- Đối thoại phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục sẽ được khai mạc vào sáng nay (28/5). Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm qua, khi được hỏi về trường hợp của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng thầy Khoa cần "rất bình tĩnh, kiên trì vì đây là cuộc đấu tranh lâu dài và rất gian nan".
Còn hô hào nhiều quá
- Ông có thể cho biết một vài nội dung quan trọng sẽ được tập trung bàn bạc trong đối thoại lần này?
Tổng TTCP Trần Văn Truyền: Phải dám đương đầu. Ảnh: VA
Chúng ta đang quan tâm vào 3 lĩnh vực: một là tình trạng dạy thêm và học thêm, hai là tình trạng thi cử và ba là việc thu phí.
Bộ GDĐT, các cơ quan chức năng của Chính phủ và các đối tác nước ngoài sẽ có các báo cáo nhằm đánh giá lại thực trạng tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục và đưa ra những giải pháp phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực này.
- Ông có suy nghĩ gì về thực trạng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục hiện nay?
Đảng và Nhà nước đang khuyến khích chống tham nhũng và chúng ta phải bắt đầu từ các cá nhân.
Bởi vì tham nhũng diễn ra trong từng cá nhân, và người chống tham nhũng cũng phải có hành động ở từng cá nhân.
Chứ bây giờ, chúng ta cứ hô hào chống tham nhũng nhưng rồi không ai dám làm gì, mà nếu làm rồi cũng bị chùn bước vì chịu quá nhiều áp lực, đe dọa...
Mình phải chấp nhận khi dấn thân vào việc này thì đương nhiên sẽ có những tổn thương và nguy hiểm.
Vì vậy, trước hết chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu.
Ngay như bản thân tôi, mỗi khi có kết luận thanh tra chỗ này, chỗ khác thì ít hay nhiều vẫn bị ảnh hưởng về mặt tình cảm, quan hệ, ứng xử với nhau.
Nhưng như từ tôi hay dùng là "đã dấn thân thì phải có sự hy sinh". Tuy có thể mất mát về phía mình nhưng được cho cái chung thì vẫn phải làm.
"Tiêu cực trong giáo dục vẫn nhiều"
- Nhiều ý kiến cho rằng các phong trào chống tiêu cực trong ngành giáo dục chỉ mới dừng lại ở mặt hình thức, ông nghĩ sao?
Phải thừa nhận, tiêu cực trong vấn đề giáo dục vẫn có nhiều, mặc dù Bộ GDĐT đã đề ra rất nhiều phong trào.
Giai đoạn ban đầu, việc nào cũng cần có sự phát động, để từ đó chúng ta chuyển ý thức đến hành động.
Nhưng bây giờ chúng ta phải đi vào chiều sâu, bằng việc làm cụ thể, đưa ra các quy chế cụ thể. Khi nó đã đi vào chiều sâu thì bớt rầm rộ cũng là lẽ đương nhiên.
Chưa có cơ chế rõ ràng bảo vệ người tố cáo
- Ông nghĩ gì khi biết thông tin thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người hăng hái trong chống lại các tiêu cực trong ngành giáo dục vừa qua xin nghỉ việc?
Có thể thầy Khoa đã không chịu được những áp lực, kể cả những sự đe dọa, trù dập và thầy quyết định xin nghỉ việc, đó cũng là một cách xử sự.
Tôi nghĩ rằng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là công việc rất gian nan, vô cùng khó khăn và thậm chí rất nguy hiểm. Nhưng đây cũng là vấn đề sống còn của đất nước, của chế độ, do vậy rất cần những con người dũng cảm, dám dấn thân, dám đương đầu.
- Với tư cách cá nhân, ông có lời nhắn nhủ gì đến thầy Khoa lúc này?
Tôi nghĩ thầy Khoa cần rất bình tĩnh, kiên trì vì chống tham nhũng, tiêu cực là một quá trình lâu dài và rất gian nan.
Chúng ta cũng phải tìm ra được giải pháp để làm sao vừa bảo vệ được mình, vừa tiếp tục kiên trì với con đường chống tiêu cực, chống tham nhũng.
- Chúng ta đã có cơ chế gì để khuyến khích và bảo vệ người dám đứng lên tố cáo tham nhũng, tiêu cực?
Hiện nay, tôi thừa nhận chúng ta chưa có cơ chế nào đầy đủ, rõ ràng để bảo vệ những người dám đứng ra tố cáo tham nhũng.
Mặc dù trong Luật khiếu nại tố cáo, cũng có quy định cấm các hành vi trả thù, trù dập, trả đũa hoặc thậm chí khống chế những người dám tố cáo nhưng thực tế vẫn rất khó khăn.
Do đó, chúng ta phải thực hiện các Luật hiện có cho nghiêm trước đã, rồi sau đó chúng ta mới bổ sung bằng những cơ chế tích cực hơn.
Các hành vi trả thù và trù dập hiện nay rất phức tạp, tinh vi cho nên cần có những cơ chế quy định rõ ràng thời gian tới.
- Cao Nhật - Thanh Nga ghi