- Có lẽ do chúng ta đã quen với cáchcứ Chính phủ trình thì QH sẽ thông qua, dù có thể giảm về mức độ, giãn về thời gian. Lần này, QH không thông qua dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.HCM, khác hẳn cách làm lâu nay nên chúng ta hơi “bất ngờ”, thoáng một chút “giật mình” nhè nhẹ đầy sung sướng?
>> Đường sắt cao tốc và những dấu mốc nghị trường
>>"Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
“Giật mình” vì… đúng quá!
Sau 3 vòng bỏ phiếu với tỷ lệ rượt đuổi sát sao, cả phía ủng hộ lẫn phía phản đối đều không dành đủ 50% số phiếu cần thiết, Quốc hội đã không thông qua nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM (ĐSCT). Không thông qua, hiểu theo ngôn ngữ báo chí, là "bác" dự án của Chính phủ, dù dĩ nhiên Chính phủ hoàn toàn có thể làm lại dự án này để trình vào một kỳ họp khác.
Những ai đã theo dõi sát cuộc tranh luận nảy lửa quanh dự án này chắc chắn có cảm giác “giật mình” nhè nhẹ khi nghe kết quả Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc. Điểm lạ nằm chính ở cái sự “giật mình” này. Tại sao lại “giật mình” khi kết quả lẽ ra đã được báo trước? Chẳng phải kết quả phiếu thăm dò ĐBQH cũng đã thể hiện rõ ràng và đúng như kết quả hôm nay rồi sao?
Cùng xem thật kỹ dự thảo Nghị quyết về đường sắt cao tốc |
Trong những ý kiến đồng tình ban hành nghị quyết ngay kỳ họp (câu hỏi 2), chỉ có 148 ĐB đồng tình với lộ trình của Chính phủ, trong khi có đến 201 ĐB chọn phương án lùi thời gian khởi công, cả hai phía cũng đều không đạt tới 50% số phiếu.
Đó là chưa kể có tới 192 ĐB không muốn ra nghị quyết trong kỳ họp này từ câu hỏi 1, chỉ tiếc có người trong số này vẫn trả lời tiếp câu hỏi 2 nên số liệu có phần lộn xộn, khó phân tích (nếu hiểu theo logic thông thường, đã không đồng ý ra nghị quyết ở thời điểm này thì không cần chọn tiếp sẽ ra nghị quyết theo cách nào).
Với tỷ lệ ấy, chuyện bấm nút ở hội trường để thông qua nghị quyết, không bên nào đạt đủ 50% là chuyện đương nhiên, hợp lẽ tự nhiên. 209/439 ĐB (chiếm 42,39%) chiếm đa số ủng hộ phương án 1 (được viết chung chung là huy động đa dạng mọi nguồn lực để đầu tư cho toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông, liệu có thể hiểu là sẽ không tập trung đầu tư cho ĐSCT?) đương nhiên sẽ phản đối phương án 2 (sẽ đầu tư ĐSCT nhưng giãn tiến độ, với những bước đi cụ thể). Mà đã phản đối thì đương nhiên sẽ không thể ủng hộ điều 2 (là những bước đi cụ thể của phương án 2).
Nếu nhìn sâu hơn, những ĐB vắng mặt khi bấm nút (chỉ 439/493 ĐBQH bấm nút, vắng tới 54 người) và những ĐB không biểu quyết (39 người, chiếm 7,91%) có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung cuộc, nhất là khi hai bên đang ở thế "giằng co", bởi tổng hai thành phần này đã lên tới 18,86%. Nếu tất cả ĐB đều có mặt, kết quả biết đâu lại khác? Nhưng thực tế ở đời làm gì có chỗ cho chữ “nếu”.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Điểm “độc sáng” là không thỏa hiệp!
Chỉ biết, chuyện nghị quyết sẽ không được thông qua lẽ ra phải biết trước qua các cuộc tranh luận, thảo luận, phản biện của các đại biểu; nhưng khi có kết quả cụ thể, đúng như nó phải thế, thì chúng ta lại “giật mình”, dù chỉ là một cú “giật mình” rất nhẹ? Có lẽ do chúng ta đã quen với thông lệ, cứ Chính phủ trình gì thì dù có thể giảm về mức độ, giãn về thời gian, nhưng vẫn cứ là thông qua, cứ là... "thỏa hiệp"?
Ngay trong kỳ họp này thôi, có không ít luật, nghị quyết… khi thảo luận thì rất sôi nổi, đủ những lý lẽ sắc bén phản biện, nhưng khi bấm nút thì cứ nhẹ như lông hồng!
Điển hình như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2011, khi thảo luận tổ và hội trường, các ĐB liên tiếp phê phán việc trì hoãn những dự luật quan trọng (Luật Biển, Luật Đất đai, Luật Tiếp cận thông tin...), phê phán Chính phủ tùy tiện đưa vào rút ra các dự luật, phê phán nhiều dự luật không đủ chất lượng vẫn được trình...
Phê phán mạnh mẽ thế, UBTVQH không sửa được bao nhiêu đã đành, còn lùi sửa Luật Đất đai sang tận 2012, nhưng Nghị quyết vẫn được thông qua với con số rất đẹp: 87,22%.
Chưa kể, dù các ý kiến thảo luận có sắc sảo đến đâu, thuyết phục đến nhường nào, cũng chỉ là ý kiến của một cá nhân. Một ngày thảo luận hội trường cũng chỉ xấp xỉ 50 đại biểu phát biểu là cùng, nào ai biết hơn 400 đại biểu còn lại nghĩ gì? Họ đồng tình hay phản đối? Chưa kể có người phát biểu phản biện hay thật hay, rồi chính người đó lại bỏ phiếu ủng hộ, cũng chẳng ai biết được.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thế nên, chuyện nghị quyết ĐSCT "bỗng nhiên" không được thông qua, theo logic học là chuyện đương nhiên nhưng lại trở thành sự lạ, thành điểm độc sáng vì nó phản ánh đúng quan điểm cá nhân của các ĐB.
Lạ vì ĐBQH lần này không chỉ quyết liệt thảo luận mà còn kiên định bảo lưu quan điểm từ đầu đến cuối kỳ họp, cho dù Chính phủ cố gắng giải trình, nhiều thành viên cốt cán của Chính phủ (kể cả Phó Thủ tướng thường trực) khẳng định "hùng hồn" không thể không xây ĐSCT.
Câu chuyện nghị quyết ĐSCT đã tìm được một kết thúc hợp lòng dân, dù chỉ là kết thúc của một chặng đường. Không thể không cảm ơn các ĐBQH, bởi chính thái độ bấm nút đầy trách nhiệm của họ đã tạo ra cái kết ấy. Những người ủng hộ Chính phủ hôm nay cũng chẳng phải buồn, bởi bản chất của QH là quyết định theo đa số. Cảm ơn rồi lại phải nhắn gửi tiếp đến các vị, xin lần nào bấm nút cũng trách nhiệm và kiên định như lần này, đừng bấm cho xong vì "đằng nào chẳng thông qua", hay bấm nút vì... những con số đẹp.
-
Khánh Linh