- Trước "truy vấn" của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cam kết: Bộ sẽ tập trung đổi mới quản lý, đến 2012, giáo dục ĐH sẽ tốt lên.
>> Nóng bỏng nghị trường
>> 10 sinh viên thực hành trên 1 con ếch
Cả ngày hôm nay (7/6), thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến việc thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, các đại biểu vẫn chưa đồng thuận việc có nên giải thể ĐH ngoài công lập không đủ điều kiện.
"Ngồi đúng chỗ" trong Bộ GD-ĐT
Báo cáo giám sát lần này của UBTVQH được đa số ĐBQH và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho là đã phân tích đầy đủ các mặt đạt được và chưa đạt, nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
ĐB Lê Văn Cuông: Nói không với tiêu cực ngay từ Bộ GD- ĐT
Song ĐB Lê Văn Cuông vẫn thẳng thắn "phê": "Khi phân tích nguyên nhân của những hạn chế thì còn né tránh, thiếu lửa, ngại va chạm, nên chưa mổ xẻ đến nơi đến chốn để làm sáng tỏ bản chất. Đặc biệt báo cáo không hề đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, nên không ai chịu trách nhiệm, tất cả vui vẻ hòa cả làng".
Nên nghiêm túc suy nghĩ vì sao một đất nước có học sinh nổi tiếng cần cù, nhân dân xem việc cho con em đi học là mệnh lệnh tự nhiên của dòng họ, một đất nước tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng chi 20% NSNN, hơn 35 năm rồi nhưng không có một trường đứng vào hàng 200 các trường ĐH của châu Á. Phải chăng khẩu hiệu ngồi đúng chỗ cũng phải đòi hỏi nghiêm túc tại chính cơ quan Bộ GD-ĐT? ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)
Theo ông Cuông, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ GD-ĐT nói chung và vai trò của Bộ trưởng nói riêng, "đã không tập trung vào những việc cần làm mà lại can thiệp quá sâu vào công việc của các trường, cho lập tràn lan trường ĐH, cao đẳng, say sưa với dự án 20.000 tiến sĩ, 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế rồi loay hoay phát động hết phong trào này đến phong trào khác...".
Ông Cuông cho rằng, muốn giải quyết vấn đề của giáo dục, phải bắt đầu nói không với tiêu cực và bệnh thành tích ngay từ Bộ GD-ĐT. Rất đồng tình với nhận xét này, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhấn mạnh thêm: Quy định "ngồi đúng chỗ" phải áp dụng tại chính cơ quan của Bộ GD-ĐT, khi Bộ đã nhận ra tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" hay giáo viên "đứng nhầm lớp".
Vặn mấy cũng không ra sữa!
Nội dung gây tranh luận nhiều nhất giữa các đại biểu vẫn là việc có nên khuyến khích thành lập các ĐH ngoài công lập hay không.
Nhiều ĐB yêu cầu phải nghiêm khắc hơn với các cơ sở ngoài công lập. ĐB Trương Văn Nọ (Long An) cho rằng động cơ chính của trường ngoài công lập vì lợi nhuận, ĐB Nguyễn Văn Phát đặt câu hỏi về chất lượng giáo viên cũng như khả năng đầu tư của các trường ngoài công lập mới thành lập.
ĐB Đặng Thị Nga (Lâm Đồng) yêu cầu phải đình chỉ hoặc hạ cấp đào tạo các cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện sau 3 năm thành lập (trong khi báo cáo giám sát đề nghị sau 10 năm), ĐB Nguyễn Xuân Thuyết (Vĩnh Phúc) yêu cầu phải thanh tra, kiểm tra toàn bộ các trường ĐH, CĐ, cứ không đạt chuẩn là cho giải thể…
ĐB Nguyễn Đăng Trừng: Nếu chỉ dựa vào bầu sữa nhà nước thì vặn mấy cũng không ra sữa nữa
Những ĐB ủng hộ việc khuyến khích xã hội hóa giáo dục cũng đưa ra những lý lẽ không kém: ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) khẳng định chúng ta phải cảm ơn các nhà đầu tư cho giáo dục ngoài công lập, bởi họ phải chịu thiệt thòi đủ đường nhưng vẫn cố gắng cầm cự được, trong khi các trường công lập được nhà nước bao cấp toàn bộ mà vẫn gặp khó.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) còn liên hệ sang khối các doanh nghiệp: Chính phủ đã chi hàng chục nghìn tỷ giúp các doanh nghiệp khỏi phá sản, giờ kinh tế đang phục hồi ổn định, trong khi "giáo dục là quốc sách hàng đầu, cần cân nhắc mục đích xem phải ưu tiên cho lĩnh vực nào?".
Không đồng tình với đề xuất “bảo hộ giáo dục” này, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phản bác: Chi đến 20% ngân sách cho giáo dục là hết khả năng rồi, "nếu chỉ dựa vào bầu sữa của nhà nước thì vặn mấy cũng không ra sữa nữa".
Tuy nhiên, ông Trừng lại đồng ý xã hội hóa giáo dục theo hướng tận dụng các nguồn lực cả trong và ngoài nước: "Vì ta chưa triệt để, mới thu hút những người vốn ít thôi. Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ GD-ĐT phải có cơ chế chính sách để thu hút những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đầu tư”.
Đổi mới quản lý
Không đồng tình với cả 2 quan điểm trên, ĐB Trần Du Lịch khẳng định "Giáo dục là việc của nhà nước, không phải việc của thị trường. Nước nào đặt vấn đề thị trường hóa giáo dục là sai lầm".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Các Bộ trưởng GD-ĐT cùng chia sẻ trách nhiệm |
Ông Lịch phân tích các trường tư thành công của Mỹ đều theo "định chế công phi lợi nhuận", tuy tổ chức thu học phí cao theo kiểu kinh doanh sinh lợi, nhà nước cũng không lấy thuế như một hình thức gián tiếp hỗ trợ, nhưng các thành viên hội đồng quản trị không bao giờ lấy cổ tức, toàn bộ lãi được tái đầu tư cho nhà trường.
Giải pháp được ông Lịch đưa ra là phải nhanh chóng có luật cho định chế công phi lợi nhuận để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cho giáo dục, "còn nếu lập trường để thu lợi thì không thể khuyến khích", ông Lịch nhấn mạnh.
Trước "truy vấn" của các đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Những bất cập của giáo dục VN trong vài chục năm qua có trách nhiệm chung của hệ thống, và các Bộ trưởng GD-ĐT cùng chia sẻ trách nhiệm. "Bộ sẽ tập trung đổi mới trong khâu quản lý - quản lý nhà nước cũng như quản lý trường - trong 3 năm từ giờ đến 2012, giáo dục đại học sẽ tốt lên", ông Nhân khẳng định.