- Các nữ sinh ở Nerinx Hall ồ lên rằng chưa bao giờ có một giờ học Việt Nam và ngạc nhiên khi biết Việt Nam có Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.
Việt Nam ở Nerinx Hall
Nerinx Hall là một trường trung học nữ tư thục bán trú nằm ở ngoại ô St Louis, bang Missouri (Mỹ). Ngôi trường cổ kính, xinh xắn, do những người Công giáo sáng lập từ năm 1924, thu hút những nữ sinh Công giáo trong vùng đến học. Nơi đây theo đuổi châm ngôn giáo dục dạy nữ sinh khả năng khám phá bản thân, tiềm năng và thế giới xung quanh mình.
Hơn 600 học sinh đang theo học tại ngôi trường này với những bộ môn về khoa học, nghệ thuật, nhân văn, tôn giáo, văn hóa, công nghệ, quan điểm lịch sử nhân loại... Ngẫm tưởng ở Nerinx Hall xa xôi khó tìm người Mỹ gốc Việt nhưng bà Hiệu trưởng Barbara và nhiều nữ sinh trong trường đã nhanh nhảu giới thiệu nhóm 13 nữ sinh người Mỹ đang theo học tại đây có gốc Việt Nam.
Marry, cô gái 16 tuổi, không có nhiều nét Á châu đặc trưng trên khuôn mặt, đôi mắt to màu nâu sâu thẳm, trò chuyện trôi chảy bằng tiếng Việt với một giọng Nam bộ thứ thiệt. Marry sinh ra và lớn lên tại St Louis, bố mẹ cùng là người Việt đã định cư ở Mỹ mấy chục năm nay, mẹ người gốc Sài Gòn hiện làm chủ tiệm nail ở St Louis trong khi bố người gốc Kontum mở tiệm kinh doanh mành rèm ở Texas.
Khi trò chuyện trong giờ ăn ở căng tin, nhiều nữ sinh cũng nhắc tới “nhóm gốc Việt” trong đó có Marry, với thành tích học tập nổi trội.
Học sinh ở Nerinx Hall. Ảnh: XL |
Chuẩn bị bước vào lớp học, Marry thoảng trăn trở nói, đã 9 năm kể từ lần đầu tiên về thăm quê hương cha mẹ, cô bé vẫn chưa có nhiều cơ hội trở về để biết hơn về Việt Nam.
Mẹ cô làm chủ tiệm nail đã cố gắng thuê thợ làm công là những người Việt định cư quanh vùng St Louis. Ít nhất đó là cơ hội để Marry "thực hành" tiếng Việt nhưng "không gì bằng về Việt Nam để thăm thú, đi chơi và gỡ gặp nhiều người". "Con mong có dịp nghỉ hè lại được về TP.HCM", Marry nói.
Giờ học lịch sử
Biết có đoàn khách đến từ Việt Nam thăm quan trường, bà Hiệu trưởng Barbara nảy sinh thực hiện một ý tưởng chưa từng có trong tiền lệ trường, đó là tổ chức một giờ học về Việt Nam trong lớp học môn sử.
Nhiều năm qua, Nerinx Hall đã cố gắng mở cơ hội cho học sinh biết đến thế giới bên ngoài nhiều hơn những trang sách bằng việc mời những vị khách quốc tế cùng tham gia giờ học lịch sử. Đã có nhiều khách đến từ Nga, Nhật Bản, Đức, hay châu Âu... nhưng đây là lần đầu tiên, trường có một giờ học với những vị khách đến từ Việt Nam gồm một luật sư, một cán bộ xã hội từ một tổ chức phi chính phủ và hai nhà báo.
Cô giáo Karen và học sinh chăm chú theo dõi. Ảnh: XL |
Cô giáo Karen Johnson-Budd được giao phụ trách giờ học Việt Nam đột xuất này. Tất cả như “tay không bắt giặc” khiến giờ học lịch sử về thế giới Ảrập bị gác lại. Nhưng nhóm học sinh có vẻ thích thú, ồ lên ngạc nhiên rằng chưa bao giờ có một giờ học Việt Nam với chính những người đến từ Việt Nam.
Với tay chỉ cuốn sách có tựa “Lịch sử thế giới” trên bàn học của mỗi em học sinh, cô Karen “thanh minh” tất cả những gì các em học về Việt Nam chỉ gói gọn trong một chương sách dài… 3 trang. Trong đó, một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài nhỉnh hơn 20 năm do Mỹ tiến hành Việt Nam chỉ được khái quát hết sức ngắn gọn, đề cập đến học thuyết domino, vai trò của Ngô Đình Diệm, ý tưởng Việt Nam hóa chiến tranh...
Một góc nhỏ đóng khung giới thiệu liên hệ về Việt Nam sau chiến tranh có vẻ hơi cũ kỹ, không được cập nhật với những mô tả về cửa hàng sửa xe đạp, cắt tóc vỉa hè hay dẫn nhận định những thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam của một tạp chí du lịch nước ngoài từ năm... 1997.
Dường như đoán suy nghĩ của người xem, cô Karen tiếp lời: "Sách lịch sử về Việt Nam ở Mỹ quá ít, chỉ nói về chiến tranh và do người Mỹ viết. Trong nhiều năm giảng dạy, chúng tôi luôn mong muốn có nguồn sách viết sâu hơn, đa diện hơn về giai đoạn cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, không chỉ từ phía Mỹ viết. Và tôi cũng được biết rằng đã có một Việt Nam khác biệt sau chiến tranh, một nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Chúng tôi muốn học sinh biết cả giai đoạn thay đổi tiếp nối đó".
Sách lịch sử thế giới với chương nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: XL |
Những dấu hiệu chỉ tay đồng loạt của học sinh trong lớp học cũng đại ý rằng họ biết về một “Việt Nam - chiến tranh” nhiều hơn khi trả lời câu hỏi liệu các em biết về Việt Nam theo kênh nào nhiều nhất. Mọi ý kiến có vẻ dè dặt ngoại trừ một nữ sinh giơ tay nói cô biết về Việt Nam vì có người bác là cựu binh Mỹ tham gia quân đội Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam.
Một giờ học đã diễn ra theo cách người trẻ muốn biết đâu là những điểm du lịch hấp dẫn đáng đến thăm nhất Việt Nam, những địa danh được xếp vào hàng di sản thế giới, những món ăn ngon nhất, về cách trở thành luật sư hay phóng viên giỏi, về nữ quyền và cơ hội thăng tiến xã hội dành cho phụ nữ ở Việt Nam, về ý nghĩa tranh Đông Hồ - món quà của một thành viên trong đoàn Việt Nam tặng lớp học…
Tụi trẻ ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam có Nha Trang được xếp hạng là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, ngạc nhiên rằng những chiếc laptop của hãng Apple không thiếu ở Việt Nam, người Việt mua máy bay Boeing của Mỹ để kinh doanh dịch vụ hàng không... Các cô bé cũng tò mò học cách nói tiếng Việt Nam hai chữ "cảm ơn" và "xin chào".
Tú, 34 tuổi, luật sư trong đoàn khách Việt Nam kết thúc giờ học bằng chia sẻ sở thích học môn lịch sử với nhóm học sinh. "Các bạn có thể không học toán nhưng phải học lịch sử. Chúng ta chỉ có thể học sử mà không thể viết lại lịch sử. Nếu muốn viết lịch sử, các bạn phải viết ngay từ bây giờ".
-
Xuân Linh