân”, ĐB Nguyễn Anh Liên (Thanh Hóa) nêu.

“Không thể để mãi cảnh công trình nhiều mà dân vẫn khổ”.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Trần Đình Long nêu thực tế, tổng kết 3 năm với 14 chương trình mục tiêu quốc gia, số tiền nhà nước bỏ ra chỉ hơn 3.000 tỉ đồng, trong khi chỉ 6 tháng đầu năm 2009 đã chi 17.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN, mà phần lớn vào tay ngân hàng.

Nhìn cách chi tiền như thế, thì đủ thấy làm sao có thể đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

“Chúng ta đang đầu tư theo kiểu áo rách thì vá. Một khi chiếc áo đã rách, vá chỗ này sẽ rách chỗ kia. Sao không dành lại, mua áo mới cho dân”.

Phải đầu tư thực hiện an sinh xã hội, chứ không phải đầu tư trên chủ trương”, ĐB Nguyễn Anh Liên nói.

Bắn súng phát một

Nhìn lại điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng Hải quân, Trung tướng Nguyễn Văn Hiến ví von, cách điều hành của chúng ta đang theo kiểu “bắn súng phát một”.

"Chúng ta nhằm vào từng mục tiêu: tăng trưởng, lạm phát, tổng đầu tư xã hội… thế nhưng, cần nhất là một chiến lược tổng thể để đón cơ hội thì lại chưa có".

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Hơn nữa, theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), chỉ tiêu Chính phủ đưa ra không sát, thậm chí đưa ra chỉ tiêu chạy theo hình thức, thành tích, kỳ sau nâng thêm một tý so với kỳ trước.

ĐB Trần Duy Lịch chỉ rõ, “gốc của bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam là mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế. Nền kinh tế có tính chất gia công. Bất ổn là do thụ động trông chờ vốn nước ngoài mà không có sự chủ động tự thân…”.

“Việc tái cơ cấu nền kinh tế đã nêu từ kì trước, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có gì rõ ràng”, ĐB Phạm Thị Loan đặt vấn đề.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nhận xét, đầu tư của ta tăng nhanh. "Muốn tăng GDP thì phải bỏ nhiều tiền để đầu tư thôi. Tăng GDP bằng chất xám, hiệu quả, chắc khó".

"Các địa phương chỉ lo làm thế nào triển khai, giải ngân cho tốt. Xây dựng rồi, quản lý, sử dụng sao cho hiệu quả thì không ai cần tính tới".

Các đại biểu thúc giục cần sớm hình thành chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế và triển khai, để kịp bắt nhịp với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng.

  • P.Loan - L.Nhung - C.Nhật - T.Chung
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,