- Những người ủng hộ phải gấp rút xây đường sắt cao tốc để có "của hồi môn" cho con cháu nói khi Nhật Bản, Trung Quốc làm, thu nhập bình quân đầu người cũng như Việt Nam. Những ai chưa tán thành làm ngay thì đặt câu hỏi: "Còn những lúc học sinh đu dây đến trường, dân chưa được đáp ứng cả những nhu cầu thiết yếu thì sao không thấy ai so sánh với Nhật Bản xem y tế, giáo dục của họ đến đâu".
>> Nóng bỏng nghị trường
>> "Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
Mới kết thúc phiên thảo luận sáng 8/6 về đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhưng luồng ý kiến trong Quốc hội phân rẽ rõ rệt. Có ĐB khi đứng lên đã phải mào đầu: "Tôi không được mời đi nước ngoài xem đường cao tốc", hoặc "nên bình tĩnh để lắng nghe ý kiến của nhau".
Những ĐB đã từng được Tổng công ty Đường sắt mời đi tham quan đường sắt các nước, và ĐB các tỉnh thành có đường cao tốc đi qua nếu không ủng hộ 100% chỉ mong xây càng sớm càng tốt, hoặc thận trọng hơn là yêu cầu Chính phủ tính toán kỹ lưỡng thêm. Lý do ủng hộ thì không ai giống ai.
"Đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng"
"Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây", ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) nói.
ĐB tỉnh Đắk Nông Lương Phan Cừ ví von: "Miền Trung có những bãi biển xinh đẹp, như những nàng tiên đang ngủ. Có đường sắt cao tốc, giao thông thuận tiện, các nàng tiên sẽ được đánh thức".
Theo ông Cừ, làm đường sắt cao tốc không mất đất sản xuất. Vay cho đầu tư phát triển thì sẵn sàng thắt lưng buộc bụng, "nhất là khi người cho vay vẫn tin tưởng ở chúng ta". Nếu không làm gấp thì đến 2020 có 57 triệu hành khách sẽ thiếu phương tiện đi lại.
Nói như ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc), con tàu cao tốc xây ở Việt Nam sẽ "như biểu tượng của nền kinh tế phát triển, văn minh" mà trước sau con cháu cũng làm.
Còn theo ĐB Trần Du Lịch, nếu bây giờ nâng cấp đường sắt hiện tại cho tàu chạy tốc độ 200km/h, khi nào đủ tiềm lực mới làm cao tốc, không khác gì cha mẹ đủ tiền xây nhà 2 tầng nên chỉ đổ móng vừa đủ, đến đời con cháu muốn xây 5 tầng phải đập đi làm lại. Chi bằng cha mẹ nên "cố" xây luôn móng nhà 5 tầng.
ĐB Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân thậm chí còn muốn xây ở mỗi tỉnh hai ga đầu cuối. Vì trước đó, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) phân tích xây 27 ga toàn tuyến là chia quá nhỏ, khoảng cách giữa các ga quá ngắn sẽ ảnh hưởng tốc độ.
ĐB Phan Xuân Dũng (Huế) lạc quan: "Xi măng, sắt thép đang dư thừa sẽ được dùng hết. Hàng nghìn lao động sẽ có việc làm", không khí sẽ hồ hởi như thời sau giải phóng bắt tay làm đường sắt Bắc - Nam. ĐB Dũng còn kết thúc bằng câu hát hân hoan kể chuyện các chàng trai, cô gái con cháu Bác Hồ đi mở đường.
Các ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Đào Xuân Nay (Bình Thuận)... cũng chung quan điểm.
"Nàng tiên sẽ hỏi: Tiền đâu?"
Những ĐBQH còn đang phân vân, hoặc phản đối và muốn lùi dự án sang khóa sau chọn một góc nhìn kinh tế hoặc xã hội để phân tích.
Rằng "đây chỉ là giấc mơ đẹp", rằng "xin chủ trương nhưng tờ trình của Chính phủ thì cho thấy sự quyết liệt muốn làm ngay", "ai sẽ hưởng lợi"?
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: Không ai cấm ước mơ, so sánh nhưng đừng cho rằng nước người có thì ta cũng phải có |
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng âm hưởng chủ đạo trong tờ trình Chính phủ là bác bỏ mọi giải pháp phát triển giao thông khác chỉ để áp đặt cho đường sắt cao tốc với nhiều lập luận thiếu khoa học.
Ông Thuyết dẫn chứng, Chính phủ nói: "Sự đầu tư quá tập trung vào đường bộ đã làm gia tăng quá nhiều phương tiện cá nhân, gây ùn tắc và tai nạn nghiêm trọng".
Tờ trình cũng viết tuyến Quốc lộ 1A chủ yếu phục vụ cho vận tải nội vùng.
"Không tưởng tượng tuyến đường huyết mạch mà chỉ phục vụ vận tải nội vùng. Lãnh đạo ngành giao thông lập chiến lược phát triển như vậy có đúng không? Đồng bào còn gặp nhiều khó khăn trên đường bộ. Dân Pako Kon Tum còn phải đu dây qua sông. Không biết người viết tờ trình có sống ở Việt Nam không?", ông Thuyết hỏi.
Khuyến cáo ĐBQH hãy thận trọng, ĐB Thuyết chỉ ra rằng, ngay báo cáo thẩm tra cũng "đánh tráo khái niệm".
Cơ quan thẩm tra lập luận rằng vận tải đường sắt có nhiều ưu thế và đường sắt hiện nay quá lạc hậu để rồi quả quyết "phải làm đường sắt cao tốc", trong khi "hiện đại" và "cao tốc" là hai chuyện khác nhau.
Cũng theo ĐB Thuyết, thủ tục thẩm tra dự án thiếu khoa học. Lập dự án là liên danh Việt Nam - Nhật Bản, thẩm định lại là Nhật Bản - Việt Nam.
Chủ trì Hội đồng thẩm định dự án chính là cơ quan trình dự án, khác nào nghiên cứu sinh làm chủ tịch hội đồng chấm luận án tốt nghiệp.
Trong khi đó, hiệu quả tài chính, kinh tế hoàn toàn dựa trên giả định, ước đoán. "Nếu hiệu quả như vậy thì ta cứ mời nhà đầu tư vào làm kiểu BOT, miễn thuế 10 năm xem có ai nhận làm không?", ông Thuyết đề xuất.
Lý lẽ dựa vào đất đai, vào khai thác dịch vụ để tăng hiệu quả tải chính, theo ông Thuyết cũng chỉ là bài toán quẩn.
"Có ĐB ví von dự án này "đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng". Tôi rất hồi hộp chờ xem câu đầu tiên nàng tiên nói khi mở mắt là gì. Có lẽ nàng sẽ nói "tiền đâu?". Chỉ số IQ của tôi thấp nên tôi chắc chắn không tán thành", ông Thuyết kết luận.
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết: Tôi rất hồi hộp chờ xem câu đầu tiên nàng tiên nói khi mở mắt là gì |
Chung quan điểm với ĐB Thuyết, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, món quà quý nhất cho con cháu là giải quyết triệt để vấn nạn giao thông hai thành phố lớn trong 10 năm tới. Làm tốt đường bộ cao tốc tránh lũ và cải tạo đường sắt hiện tại, nâng tốc độ lên 200km/h. Có được nền tảng như vậy, đến 2020, thế hệ con cháu giỏi giang và thông minh sẽ hoàn thiện nốt giấc mơ đường sắt cao tốc.
"Ta phải xem hiệu quả kinh tế. Không ai cấm ước mơ, so sánh nhưng đừng cho rằng nước người có thì ta cũng phải có", ông Thuận khẳng định.
Không mấy khi phát biểu ở Hội trường, nhưng bấm nút phát biểu sáng nay, ông Thuận tha thiết mong Chính phủ xem lại hiệu quả kinh tế.
Vị Chủ nhiệm UB Pháp luật lo ngại nhất vấn nạn tham nhũng, lãng phí, bao nhiêu phần trăm trong số 56 tỷ USD "rơi" vào túi cá nhân. Vì sao các dự án kinh tế luôn được trình gấp, nay trình, mai quyết, trong khi các dự án giáo dục thì ì ạch, phải chăng vì không "sinh lời"?
Nói về chuyện đi vay, ông Thuận lo lắng khi cả Ngân hàng Thế giới lẫn Ngân hàng Phát triển châu Á đều từng cảnh báo "không nên trèo cao ngã đau". Về phía đối tác Nhật Bản, khi đường lối đối ngoại thay đổi hàng ngày, ai dám chắc 10 năm tới, kinh tế của xứ Phù Tang đi lên hay xuống?
Ông Thuận nhắc nhở, năm 2006, Thủ tướng Nhật Abe từng khuyến cáo, với hạ tầng cơ sở của mình, VN chưa thể làm được đường sắt cao tốc. Đến bây giờ, vì nhu cầu xuất khẩu công nghệ nên phía Nhật muốn VN làm.
Nhiều ĐB trước đó đã ví sự chần chừ của QH lần này không khác gì khi quyết đường dây 500kv Bắc - Nam, nhưng đường dây đó đến nay rất hiệu quả.
Song, theo ông Thuận, chuyện thất thoát điện thế nào, không ai báo cáo. "Ta đang nghiên cứu xây dựng đường truyền tải điện mới có phải vì đường dây này chưa hiệu quả. QH có cần được biết không?".
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) ví chuyện làm bây giờ không khác anh nhà nghèo quyết vay tiền mua ô tô cho bằng anh nhà giàu.
Dự án so sánh với Nhật xây dựng đường sắt cao tốc tuyến Tokyo - Osaka khởi công năm 1959 hoàn thành năm 1964, lúc đó thu nhập bình quân đầu người của họ chỉ 500 USD. Nhưng theo ông Việt, 500 USD lúc đó mua được 3 Ounce vàng, nay mua 3 Ounce vàng phải bỏ ra gần 3.500USD.
Một Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng khác, nguyên Hiệu trưởng ĐH Giao thông Lê Văn Học phân tích kỹ khía cạnh khoa học, công nghệ. Ông đề xuất làm rõ lý do chi phí cho tư vấn và lập báo cáo chiếm tới 11,5% (5 tỷ USD), trong khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chưa đến 2%, thủy điện Lai Châu chỉ 4,7%.
"Làm đường sắt cao tốc là mơ ước trong ngành. Từ những năm 1970, những người làm giao thông như tôi chỉ được nhìn thấy qua phim. Nhưng chúng ta cần cân nhắc kỹ", ông Học nói.
Chiều 8/6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận dự án này.
-
Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng