- Sau Bộ trưởng Tài chính, Giao thông, các vị trưởng ngành kế hoạch - đầu tư và thông tin - truyền thông giải đáp những băn khoăn của ĐBQH về đường sắt cao tốc xuyên Việt.
Dù đã dành hẳn buổi chiều 21/5 để bàn về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhưng sáng 22/5, khi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội nói chung, các ĐBQH ở tổ Quảng Nam - Hà Tĩnh - Hưng Yên vẫn tiếp tục nói về "siêu dự án" này.
Nhân nói về vướng mắc trong công tác di dân tái định cư ở Thủy điện Sesan 2, ĐB Đinh Mươk (Quảng Nam) trăn trở, dân đến nơi tái định cư nhưng không được bố trí đất sản xuất, lại kéo lên rừng phá rừng già, rừng nguyên sinh.
"Làm đường sắt cao tốc khiến 16.529 hộ gia đình mất đất, chuyện gì sẽ xảy ra với rừng?", ông Đinh Mươk nêu vấn đề.
Đoàn Quảng Nam - Hà Tĩnh - Hưng Yên thảo luận sôi nổi về đường sắt cao tốc. Ảnh: Lê Anh Dũng
Quảng Nam vừa rồi đã kiên quyết "xóa sổ" 10 dự án án thủy điện vì lo ngại rừng bị xâm hại.
Từng lên tiếng "phê" giấc mơ xây đường sắt cao tốc là "xa xỉ", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận dẫn câu chuyện hàng loạt dự án dàn trải, hàng loạt chương trình mục tiêu quốc gia chồng lấn. "Mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư cứ chuẩn y dự án. Bộ Tài chính theo đó lại phải lo co kéo ngân sách", ông Thuận phân tích
Vị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đặt câu hỏi: "Tại sao Bộ Giao thông chỉ xin Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đồng ý về mặt chủ trương, nhưng khi đưa ra Quốc hội lại xin Quốc hội cho làm ngay, với số tiền cụ thể?".
Với nhiều ĐBQH, hàng loạt vấn đề xung quanh dự án này, từ ý tưởng, chuyện vay nợ, di dân, mất đất... chính là những "điểm nghẽn" trong phát triển đất nước. Nếu không giải quyết rốt ráo, các khóa QH sắp tới sẽ phải bàn tiếp việc này.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Võ Hồng Phúc thì vẫn lạc quan: "Dự án chiếm đất nhiều chính là quy hoạch Hà Nội chứ đường sắt chỉ đi qua các vùng đồi núi. Còn nói bão lụt thiên tai có ảnh hưởng không ư? Thì ta làm cầu cạn. Địa hình Nhật Bản giống với chúng ta, mưa lụt, địa hình kéo dài mà họ vẫn làm".
Cho dù, trong buổi họp tổ riêng hôm qua, các vị tư lệnh ngành Giao thông, Kế hoạch - Đầu tư ngồi rải rác ở các đoàn đều giải thích tiềm năng dự án, nhưng vẫn không làm ĐB an lòng. ĐB phàn nàn thiếu thông tin, khó bấm nút, thậm chí đề xuất lấy ý kiến toàn dân về "siêu dự án".
Với vai trò tư lệnh ngành thông tin, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho hay, sắp tới "Chính phủ sẽ giải trình kỹ hơn".
Bộ trưởng Hợp cũng nhắc lại "đây mới là báo cáo đầu tư để xin chủ trương".
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định: "Trước sau vẫn phải xây hạ tầng, chi bằng xây trước. Nếu để muộn hơn, giá thành càng cao lên".
-
Lê Nhung