221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1277070
Người dân muốn Đại hội Đảng được truyền hình trực tiếp
1
Article
null
Người dân muốn Đại hội Đảng được truyền hình trực tiếp
,

- Cử tri Vũ Trọng Hốt (phường Trúc Bạch) "nhờ" Chủ tịch Quốc hội chuyển tới Bộ Chính trị mong muốn Đại hội Đảng XI sắp tới có nhiều phiên truyền hình trực tiếp để theo dõi.

>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI

Ông Hốt bày tỏ mong muốn của mình tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hôm nay (3/5) - 2 tuần trước kỳ họp giữa năm của Quốc hội.

"Không lẽ các bộ trưởng phải trả lời chất vấn mỗi khi họp Quốc hội, riêng Bộ Chính trị lại không?".

Theo ông Hốt, làm được điều này sẽ "nâng cao hẳn vị thế của Đảng, tiến một bước về dân chủ".

Khẳng định "sẽ chuyển ý kiến tới Bộ Chính trị", song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho hay: "Hiện nay chưa đến lúc xây dựng chương trình cho Đại hội. Tuy nhiên, nội dung nào truyền hình được trực tiếp thì sẽ làm".

Ông Trọng cũng nhấn mạnh, Đảng cũng đã có quy chế chất vấn trong Đảng. "Dù có truyền hình trực tiếp, có chất vấn hay không thì tinh thần của Đại hội XI vẫn là tiếp tục đổi mới, phát huy mạnh mẽ dân chủ... Đây là bản chất và mục tiêu của chế độ ta".

Hiện nay các văn kiện Đại hội Đảng đã được gửi tới từng đảng viên để họ góp ý. Quốc hội lần này cũng sẽ tổ chức thảo luận, góp ý về cương lĩnh, văn kiện và báo cáo chính trị cho Đại hội.

Không có chuyện bán đất cho nước ngoài

Mô tả ảnh.
Ông Dương Ngọc Văn: "Chuyện cho thuê đất rừng biên giới dân rất "lăn tăn". Quan điểm của Quốc hội thế nào?". Ảnh: LN

Một nội dung khác được nhiều cử tri quan tâm là việc cho thuê đất rừng.

Theo ông Nghiêm Chính Hợp (phường Giảng Võ), đất rừng biên giới đang được nhiều tỉnh cho nước ngoài thuê với giá rẻ như bèo. "Giá cho thuê một mét đất rẻ hơn đi mua một mớ rau muống", ông Hợp ví von.

Chuyện "tày đình" như vậy, nhưng mãi đến khi công luận lên tiếng mới thấy Thủ tướng yêu cầu rà soát lại.

Ông Hợp nêu câu hỏi với Chủ tịch Quốc hội: "Phải chăng những người làm luật vẫn chưa lường hết các kẽ hở về mặt pháp luật, nên đã không có sự ngăn ngừa, răn đe trước?".

Tiếp nối bức xúc của ông Hợp, ông Dương Ngọc Văn (Phường Ngọc Khánh) nêu thẳng vấn đề: "Cho thuê đất 50 năm là bán đất rừng cho nước ngoài... Tỉnh biết, Trung ương biết, nhưng tại sao vẫn làm? Như vậy là bán nước giá rẻ, thật đau lòng. Xin hỏi quan điểm của Quốc hội trước chuyện này là gì? Đồng tình hay phủ quyết?".

Là một người lính từng chiến đấu ở mặt trận biên giới, ông Văn cho rằng, chuyện này cần phải được giải quyết rốt ráo, vì tính từ sau công văn chỉ đạo kiểm tra của Thủ tướng đến nay vẫn hiểu mọi chuyện ngã ngũ thế nào?

Ông Ngô Thuận (phường Quán Thánh) cũng cho rằng, chúng ta luôn kêu gọi phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, nhưng liên tục nhiều năm gần đây hết chuyện lao động nước ngoài đến làm việc, sinh sống lâu dài ở các tỉnh Tây Nguyên đến chuyện cho thuê rừng dài hạn diễn ra khắp cả nước. Vậy bao giờ Quốc hội mới giám sát?

Đáp lời cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng giải thích, hiện nay các tỉnh cho thuê đất rừng theo luật chứ không có chuyện bán đất giá rẻ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội không đề cập đến việc Quốc hội sẽ giám sát vấn đề này. Chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 7 tới, theo dự kiến, cũng không nhắc đến chủ đề cho nước ngoài thuê đất rừng.

"Quốc hội sẽ lựa chọn những nội dung thích đáng để đưa vào chương trình giám sát", Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri.

Quyết tâm thông qua Luật Thủ đô tháng 5

Các cử tri lão thành cũng gửi tới Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nguyện vọng liên quan đến các vấn đề của Thủ đô như sự cố sập dầm cầu Pháp Vân, lún nứt trên cầu Thăng Long, quy hoạch Thủ đô, Luật Thủ đô...
Mô tả ảnh.
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng: "Quốc hội còn nhiều dư địa để đổi mới, ngày càng thực chất và bớt tính hình thức". Ảnh: CT

Ông Nghiêm Chính Hợp đề xuất Quốc hội nên sớm ban hành Luật Thủ đô để nhanh chóng giải quyết những vấn đề bức xúc của Hà Nội như chuyện nhập cư tràn lan, rác thải bừa bãi, ô nhiễm môi trường...

Ông Phùng Ngọc Đạo (phường Phúc Xá) hoan nghênh việc Quốc hội sẽ thảo luận về quy hoạch Hà Nội mở rộng. Nhưng ông băn khoăn, liệu quy hoạch cũ về thành phố hai bên sông Hồng trước đây từng trưng bày rầm rộ cho người dân xem, đến nay có còn hiệu lực? Đây cũng là câu hỏi của hàng trăm hộ dân Phúc Xá sống ven sông Hồng, đang "án binh bất động" đợi quy hoạch.

Dẫn lại chuyện sập dầm cầu Pháp Vân và vết nứt trên cầu Thăng Long mới đây, ông Vũ Mạnh Đan (phường Ngọc Khánh) lo lắng, làm thế nào đảm bảo chất lượng các công trình lớn, vì tới đây còn tính tới việc xây đường sắt cao tốc Bắc Nam với số tiền đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định những ý kiến này sẽ được đoàn ĐBQH Hà Nội tiếp thu.

Về Luật Thủ đô, ông Trọng nói, mục tiêu là thông qua ngay ở kỳ họp tháng 5 sắp tới vì đây là cơ sở pháp lý để xây dựng Thủ đô - trung tâm đầu não kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước.

Tuy chuẩn bị gấp rút nhưng phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp để luật được thực thi, chứ không cốt thông qua chỉ để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

  • Lê Nhung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,