221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1280583
Thaksin: Người hùng hay kẻ tội đồ?
1
Article
null
Thaksin: Người hùng hay kẻ tội đồ?
,

Trong cuộc khủng hoảng chính trị phức tạp và hỗn loạn hiện tại của Thái Lan, người ta luôn đặt ra một câu hỏi về một người không trực tiếp tham gia nhưng lại có ảnh hưởng lớn. Đó là: Thaksin Shinawatra - người hùng hay kẻ tội đồ?

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 (Ảnh Static)
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Ảnh: Static

Chính phủ Thái Lan cáo buộc vị cựu thủ tướng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự 2006 là xúi giục bất ổn và chặn con đường đi tới một giải pháp cho hỗn loạn tại trung tâm Bangkok. Thaksin bị cho là đã ngăn chặn những người ủng hộ ông trong việc chấp nhận đề xuất hoà bình.

Nhưng với những người ủng hộ ông chủ yếu ở vùng nông thôn nghèo và công nhân nhà máy, Thaksin - người đang sống lưu vong tại một quốc gia vùng Vịnh - là một người hùng vì ông hiểu mong muốn, khát vọng của họ. Ông được coi là người cha của phong trào Áo đỏ - những người biểu tình, chiếm giữ trung tâm Bangkok suốt hai tháng qua với yêu cầu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cùng chính phủ từ chức.

Ít nhất 67 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và quân đội tại Bangkok trong chín tuần qua.

Korbsak Sabhavasu, một trợ lý của Thủ tướng Thái Lan, hôm qua cho biết Thaksin đang chặn con đường đi tới một thỏa thuận. "Ông ấy muốn tìm sự ân xá cho chính mình, điều mà chúng tôi không thể làm”, Korbsak nói. "Không chính phủ nào có thể chấp nhận điều đó”.

Những người chống Thaksin coi ông này là kẻ tham nhũng, một tội đồ đã kích động phong trào biểu tình bạo lực cốt để bảo tồn tài sản giàu có và lát đường cho ông trở về từ quốc gia ông đang sống lưu vong và tránh án tù hai năm.

Trong vài tuần nay, Thaksin, 60 tuổi, ít khi xuất hiện, ngoài một bài phát biểu qua liên kết video vào thời điểm cuộc biểu tình bắt đầu ở Bangkok. Các thủ lĩnh Áo đỏ nói rằng, phong trào đã lớn mạnh hơn nhiều.

Chaturon Chaiseng, một phó thủ tướng trong chính phủ bị lật đổ nhấn mạnh: "Thaksin rất quan trọng trong phong trào Áo đỏ nhưng không phải ở tư cách cá nhân. Nếu đặt Thaksin ra ngoài các hành động, thì mọi vấn đề vẫn còn nằm đó”.

Quân đội và xe bọc thép triển khai trong chiến dịch trấn áp người biểu tình (Ảnh AP)
Quân đội và xe bọc thép trong chiến dịch trấn áp người biểu tình. Ảnh: AP

Phe đối lập với Thaksin tin rằng, ông này đang cung cấp tài chính cho người biểu tình và là người phải chịu trách nhiệm cho việc quân đội gia tăng hoạt động tại khu vực biểu tình ở quận thương mại Bangkok. Theo họ, Thaksin đã sử dụng ảnh hưởng của mình với các lãnh đạo Áo đỏ để ngăn chặn một đề xuất hòa bình mà chính phủ đưa ra về việc tổ chức bầu cử mới, bởi đề xuất này không giúp ông thoát tội tham nhũng.

Trong khi đó, Robert Amsterdam, luật sư của Thaksin cho biết, thân chủ của ông không có “hứng thú” lập tức với một lệnh ân xá.

Trong khi đó, sáng nay (19/5), binh lính Thái Lan với xe bọc thép đã tiến thẳng vào khu trại của người biểu tình, phá vỡ hàng rào tre gỗ nhằm thực hiện chiến dịch trấn áp phe Áo đỏ. Ít nhất 2 người biểu tình đã thiệt mạng.

Bốn giờ sau khi chiến dịch trấn áp bắt đầu, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn đã lên đài truyền hình quốc gia tuyên bố: “Chiến dịch sẽ diễn ra trong suốt ngày hôm nay. Chúng tôi muốn đảm bảo với mọi người dân Bangkok rằng, chiến dịch nhằm ổn định khu vực”.

Tính tới thời điểm hiện tại, có ba phóng viên nước ngoài bị bắn. Một phóng viên ảnh tại hiện trường cho biết, ba phóng viên nước ngoài được đưa vào bệnh viện vài giờ sau khi chiến dịch trấn áp người biểu tình bắt đầu.

Một phóng viên được cho là người Trung Đông bị bắn vào ngực và không có dấu hiệu còn sống. Một phóng viên Hà Lan bị thương vào vai và phóng viên thứ ba là người phương Tây ở độ tuổi 40 bị bắn vào chân. Ngoài ra, có ít nhất 7 người Thái phải nhập viện, chưa rõ tình trạng thương vong.

  • Thụy Phương (Theo FT, AP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,