- Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu QH lo lắng về mức dư nợ, dù Chính phủ khẳng định vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
Sáng nay (27/5), Quốc hội thảo luận (tại hội trường) về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.
Phê ngành điện
Nhiều đại biểu "đồng thanh" chỉ rõ, tuy Chính phủ báo cáo đã hoàn thành hoặc vượt mức 17 chỉ số, nhưng 8 chỉ số không hoàn thành lại tập trung vào nhóm về xã hội, môi trường, trong khi đó lại là nhóm chỉ tiêu tối cần thiết để có được phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân.
ĐB Vũ Quang Hải: Chỉ 2 trong số gần 40 trang báo cáo của Chính phủ đề cập đến an sinh xã hội. Ảnh: LAD
ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) lại chỉ ra vấn đề từ góc khác: Chỉ có 2 trong số gần 40 trang của báo cáo đề cập đến an sinh xã hội, trong khi đây là đề tài nóng với người dân vốn phải vất vả "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa".
Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (4,55%) những tháng đầu năm, trong khi mục tiêu Quốc hội đặt ra cho cả 2010 chỉ có 7%, cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn, bởi điều đó đồng nghĩa đời sống của người lao động sẽ gặp khó khăn.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng
"Hãy tạm dừng đầu tư những công trình không thật thiết yếu như sân golf, đại lộ, trung tâm hành chính... để tập trung xử lý nguồn điện, hơn là dùng biện pháp ngắt cầu dao như hiện nay", ông Tiến kêu gọi.
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) không ngần ngại phê phán ngành điện đã dồn việc thiếu điện về các địa phương khác (10, 15%, thậm chí có nơi tỷ lệ cắt điện lên tới 20%) để giảm việc cắt điện ở các vùng tập trung nhiều áp lực (như Hà Nội, TP.HCM).
Các ĐB bác bỏ những nguyên nhân khách quan đã được ngành điện đưa ra như nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hạn hán... và đặt thẳng vấn đề tại sao ngành điện không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước việc mất điện, trong khi khách hàng nào cũng ký hợp đồng đàng hoàng?
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng báo cáo của Chính phủ lạc quan, ấn tượng, song nên phân tích thận trọng hơn về những "thành tựu", bởi tuy nền kinh tế tăng trưởng, nhưng "hệ số ICOR năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt hệ số ICOR của khu vực nhà nước cao nhất thế giới, đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý với khu vực công, nhiều công trình mang ý nghĩa khuyếch trương bề nổi hơn là hiệu quả kinh tế".
ĐB Dương Kim Anh: QH nhiều lần yêu cầu Chính phủ phải hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô... Ảnh: LAD
ĐB Vũ Quang Hải chỉ ra, dù tăng thu ngân sách 51,69 nghìn tỷ đồng, nhưng tăng chi ngân sách cũng là 51,69 nghìn tỷ đồng, và đặt câu hỏi "tại sao Chính phủ không sử dụng số tăng thu ngân sách làm giảm bội chi ngân sách, đồng thời làm giảm dư nợ chính phủ?".
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) thì đề nghị Quốc hội từ nay nên quyết mức bội chi ngân sách theo con số tuyệt đối, thay vì quyết theo %, tránh tình trạng tăng bội thu đồng thời cũng lại tăng bội chi.
ĐB Vũ Quang Hải yêu cầu Chính phủ làm rõ về mức dư nợ năm 2009 lên tới 41,9% GDP, trong đó theo các chuyên gia của Bộ Ngoại giao trích nguồn Bộ Tài chính thì tỷ lệ nợ công lên tới 44,7%, vậy có bao nhiêu phần là nợ của doanh nghiệp mà Chính phủ phải bảo lãnh?
ĐB Nguyễn Văn Tuyết lại lo lắng về con số 41,9% ấy. "Tuy Chính phủ vẫn khẳng định mức dư nợ nằm trong ngưỡng an toàn nhưng tôi thấy đã tới ngưỡng rồi. Trước đây mức dư nợ chỉ trên 30% thôi", ông Tuyết chất vấn.
ĐB Dương Kim Anh và Trương Văn Vở (Đồng Nai) đều không an tâm khi thấy tỷ lệ nhập siêu luôn cao hơn nghị quyết của Quốc hội. Bà Kim Anh "phê" Chính phủ về việc chỉ đề xuất chênh lệch cán cân thanh toán 1,9 tỷ USD, nhưng nay lại bổ sung con số lớn gấp nhiều lần (lên tới 8,8 tỷ USD).
Bà Kim Anh cũng nhắc lại việc các ĐB nhiều lần yêu cầu Chính phủ phải hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, nhưng hình như Chính phủ không quản lý được. "Dự đoán đến năm 2013 phải nhập khẩu than, vậy mà 2009 lại xuất khẩu than đá, rồi năm nay cũng đề nghị xuất tiếp"?
- Khánh Linh