- Đáp lại câu hỏi của ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau): "Ông có yên tâm với dự án đường sắt cao tốc hay không khi Bộ GTVT cái nhỏ còn chưa làm xuể thì nói gì cái lớn", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói ngay: "Chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc". Thu nhập bình quân đầu người năm 2050 sẽ là 20.000 USD.
>> Nóng bỏng nghị trường
>> "Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
Nhiều câu hỏi về thuê rừng, thiếu điện, đường sắt cao tốc được đặt ra cho Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại phiên chất vấn sáng nay (12/6).
Tranh thủ ODA càng dài càng tốt
Nhắc lại hai lần "tôi yên tâm" và "ta phải làm", "còn làm thế nào, dài hay ngắn thì Đảng, Chính phủ, Quốc hội sẽ tính được để làm", Phó Thủ tướng cho hay.
Lý do "phải làm" theo ông Hùng vì không nước nào có diện tích dài như VN. Chính phủ sẽ không bỏ quên đường bộ, đường thủy.
"ĐB Thuyết sợ nàng tiên ngủ trong rừng khi thức dậy sẽ hỏi anh ơi tiền đâu. Các đồng chí lo không biết lấy tiền đâu để làm. Tôi thì không lo", ông Hùng nói.
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau): Phó Thủ tướng có yên tâm với đường sắt cao tốc? |
Theo Phó Thủ tướng, GDP năm nay chỉ có 106 tỷ USD. Nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD. Năm 2030 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 - 1,4 nghìn tỷ. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, GDP sẽ tăng gấp đôi.
Phó Thủ tướng phấn khởi: "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng 6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050".
"Chuyện tiêu cực, thất thoát, tham nhũng phải tìm mọi biện pháp hạn chế. Còn phải tính toán cân lên đặt xuống, xin ý kiến QH. Nhưng đây là quyết tâm mang tầm chiến lược tới khi VN thành nước công nghiệp vào năm 2020", Phó Thủ tướng nói.
Sốt ruột với kế hoạch 1/4 thế kỷ tới vẫn đi vay ODA làm đường, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) hỏi Chính phủ bao giờ mới "cai ODA" và cam kết ODA tác động gì đến chính trị.
Phó Thủ tướng cam kết: "Tôi chưa thấy dự án nào vay ODA vì sự ổn định chính trị".
Nhưng ông Hùng thừa nhận, cũng có thiệt hại về kinh tế. Vì bú sữa hàng xóm nên không giành được quyền tự quyết.
"Xét lợi ích tổng hợp thì ODA là hiệu quả. Ta phải tranh thủ ODA càng dài càng tốt. Nước nghèo thì họ hỗ trợ. Mình giàu lên thì lãi suất phải trả. Hiện GDP 100 tỷ USD, ta phải tính lộ trình chiến lược. Nhìn xa để tính bài trả nợ, 40 năm sau mới trả hết nợ. Vay được trả được", Phó Thủ tướng nói.
Cho thuê đất rừng: Nên đọc lại Mỵ Châu - Trọng Thủy
"Đón" trước băn khoăn của ĐBQH về chuyện cho thuê đất rừng (đã làm "nóng" phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT hôm qua), ngay phát biểu mở đầu, ông Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc lại chủ trương "tạm dừng" của Thủ tướng và khẳng định:"Không ngăn cản đầu tư nước ngoài nhưng phải bảo đảm tài nguyên gắn quốc phòng, an ninh, kinh tế".
ĐB Dương Trung Quốc: Ngăn chặn được việc này là nhờ sự tỉnh táo của các cụ lão thành và báo chí. Chính phủ nên có lời tri ân công khai
Bấm nút chất vấn lượt đầu tiên, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi: "Sao đến khi các vị hưu trí phản ánh thì Chính phủ mới biết? Ngoài Bộ NN&PTNT, ai phải chịu trách nhiệm? Tạm dừng và rút giấy phép thì bồi thường thế nào?".
Phó Thủ tướng đáp: "Địa phương họ làm đúng luật. Khổ thế. Họ có quyền làm theo phân cấp. Bây giờ rà lại thì đúng là có chuyện. Nên Chính phủ cần đánh giá, chỗ nào làm không tốt sẽ xem lại trách nhiệm. Rút giấy phép cũng phải theo quy định, chỉ với DN nhận giấy phép mà không làm. Chứ không ảnh hưởng đến nhà đầu tư nói chung".
"Đến lúc này, Thủ tướng làm thận trọng. Chỉ dùng từ tạm thời dừng cấp phép chứ không phải cấm. Cũng không nói rút là lập tức rút ngay. Riêng với đất trồng lúa, Thủ tướng yêu cầu từ nay mà đụng đến là phải báo cáo Chính phủ", ông Hùng nói thêm.
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) hỏi luôn: "Phân cấp có ngại phân tán?", thì được trả lời: "Chuyện rừng, đất lúa quả là có phân cấp hơi rộng, quy định chưa chặt chẽ. Nhưng phải đẩy mạnh phân cấp, đi đôi kiểm soát".
Bấm nút nhiều ngày qua nhưng chưa lần nào đến lượt, nên khi được Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng dành ưu tiên, ĐB Dương Trung Quốc nêu băn khoăn, hầu như lãnh đạo các tỉnh đều học các khóa chính trị, quốc phòng, an ninh.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): 20 năm nữa vẫn thiếu điện thì tính đi, cũng như làm đường cao tốc vì lo 20 năm dân không có phương tiện
"Nhưng các quan chức chỉ vận dụng kẽ hở mà không đề cập ý thức chính trị, quốc phòng, an ninh. Có xem xét trách nhiệm lãnh đạo địa phương không? Ngăn chặn đươc việc này là nhờ sự tỉnh táo của các cụ lão thành và báo chí. Chính phủ nên có lời tri ân công khai các cụ và khích lệ báo chí". Theo ĐB Quốc, lãnh đạo nên đọc lại chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Phó Thủ tướng cho hay: "Sai thì phải xử lý trách nhiệm. Còn đến mức nào tùy tình hình cụ thể. Còn cách chức, cảnh cáo kỷ luật là phải xem. Còn nếu các đồng chí làm đúng mà luật pháp còn kẽ hở thì phải xem lại. Thủ tướng đã cho ý kiến và hôm qua Thủ tướng có nói, ta cứ mạnh dạn báo cáo QH".
Phó Thủ tướng "quên" không nói đến chuyện "tri ân, khích lệ".
Trước đó, trả lời câu hỏi của ĐB Đặng Như Lợi về kỷ luật hành chính, Phó Thủ tướng nói: "Sai thì phải sửa, làm trăm việc cũng có việc sai. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo. Phải tính toán sự việc sát thực tiễn cho phù hợp đạo đức con người với nhau. Nghiêm ở đây không phải sai chặt chém ngay, thế thì lấy đâu ra người làm. Dẹp đi là bầu không kịp".
Không nuông chiều EVN
Trong kỳ chất vấn này không có Bộ trưởng Công thương nên mọi bức xúc về điện đều "dồn" vào Phó Thủ tướng.
ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) than: "Cắt điện luân phiên nhiều năm nay, phản ánh qua nhiều kỳ họp nhưng đến nay căng thẳng hơn?".
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Cách chức hết thì lấy ai làm việc?
ĐB Ngô Văn Minh "dấn" thêm: "Nguyên nhân khách quan thì dân biết và chia sẻ. Nhưng nguyên nhân chủ quan là gì mà theo sơ đồ ngành điện đến 20 năm nữa vẫn thiếu điện. Do thiếu quyết tâm, thiếu chủ trương hay thiếu tiền?".
"Trách nhiệm thiếu điện là ở Chính phủ. EVN có trách nhiệm điều phối", Phó Thủ tướng nói.
Theo ông Hùng, 30 năm qua, tăng trưởng ngành điện 13% - 15% mà chưa đáp ứng nhu cầu do DN và dân vẫn dùng thiết bị lạc hậu tổn hao năng lượng.
Chưa kể, từ công viên tới công sở, từ quốc lộ đến gia đình dùng chưa tiết kiệm. Rồi tiêu hao thất thoát.
"Chính phủ đang tổ chức lại ngành điện từ đầu tư cho đến phân phối, bán điện. Sắp tới có điện hạt nhân... Nếu 10 năm tới mà chuyển được cơ cấu kinh tế sang phát triển chiều sâu, đổi mới kỹ thuật thì sẽ đủ điện", ông Hùng nói.
Hai vị ĐB đều bấm nút hỏi thêm.
"TƯ có biết gì về sự nhọc nhằn khổ cực của dân? Dự báo điện sắp tới thế nào, quy hoạch ra sao, điều hành với EVN có quyết liệt hơn hay nuông chiều? EVN khi cần tăng giá điện thì nói là lỗ, khi thưởng lại nói làm ăn lãi", ĐB Cuông nói.
Còn theo ĐB Ngô Văn Minh: "Ta dự báo cung cầu chưa chính xác. Bộ trưởng Công thương nói EVN không chịu mua điện giá cao ngoài ngành nên đã thiếu càng thiếu thêm. Nói phụ thuộc nguồn nước, không phải cái gì kêu trời cũng được đâu".
Ông Minh nói thêm: "Tôi cho rằng 20 năm nữa làm sao công nghiệp hóa. Dự báo như vậy thì lo trước đi. Cứ như ta lo cho đường sắt cao tốc ấy, lo là dân không có phương tiện đi".
Ngồi trên, Phó Thủ tướng bật cười: "Thủ tướng đã phê bình EVN, chả nuông chiều tý nào đâu".
"Khắc phục thiếu điện là trọng tâm của Bộ Công thương và Chính phủ đến cuối năm", ông Hùng chốt.
-
Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng