- Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình - người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố chiều nay (6/5).
Hôm 29/4, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2010 tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Lệnh cấm của TQ hoàn toàn vô giá trị
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã phản đối việc làm này của phía Trung Quốc.
Đội thuyền chuẩn bị ra Hoàng Sa ở cảng Sa Kỳ. Ảnh: VNN |
Bà Nga tái khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
“Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, do đó hoàn toàn vô giá trị. Phía Việt Nam tiến hành giao thiệp ngoại giao phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc.”, bà Nga nói.
Lại bắt giữ tàu cá đòi tiền chuộc
Trong một diễn biến khác như VietNamNet đưa tin, tại vùng biển Quảng Ngãi lại xảy ra việc tàu Trung Quốc bắt giữ tàu cá Việt Nam.
Tàu bị bắt giữ mang số hiệu Qng-0281 do ông Đặng Tằm (35 tuổi) làm thuyền trưởng, kiêm chủ tàu, trú tại thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong cuộc gọi điện về đất liền từ đảo Phú Lâm sáng nay, thuyền trưởng cho hay ông cùng 11 thuyền viên đã bị tàu kiểm ngư mang cờ hiệu Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc.
Đây là tàu thứ 3 của bà con ngư dân tại Quảng Ngãi bị tàu kiểm ngư mang cờ hiệu Trung Quốc bắt giữ trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Trước đó, tàu của ông Tiêu Viết Là (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và tàu của ông Mai Phụng Lưu (xã An Hải, huyện Lý Sơn) với 23 thuyền viên đã bị bắt giữ tại đảo Phú Lâm hơn 1 tháng và bị đòi tiền chuộc. Họ chỉ được thả vào hôm 27/4 vừa qua sau khi cơ quan chức năng của Việt Nam can thiệp.
-
Xuân Linh