221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1283101
"Không để tiền sốt đất Hà Nội vào túi tư nhân"
1
Photo
null
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Đình Toàn:
'Không để tiền sốt đất Hà Nội vào túi tư nhân'
,

- Việc giá đất Hà Nội thuộc loại cao nhất nước là tiềm năng lớn, không thể để tiền đó rơi vào túi một số ít người mà cộng đồng không được hưởng lợi - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh với VietNamNet trước ngày bản đồ án quy hoạch chung Hà Nội được đem ra Quốc hội bàn thảo.

"Không phải nồi cơm Thạch Sanh"

Thưa Thứ trưởng, với tên gọi "quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050", liệu có thể hy vọng rằng đồ án này sẽ đem đến cho Hà Nội 20 năm nữa nhiều không gian xanh, đường phố rộng rãi, kiến trúc đẹp đẽ?

Mô tả ảnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn: Quy hoạch là đụng chạm nhiều người, nhiều vấn đề.
Điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đã làm được, tại sao chúng ta lại không? Họ cải thiện khung cảnh đô thị trong 20, 30 năm. Đồ án quy hoạch Hà nội còn đặt ra mục tiêu khiêm tốn hơn là đến 2050, tức khoảng 40 năm nữa.

Đề ra 20 năm để thay đổi hoàn toàn thì không thể gọi là nhanh. Có bộ máy quản lý tốt thì không phải là vấn đề khó.

Bộ máy quản lý tốt nghĩa là?

Tức là phải nắm bắt nguyện vọng của dân. Căn cứ giải pháp huy động tài chính phù hợp để ưu tiên đầu tư. Mặt mạnh của Hà Nội chính là quỹ đất. Cần khai thác tối ưu để phát triển thành phố tự thân. Ngân sách nhà nước hay vốn vay không phải là nồi cơm Thạch Sanh, còn phải chia cho nhiều địa phương khác nữa.

Đất đai Hà Nội và TP.HCM luôn có giá cao nhất nước. Ở nhiều nơi, những đồ án chưa được duyệt mà đất đã lên gấp 3, 4 lần.

Đó là tiềm năng lớn, ta phải nắm bắt lấy, không thể để nguồn kinh phí đó rơi vào túi một số ít người mà cộng đồng không được hưởng lợi.

Làm thế nào để tiền không rơi vào túi một số ít người?

Khi quy hoạch đã định hình khu phát triển đô thị, công trình thể thao văn hóa, y tế... thì có nhiều nhà đầu tư muốn vào. Ta chủ động sở hữu các quỹ đất này để rồi tạo điều kiện cho những nhà đầu tư bằng cách cung cấp quỹ đất cho họ. Đổi lại, họ sẽ đóng góp về hạ tầng, đường sá. Đường vành đai 4 hiện nay đang thực hiện theo hướng đó.

30 phút Hồ Tây lên Ba Vì

Tại cuộc triển lãm quy hoạch Hà Nội Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, người xem tập trung góp ý nhiều cho vị trí của trung tâm hành chính quốc gia. Có nhiều người nói nên đặt ở Tây Hồ Tây chứ không phải Ba Vì?

Người dân đóng góp nhiều ý kiến, thuận chiều, ngược chiều đều có.

Trung tâm chính trị vẫn nằm ở Ba Đình, trong đồ án có đề xuất nhiều khu đất dự trữ cho các lĩnh vực: y tế, giáo dục, các công trình văn hóa, trung tâm thương mại... Đất dự trữ cho việc xây các cơ quan của Chính phủ cũng được tính đến, sau năm 2050 mới xây dựng. Do vậy, trong quy hoạch chung này, khác với các quy hoạch trước, vấn đề dự trữ đất là cần thiết.

Bây giờ lên Ba Vì khá xa, nhưng nếu có trục Thăng Long, chuyện đi lại không còn phức tạp. Trục cao tốc 12 làn đường, không có đường cắt ngang, đi từ Hồ Tây lên không quá 30 phút.

Nếu trước mắt chưa làm được ngay thì phải có dự trữ trước, không cấp đất làm dự án vào tuyến đường sẽ đi qua. Hoặc làm đường nhỏ 4 làn, ở giữa trồng cây. Khi có điều kiện tài chính thì mở tiếp thêm nhiều làn đường. Nếu không, sau này muốn mở rộng đường sẽ phải trả đền bù đắt hơn , nhiều khi không thực hiện nổi.

Đã mở rộng Thủ đô, muốn phía Tây phát triển thì phải xây dựng đường sá. Trục Thăng Long sẽ tác động tới các khu vực khác trong vùng Vĩnh Yên, Việt Trì… tránh tập trung về cực duy nhất là Hà Nội.

Nhưng đã có đường Láng - Hòa Lạc hiện đại rồi?

Hòa Lạc là đô thị 60 vạn dân, dự án Đại học Quốc gia đã đầu tư xây dựng. Thêm vào đó là khu công nghệ cao. Phải có những con đường để lưu thông vùng này, riêng tuyến đường Hòa Lạc thì chưa đủ.

Trước kia, người Pháp quy hoạch một khu có 200 km2, gồm khu phố cổ và phố cũ chỉ có 300 ngàn dân, mà kẻ ô bàn cờ, nên không bao giờ tắc đường. Ở Trung Quốc, từ Thẩm Quyến về Quảng Châu có những con đường thẳng tắp dài trên 60 km, tạo nên những không gian đô thị thuận tiện và hiện đại.

Nhưng trục Thăng Long lại đòi hỏi một khoản kinh phí không hề nhỏ?

Có rất nhiều nguồn kinh phí, với Hà Nội thì có nhiều cách làm được. Cái chính là sử dụng ưu tiên vào việc gì để có thể tác động thúc đẩy, kích cầu các lĩnh vực khác.

Ví dụ Hàn Quốc cách đây hơn 30 năm vay vốn ODA. Nhưng họ chỉ dùng một phần vốn để làm hạ tầng, còn lại dùng để trả lương cao cho công chức được thi tuyển ngặt nghèo. Công chức có chất lượng, thu nhập thỏa đáng đã phát huy tối đa tài năng, trách nhiệm, đem lại nguồn lợi lớn cho đất nước, thay vì gây khó khăn, thậm chí cản trở, làm chậm quy trình phát triển của xã hội.

Quy hoạch là đụng chạm

Nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội Trần Trọng Hanh cho rằng bản đồ án báo trước một đại quy hoạch treo. Lo lắng này có cơ sở không?

Nếu nhìn lại quá khứ thì điều đó là có lý. Nhưng quá khứ chỉ để tham khảo, đúc rút, chiêm nghiệm. Tiềm lực của chúng ta bây giờ khác đi nhiều, vấn đề là con người sẽ tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức ra sao thôi.

Ở nước ngoài, quy hoạch chung đã được duyệt là pháp lệnh, việc điều chỉnh là cực kỳ khó khăn, không dễ như ở ta, chẳng hạn như đồ án quy hoạch năm 1998 của ta có đến 9 lần điều chỉnh.

Quy hoạch là đụng chạm nhiều người, nhiều vấn đề. Quy hoạch lần này có quy mô lớn, dự kiến thực hiện trong thời gian dài, có lộ trình cái làm trước cái làm sau, có tính liên tục, nếu thực hiện có trình tự, quản lý chặt chẽ thì sẽ không có gì đáng ngại cả.

Nếu chỉ nói ngắn gọn trong 5 câu để thuyết phục các đại biểu Quốc hội về đồ án này, Bộ Xây dựng sẽ nói gì?

Nếu giới hạn trong 5 câu thì phải nói rõ đồ án sẽ giải quyết được điều gì, làm thế nào để giải quyết được.

Không gian Hà Nội sẽ hình thành một đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh. Nâng cấp thị trấn thị tứ. Làng mạc phải được hiện đại hóa, cuộc sống phải ngang trong nội đô. Bảo tồn di sản, khai thác văn hóa truyền thống trong phát triển đô thị hiện đại.

Giải quyết về vấn đề hạ tầng đô thị và môi trường. Hệ thống giao thông đường tàu điện ngầm, đường tầng, đường vành đai để đảm bảo các luồng tuyến từ trong ra ngoài . Lập các tuyến giao thông huyết mạch dần kết nối các tuyến với nhau.

Nhưng điều rất quan trọng là sau khi đồ án này lập xong, phải có quy chế quản lý, 2 năm tổng kết một lần. Cũng có thể cập nhật những yếu tố phát sinh, nhưng nội dung điều chỉnh phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ .

Tuần này, Bộ trưởng Xây dựng sẽ báo cáo trước Quốc hội để xin ý kiến đại biểu. Các ý kiến sẽ được tập hợp lại để liên danh tư vấn tiếp thu chỉnh sửa, sau đó tiếp tục gửi đến các bộ, ngành, cùng với ý kiến phải biện của 2 tư vấn nước ngoài, IMV của Pháp và Worlay Parson của Úc, rồi báo cáo hội đồng thẩm định cấp nhà nước, cuối cùng mới trình Thủ tướng.

Mọi ý kiến sẽ được lắng nghe cho đến tận lúc Thủ tướng có quyết định phê duyệt.

  • Vân Anh - Linh Thủy
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,