- Lo ngại các nhà quy hoạch "vẽ" ra một Hà Nội trên một vùng đất mới không dựa trên hiện trạng vốn có, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất phải cân nhắc các nhóm lợi ích tác động đến quá trình thực hiện quy hoạch.
Đề phòng nhóm lợi ích
Cùng bộ phim tài liệu về viễn cảnh Thủ đô năm 2050 với nhạc nền là những bài hát trữ tình về Hà Nội, ban soạn thảo đồ án quy hoạch Thủ đô hôm nay (11/5) còn trình ra Thường vụ Quốc hội các mô hình trưng bày.
Hồ Gươm vẫn là biểu tượng của Hà Nội. Ảnh: Hùng Anh |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh QH Lê Quang Bình tấm tắc: "Tôi không có chuyên môn, nhưng nhìn sa bàn trưng bày thấy vẽ rất đẹp". Ông Bình đề nghị, cần một ràng buộc pháp lý để không phá vỡ quy hoạch.
"Vì lâu nay kỷ luật hành chính ở ta không nghiêm. Anh nào làm vua vùng đó, quy hoạch có nhưng ở dưới tùy tiện", ông Bình lo lắng.
Chia sẻ băn khoăn này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói: "Tôi rất ấn tượng với phim. Thủ đô đến 2050 xanh, sạch, đẹp, văn minh, hài hòa".
Nhưng theo ông Lưu, các nhà làm phim đã "vẽ" ra Hà Nội từ một vùng đất mới, trong khi thực tế Hà Nội phải quy hoạch lại thủ đô từ chính các dự án ngổn ngang đô thị cũ - mới, rồi Hà Tây...
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên bổ sung, điểm yếu căn bản của hệ thống là quản lý và triển khai quy hoạch. Ông dẫn chứng, gần khu nhà của Văn phòng QH ở Hoàng Cầu trước kia từng quy hoạch một hồ điều hòa nhưng nay ô nhiễm đến mức không ai dám mở cửa sổ, đi tập thể dục quanh hồ phải nín thở.
Trước việc các ủy viên UB Thường vụ QH một mặt tán dương bản vẽ thiết kế nhưng lo lắng khả năng áp dụng thực tế, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân "trấn an": "Cần có thời gian vì thực hiện thế nào phụ thuộc sự chỉ đạo các cấp các ngành chứ tư vấn không thể tính toán được... Nhiều nơi quy hoạch rồi mà vẫn không làm như quy hoạch".
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cảnh báo "cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích làm sai định hướng đồ án".
Ông Hiền cho rằng phải công bố nội dung bản quy hoạch để tránh xáo trộn tâm lý nhân dân, tránh lợi dụng và tạo đột biến về giá nhà đất.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh: "Ngoài vốn nhà nước, phải huy động tiềm lực tự có của HN là quỹ đất. Đây là nguồn tài chính lớn. Nhưng nếu quản lý khai thác không tốt sẽ biến thành nguồn lực của chủ thể khác chứ không phải nhà nước".
Không nên tách Ba Vì khỏi Ba Đình
Kế hoạch dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì vẫn tiếp tục tranh cãi. Thường vụ QH đề nghị phân biệt thế nào là "trung tâm hành chính" với "trung tâm chính trị" và giải trình lý do vì sao trung tâm chính trị vẫn ở Ba Đình trong khi chuyển trung tâm hành chính về chân núi Ba Vì.
90 tỷ USD là tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2050, theo tính toán của đồ án. "Ngân sách hiện nay không còn tích lũy. Những năm trước còn dự trữ một ít nhưng vài ba năm nay phải đi vay cho đầu tư xây dựng cơ bản. Làm điện hạt nhân, xây đường cao tốc đều phải vay, quy hoạch Hà Nội cũng đi vay". Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển |
Theo ông Hà Văn Hiền, nhất quyết phải có một trung tâm hành chính quốc gia tập hợp các cơ quan hiện nằm rải rác, phân tán nhiều nơi.
Tuy nhiên, tách riêng và đặt trung tâm đó ở Ba Vì không phù hợp cả về yếu tố lịch sử, văn hoá, quốc phòng an ninh. Ban soạn thảo cũng chưa nêu được vì sao chuyển lên Ba Vì và mối quan hệ gắn kết giữa Ba Vì với Ba Đình sau này.
Đáng nói là đồ án đưa ra định hướng "kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ xây các công trình của Chính phủ như bộ, ngành sau năm 2050" nhưng thực tế các Bộ Ngoại giao, Công an... đang xây trụ sở làm việc mới ở Mỹ Đình.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân giải thích, đây là phương án dự trù để có nguồn đất sạch dự trữ, khi năm 2030 chuyển trung tâm hành chính về Ba Vì, vùng đất địa linh. Như vậy, trung tâm chính trị vẫn là Ba Đình.
Theo ông Quân, ở nhiều nước như Nam Phi, đầu não các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đặt ở nơi khác nhau. Đặt ở đâu thì nơi đó được gọi tương ứng là "thủ đô lập pháp", "thủ đô hành pháp"....
Khống chế nhập cư
Băn khoăn không hiểu "vì mục đích gì mà quy hoạch phải làm gấp gáp", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng đề nghị làm rõ mục tiêu "2010 - 2020, Hà Nội sẽ khống chế nhập cư, dân số chủ yếu tăng tự nhiên".
Dân số Hà Nội hiện khoảng 6,4 triệu người. Dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 7,1 - 7,4 triệu, đi kèm với tỷ lệ đô thị hóa (64%).
Ông Thuận cho rằng không nên đặt ra ảo tưởng Hà Nội sẽ là ốc đảo, chỉ có người Hà Nội với dân số tăng tự nhiên. Bởi các nhà quản lý cho rằng có thể "hạn chế nhập cư" mà không lường tới xu hướng nhập cư tự nhiên do chênh lệch giàu nghèo. Thậm chí nhập cư do nhu cầu dân sinh (lấy vợ, lấy chồng, mua bán nhà cửa) cũng là xu thế không thể cưỡng lại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, các nước trên thế giới đều đưa dự báo về khống chế nhập cư. Nhiều đô thị ở Pháp khi quy hoạch đặt mục tiêu 28 vạn dân, hoặc 4 vạn dân, sau nhiều năm họ vẫn giữ được tỷ lệ này.
"Mục tiêu như vậy còn khống chế hay không đòi hỏi nhiều giải pháp. Dân sẽ tự điều tiết theo nhu cầu. Chẳng hạn dân nội thành muốn giảm stress sẽ chuyển ra ngoại thành. Còn dân nghèo sẽ tràn vào nội thành", ông Quân so sánh.
Đồ án quy hoạch sẽ được gửi ra QH cuối kỳ họp thứ 7 sắp tới, theo tinh thần Nghị quyết 15 về hợp nhất Thủ đô.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên gợi ý, nên chăng lấy ý kiến người dân cả nước về quy hoạch chứ không riêng người dân Thủ đô.
-
Lê Nhung