- Cho rằng đồng bào những vùng giàu khoáng sản đang "nghèo trên đống vàng, chết trên đống thuốc", Bí thư Hà Sơn Nhin (Gia Lai) ví von, các "nàng tiên" khoáng sản bây giờ đã đến mức phải than: "Anh ơi đừng quậy em nữa, em sắp kiệt sức rồi. Nếu em chết thì mọi người sẽ chết sau em không lâu".
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
>> Bán mỏ vì lợi ích nhiệm kỳ
>> Mỗi năm, VN mất 1 hòn đảo vì xuất bừa tài nguyên
>> Khoáng sản: Lợi ích nghiêng về người được quyền khai thác mỏ
>> Luật hở, cấp phép nhiều, thu ngân sách chẳng được bao nhiêu!
Nghịch lý mà ông Nhin, cũng như nhiều bí thư các tỉnh giàu tài nguyên nêu ra trong phiên thảo luận sáng nay (16/6) ở Hội trường về Luật Khoáng sản, đó là càng ở những nơi giàu tài nguyên, dân càng nghèo, đường xá hỏng, bệnh tật và tệ nạn xã hội tràn lan.
Đừng để đời cha ăn mặn...
Dân, doanh nghiệp, tỉnh, Trung ương hay chỉ một nhóm lợi ích hưởng lợi từ khoáng sản? Câu hỏi được đề cập nhiều bởi địa phương thì than nghèo, Nhà nước nói thất thu.
Bí thư Gia Lai Hà Sơn Nhin phàn nàn, địa phương chỉ quản được rừng, nguồn nước chứ khoáng sản dưới lòng đất thì chịu, nói gì đến việc quy hoạch quản lý, vì đây là độc quyền của Bộ TN&MT.
Theo ông Nhin, "các dự án do địa phương cấp phép chủ yếu vì lộ lọt thông tin hoặc Trung ương "chỉ điểm" chứ địa phương làm sao biết được chỗ nào có mỏ vàng, mỏ đá quý".
Ông Nhin muốn phải có quy định cụ thể loại mỏ nào, khoáng sản nào được phép công khai, cái nào không công khai, từ đó tránh được việc xin, cho tiêu cực.
ĐB Trần Đình Nhã (Vũng Tàu) gửi lời khẩn cầu Quốc hội hãy đưa ra quyết sách để thế hệ tương lai không sa vào cảnh đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Khi mà VN đang sở hữu nhiều loại khoáng sản tầm cỡ thế giới như: bôxít, titan, đất hiếm, đá hoa trắng, đá nguyên liệu xi măng v.v... nhưng mỗi năm chỉ đóng góp 3% GDP và giải quyết việc làm cho 30 vạn lao động.
Ngân sách phải chi ra không ít để làm đường, làm cảng, giải quyết hậu quả vô hình và hữu hình của hoạt động khai thác khoáng sản. "Khai thác khoáng sản nhiều nhưng nhân dân cũng đau ốm nhiều do môi trường bị ô nhiễm", ông Nhã kết luận.
Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã: Nhân danh tương lai, gửi lời khẩn cầu đến Quốc hội |
Ông Nhã và ĐBQH các tỉnh giàu khoáng sản như Cao Bằng, Đăk Nông, Quảng Nam... đều chỉ ra, dân ở những nơi có khoáng sản không những nghèo, mà thậm chí còn kinh hoàng nếu như biết mình ở trên một vùng đất có khoáng sản. Hầu như đã chẳng được lợi lộc gì họ còn phải đối mặt với nguy cơ phải dời nhà, dời cửa, hít bụi, chịu đựng tiếng ồn...
"Dân rất sợ ông địa chất, ông phát hiện gần nhà mình hay ngay dưới nhà mình có mỏ", ông Nhã nói.
Bí thư Cao Bằng Nguyễn Thị Nương than: "Nơi nào có nhiều khoáng sản đang được khai thác thì nhân dân càng chịu nhiều khó khăn, như đường xá hỏng, đi lại khó khăn, môi trường nước, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đất đai sản xuất bị xâm phạm và ngày càng bị giảm dần. Nguồn thu của địa phương rất thấp".
"Các nước mới phát triển có chiến lược thu hút khoáng sản rất mạnh. Họ mua về dùng nhưng mua cả về dự trữ, với giá rất cao, trong khi khoáng sản của Việt Nam bán chưa đủ giá, giá bao cấp. Như vậy chúng ta có khi còn bao cấp cho cả nước ngoài và trở thành những nhà cung ứng rất rẻ tiền về khoáng sản cho một số nước". ĐB Lê Quốc Dung |
Do đó, việc khai thác luôn gây tác động lớn đến tốc độ dòng chảy các con sông. Cá ở miền Trung đang chết hàng loạt do khai thác vàng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Lê Quốc Dung trăn trở: "Nếu Nhà nước không biết thực hiện đầy đủ lợi ích của mình thì các nhóm lợi ích sẽ thực hiện và phân chia với nhau, rất tiêu cực".
Không công bố mỏ sát biên giới
Để hạn chế tình trạng DN lũng đoạn khai khoáng, bán đổ, bán tháo tài nguyên, ĐB Trần Đình Nhã đề xuất mạnh tay bỏ cơ chế cấp phép khai thác khoáng sản mà chỉ cấp phép thăm dò.
Quyền khai thác đều phải được đấu giá.
Trong trường hợp DN nhận giấy phép nhưng không khai thác, theo ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc), nên kiên quyết thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân khác.
Bí thư Cao Bằng Nguyễn Thị Nương: Do năng lực điều hành còn nhiều bất cập nên người khai thác diễn giải theo ý mình |
ĐB Điểu K’re (Đăk Nông) cho rằng, cần có chế định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm DN phải bồi hoàn tổn hại môi trường, hạ tầng cơ sở cũng như sử dụng lao động địa phương. Dự thảo luật chỉ ghi "cần khuyến khích" thì không đủ ràng buộc pháp lý.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Cao Bằng Triệu Sĩ Lầu lại đề xuất không nên công bố quy hoạch các mỏ khoáng sản nhỏ lẻ ở khu vực nước đầu nguồn, rừng phòng hộ, đất sản xuất và mỏ sát biên giới. Như vậy sẽ ngăn chặn nạn khai thác bừa bãi, thu gom xuất lậu quặng qua biên giới, cũng bảo đảm an ninh quốc phòng.
Dự thảo luật sẽ được hoàn thiện trước khi thông qua vào kỳ họp sau.
-
Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng