- Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sáng nay (11/5) ở Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay, việc hiện đại hóa quân đội là điều bình thường. Quốc phòng mạnh, quân đội mạnh giúp bảo vệ đất nước tốt hơn và giúp răn đe.
>> ASEAN mở rộng hợp tác quốc phòng với các cường quốc
>> Giới quốc phòng ASEAN "quên" vấn đề Biển Đông?
>> ADMM-4: Biển Đông sẽ ẩn hay hiện?
Giữ hòa bình
Trong nội dung các quốc gia thành viên tự nguyện nêu các vấn đề quan tâm về an ninh, Bộ trưởng thay mặt Việt Nam nêu vấn đề gì tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM)?
Vừa rồi tôi đã phát biểu trong ADMM4 về chính sách quốc phòng của Việt Nam. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là tăng cường hợp tác với các nước, bên cạnh nỗ lực xây dựng nội lực của mình.
An ninh của Việt Nam là một bộ phận của an ninh chung ASEAN và an ninh khu vực châu Á - TBD. Khu vực này có vấn đề an ninh hàng hải, an ninh phi truyền thống: khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, dịch bệch..., Việt Nam không thể đơn lẻ giải quyết được.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sáng 11/5 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cần có sự hợp tác với các nước đối tác bên ngoài ASEAN, tăng cường hợp tác với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Chúng ta tham gia vào hợp tác này là diễn đàn của lãnh đạo quốc phòng các nước ASEAN và ngoài ASEAN, không phải là tham gia khối quân sự hay liên minh quân sự. Chúng ta tập trung vào giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống và mục tiêu là giữ gìn hòa bình, ổn định, vì một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng của các nước.
Mất ổn định, không bên nào được lợi
Tại Hội nghị năm 2009, Bộ trưởng đã nêu vấn đề Biển Đông với các nước ASEAN. Năm nay, vấn đề Biển Đông như thế nào trong mối quan tâm của lãnh đạo quốc phòng ASEAN và Việt Nam nói riêng?
Cũng như các năm trước, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần này không bàn thảo gì về vấn đề Biển Đông, mà bàn về vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó vấn đề an ninh hàng hải là hết sức quan trọng. Khu vực chúng ta có vùng eo biển Malacca mà hiện nay hợp tác giữa Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan rất tốt. Qua tuần tra chung như vậy đã giúp giảm các vụ cướp biển.
Gần đây, hải quân Việt Nam đã cứu vớt được 9 ngư dân Indonesia và một số nước đã bị cướp biển ở eo biển này cướp tàu thuyền và thả xuống bè.
Một trong những nội dung của ADMM là để đóng góp, hỗ trợ vào việc triển khai đầy đủ Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông DOC. Cụ thể việc hỗ trợ này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Điều quan trọng là bây giờ chúng ta phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh (giữa) trao đổi với quan chức quốc phòng các nước ASEAN. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chúng ta tôn trọng DOC. Phải giữ nguyên hiện trạng, không có bên nào đóng thêm các đảo đá mới. Chúng ta phải đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về Luật biển 1982.
Phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định. Điều đó hết sức quan trọng để phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như các nước. Nếu để xảy ra mất ổn định, không có bên nào được lợi. Đó là thảm họa cho các nước trong khu vực.
Không để chia rẽ
Liên quan đến hợp tác quốc phòng ở cấp song phương, thời gian qua, Bộ trưởng đã dẫn đầu đoàn sang thăm chính thức các nước Mỹ và Trung Quốc. Kết quả của các chuyến thăm này như thế nào, thưa ông?
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước. Vì thế, Việt Nam chủ trương quan hệ thật hữu nghị, thật tốt với tất cả các nước, trong đó bao gồm các nước láng giềng và nước lớn trên thế giới.
An ninh của chúng ta có liên quan đến nhiều nước, nếu quan hệ tốt, tăng cường hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, hợp tác tốt với nhau sẽ giúp loại trừ khả năng có thể dẫn đến mất ổn định.
Quan hệ với Trung Quốc hiện nay có thể nói là rất tốt, trên tinh thần đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện, trên tinh thần 16 chữ và 4 tốt. Chúng ta là láng giềng hữu nghị, là đồng chí, anh em.
Bây giờ gay gắt nhất là vấn đề trên Biển Đông thôi. Hai bên còn có những tranh chấp, đều cam kết là giữ ổn định, không để vì tranh chấp đó ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, làm mất ổn định. Chúng ta phải đàm phán hòa bình theo tinh thần dễ trước, khó sau.
Những cái khó trước đây như biên giới trên bộ, vấn đề Vịnh Bắc Bộ chúng ta cũng đã giải quyết được bằng đàm phán hòa bình mà hai bên cùng có lợi, bây giờ trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển kinh tế rất tốt.
Vấn đề Biển Đông cũng cần đàm phán hòa bình để từng bước giải quyết, và phải hết sức kiềm chế, không để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng, kích động để chia rẽ quan hệ hai nước Việt - Trung, không để chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước ta với quần chúng nhân dân. Điều đó rất quan trọng.
Quan hệ với Mỹ hiện nay rất tốt. Vấn đề MIA, hợp tác tìm kiếm người mất tích, chương trình dò tìm chất nổ sau chiến tranh, Họ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả của chất độc da cam, hợp tác trong rà soát bom mìn, chia sẻ thông tin…
Hợp tác hải quân trong khu vực Biển Đông thì sao, thưa Bộ trưởng?
Đây là một trong những điểm sáng của hợp tác của Việt Nam với các nước. Hải quân Việt Nam đã hợp tác với Trung Quốc trong tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ.
Chúng ta cũng đã hợp tác quốc phòng với Campuchia, Thái Lan, đang tiến tới hợp tác tập trận chung với Malaysia, đề xuất hợp tác với Philippines, Malaysia, thắt chặt tình cảm hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau, trong đó có duy trì cục diện ổn định, an ninh trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân chúng ta và các nước khai thác.
Trở ngại nhất trong hợp tác quốc phòng trên Biển Đông là gì?
Vấn đề trên Biển Đông quan trọng nhất lúc này là xây dựng lòng tin. Các bên phải bảo nhau cùng nhau xây dựng lòng tin, và phải hết sức kiềm chế vì chủ quyền của chúng ta cũng như giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển.
Song song với hợp tác quốc phòng với các nước, việc hiện đại hóa quân đội, hiện đại hóa quốc phòng của ta như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Vấn đề này cũng bình thường thôi. Chúng ta đã thông báo công khai với toàn dân, toàn thế giới là chúng ta xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Khi nền kinh tế phát triển cho phép, chúng ta phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự, nhằm bảo vệ ổn định, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chúng ta có hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng quan hệ hợp tác với các nước và có khả năng quốc phòng mạnh, quân đội mạnh, để bảo vệ đất nước tốt hơn, có khả năng răn đe để cho ai đó định làm việc gì đó với Việt Nam cũng phải tính đến nhân tố này.
-
Phương Loan