221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1288910
Nga-Mỹ vượt lên bất đồng nhưng chưa xuôi chèo mát mái
1
Photo
null
Nga-Mỹ vượt lên bất đồng nhưng chưa xuôi chèo mát mái
,

- Dù còn nhiều vấn đề giữa hai nước chưa có tiếng nói chung, nhưng Tổng thống Medvedev không muốn những dị biệt cản trở mối quan hệ đầy tiềm năng giữa hai cường quốc.

Tổng thống Dmitry Medvedev thăm Mỹ từ 23 đến 25/6. Đây là lần thứ hai Tổng thống Nga đến Mỹ trong vòng hai tháng (tháng 4, ông đã tới đây dự Hội nghị an ninh hạt nhân), và là lần thứ bảy Medvedev và Obama gặp nhau.

Mục tiêu hàng đầu trong chuyến thăm Mỹ lần này của ông Medvedev là thuyết phục Washington “hãy đồng ý với nhau những gì chưa nhất trí”. Dù còn những vấn đề giữa hai nước chưa có tiếng nói chung, nhưng ông Medvedev không muốn những dị biệt cản trở mối quan hệ đầy tiềm năng giữa hai cường quốc.

Đánh chìm dị biệt

Mục tiêu thứ hai là sự nối dài mục tiêu thứ nhất, vận động dư luận chính giới lẫn doanh nghiệp Mỹ đồng lòng và ủng hộ chương trình “hiện đại hóa” đang tăng tốc của nước Nga.

Tổng thống Nga thừa nhận ông đã xây dựng được quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Obama. Nhưng ông Medvedev cũng khẳng định rằng, quan hệ thân mật giữa hai tổng thống chưa đủ. Tình thân hữu này cần được hỗ trợ bởi ý chí chính trị từ hai chính quyền, công luận và nhất là cộng đồng doanh nghiệp từ mỗi nước.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đi dạo qua công viên Lafayette ở Washington hôm 24/6 trên đường từ Nhà Trắng đến dự một cuộc họp ở Phòng Thương mại Mỹ. Ảnh: AP

Một phái đoàn 250 doanh nghiệp hàng đầu của nước Nga tháp tùng tổng thống và những điểm đến đầu tiên của chuyến thăm nguyên thủ lần này là Texas và California. Không phải ngẫu nhiên, trạm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Nga không phải là Thủ đô Washington, mà là thủ đô của các ngành công nghệ cao và công nghiệp không gian ở Thung lũng Silicon.

Ông Medvedev khá bộc trực khi nói rằng, ông muốn tham quan mọi thứ ở đây để về nước sẽ triển khai dự án Skolkovo, xây dựng một trung tâm công nghệ cao tương tự, một “thành phố của sáng tạo/đổi mới” ở ngay gần Moscow, nhằm thu hút đầu tư của tư nhân và ngoại quốc.

Những vấn đề trong chương trình nghị sự giữa hai tổng thống quả là rộng lớn và có ý nghĩa bao trùm đối với toàn bộ mối quan hệ Nga - Mỹ. Sau khi ký hiệp ước giải trừ quân bị START-3, cả Obama lẫn Medvedev đều muốn tập trung thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại. Một thực tế cả hai phía đều thấy phi lý, trong khi Nga là nền kinh tế thứ 8 trên thế giới, nhưng về đối tác thương mại đối với Mỹ lại “bị” xếp vào vị trí thứ 25.

Hầu hết các vấn đề quốc tế lớn hai bên quan tâm đều được đặt lên bàn đàm phán, từ thái độ khó xử cả của Mỹ lẫn của Nga đối với các diễn tiến bạo lực ở Kyrgyzstan, vấn đề trừng phạt Iran, đến việc vận động quốc hội hai nước phê duyệt START-3, tình hình bán đảo Triều Tiên và quan hệ với Grudia. Tất cả đều đã được hai Tổng thống đề cập tới, hầu như không có đề tài nào là “húy kỵ”. Và như một lẽ thuờng tình, những phi vụ làm ăn càng quy mô thì sự hậu thuẫn về chính trị - ngoại giao phải càng phải lớn.

Cũng xuất phát từ yêu cầu đề cao mặt thân tình, đánh chìm các dị biệt, giữa buổi làm việc hai nguyên thủ đã “rủ nhau” cùng đi ăn bánh mì kẹp thịt (hamburger) trong một quán “ăn nhanh” trên đường phố. Biết đâu một nền ngoại giao “fast food” được ra đời từ đây! (Ta lại nhớ cách đây mấy năm, máy bay của Bill Clinton cất cánh muộn hơn dự kiến vì trước khi lên đường, Tổng thống Mỹ đã “tranh thủ” ăn thêm bát phở Hà Nội).

Nghi kỵ còn đó

Quan hệ Nga - Mỹ đang chuyển động tới thời điểm quan trọng không chỉ đối với hai nước, mà còn đối với toàn thế giới, xét từ nhiều ý nghĩa. Nga sẽ ủng hộ Mỹ và phương Tây đến đâu trong vấn đề duy trì sự phục hồi kinh tế toàn cầu tại hai diễn đàn G8 và G20 diễn ra ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh này tại Toronto (Canada)?

Về lâu dài, Mỹ không có nhiều con bài trong khu vực Á - Âu, liệu Washington sẽ chấp nhận sự hiện diện của Moscow đến mức nào để bảo đảm sự cân bằng chiến lược trong không gian Á - Âu tạo bởi những quốc gia “hậu Xôviết”? Bạo lực sắc tộc hiện nay ở Kyrgyzstan đang làm đau đầu các nhà hoạch định chiến lược ở cả hai cường quốc để tìm câu trả lời cho câu hỏi “can thiệp hay không can thiệp?”.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chính quyền Obama tiếp tục nêu vấn đề Nga chiếm đóng Abkhazia và Nam Ossetia, hay là đôi bên sẽ không đi đến thống nhất được về Grudia? Đặc biệt, mặc dù Nga và Mỹ đã ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tiến công chiến lược nhưng những nghi kỵ giữa đôi bên do kế hoạch phát triển lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu vẫn còn đó.

Trên đây là những câu hỏi không dễ trả lời! Và ngay giờ đây, sau khi ông Medvedev đã nhận được món quà giá trị từ Tổng thống Obama, chính quyền Mỹ hầu như đã đồng ý về việc để Nga tham gia WTO, một số nhà phân tích vẫn còn băn khoăn về sự tiến bộ trong quan hệ hai cường quốc từng là cựu thù một thời trong chiến tranh Lạnh.

Quá trình chuyển dịch sự “tái khởi động” quan hệ hai nước từ lĩnh vực an ninh - chiến lược sang kinh tế - thương mại sẽ là một quá trình bền vững, xuôi chèo mát mái hay còn phải đối mặt với những hội chứng từ quá khứ chưa phải là xa xôi?

Giờ đây không ai muốn nhắc lại vào cuối triều đại Bush, Tổng thống Nga lúc bấy giờ là Vladimir Putin đã có phát biểu khá gay gắt khi so sánh chính sách của Mỹ với chính sách của phát xít Đức trước đây.

Một quan chức cấp cao của bộ quốc phòng Mỹ tuần trước vừa nói tại Học viện Nixon, rằng tuy có nhiều tiến bộ trong quan hệ Mỹ - Nga, nhưng vẫn còn đầy những thách thức ở phía trước. Giám đốc Học viện Nixon Paul Saunder còn tung ra một dự báo: “Những thành tựu đạt được hiện nay rất dễ bị đảo ngược nếu mối quan hệ chính trị giữa hai nước thay đổi”.

  • Hải Đăng
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,