- Hôm nay (14/6), Quốc hội đã gửi phiếu lấy ý kiến thăm dò từ các đại biểu về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
>> Dấu ấn đại biểu ở kỳ họp thứ 7
>> "Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
Phiếu lấy ý kiến đưa ra hai lựa chọn. Hoặc tán thành thông qua chủ trương và lộ trình như tờ dự kiến của Chính phủ, hoặc chưa thông qua Nghị quyết lần này mà giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thông qua vào kỳ họp sau.
Trong trường hợp đồng ý thông qua Nghị quyết, ĐBQH cũng có thể chọn hai phương án. Thứ nhất, thông qua y hệt dự kiến của Chính phủ.
Hoặc, chỉ tán thành chủ trương, nhưng lùi thời gian khởi công xây dựng để chọn 1 lộ trình phù hợp. Giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn về các điều kiện đảm bảo tính khả thi của dự án. Trên cơ sở đó lập dự án đầu tư (dự án khả thi) một trong hai đoạn tuyến, hoặc Hà Nội - Vinh hoặc TP.HCM - Nha Trang để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương xây một trong hai tuyến và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020.
Khi đó sẽ tiến hành đánh giá tổng kết việc đầu tư khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo QH xem xét triển khai các bước tiếp theo.
Đại biểu tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng bên ngoài Hội trường. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Chính phủ trình ngay trong phiên khai mạc kỳ họp hôm 20/5.
Siêu dự án trị giá gần 56 tỷ USD ngay lập tức đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều cả trong và ngoài nghị trường.
Cơ quan thẩm tra dự án là Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội lên tiếng cảnh báo "dự án sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần".
Ngay sau đó, các cơ quan QH đã liên tục nhận được ý kiến đóng góp của nhiều đơn vị như Thành phố Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, giao thông... đề nghị cân nhắc hiệu quả kinh tế và thời điểm xây đường sắt cao tốc.
Theo yêu cầu của QH, ngày 5/6, Chính phủ đã gửi báo cáo giải trình bổ sung về dự án này. Cùng ngày, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng tổ chức họp báo để giải đáp những băn khoăn liên quan.
QH cũng đã dành hẳn một ngày làm việc (8/6) để thảo luận về "siêu dự án". Phiên thảo luận được xem là gay cấn nhất từ đầu kỳ họp đến nay với các ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau. Những người thiết tha ủng hộ dự án thì kỳ vọng con đường cao tốc sẽ đánh thức tiềm lực kinh tế đất nước như hoàng tử đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng.
Những đại biểu "thực tế" hơn, cũng thiết tha không kém khi mong muốn Chính phủ hoãn kế hoạch xây đường sắt cao tốc đến năm 2020, hoặc nếu vẫn làm thì chỉ nên thử nghiệm một tuyến đường TP.HCM - Nha Trang.
Cuối tuần qua, "siêu dự án" lại làm nóng các phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông - Vận tải và Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Sáng 12/6, thay mặt Chính phủ, ông Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: "Không thể không làm đường sắt cao tốc".
Dự kiến, nếu thông qua, tuyến đường này sẽ được khởi công vào năm 2014. 11 năm sau đó sẽ hoàn thành hai tuyến đầu tiên, Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.
Phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội Câu 1: Việc Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM: - Theo phương án Chính phủ trình: Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp lần này, làm căn cứ để Chính phủ triển khai các bước tiếp theo. - Phương án khác: Quốc hội chưa thông qua Nghị Quyết tại kỳ họp lần này, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án để thông qua vào kỳ họp sau. - Ý kiến khác: Câu 2: Nếu Quốc hội đồng ý ra Nghị quyết tại kỳ họp về dự án này, thì nội dung Nghị quyết sẽ thể hiện theo các hướng sau đây: - Phương án 1: Tán thành xây đường sắt cao tốc như tờ trình của Chính phủ. Sau đó nghiên cứu lập dự án đầu tư toàn tuyến Hà Nội - TP.HCM. Đầu tư trước hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, bắt đầu khởi công từ năm 2014, đưa vào sử dụng năm 2025. Thông qua toàn tuyến vào năm 2035. - Phương án 2: Tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc nhưng lùi thời gian khởi công xây dựng và lựa chọn 1 lộ trình phù hợp. Theo đó: - Giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn về các điều kiện đảm bảo tính khả thi của dự án. - Đồng thời trên cơ sở đó lập dự án đầu tư (dự án khả thi) một trong hai đoạn tuyến, hoặc Hà Nội - Vinh hoặc TP.HCM - Nha Trang để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương xây một trong hai tuyến và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020. - Tiến hành đánh giá tổng kết việc đầu tư khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo QH xem xét triển khai các bước tiếp theo. - Ý kiến khác: |
- Vân Nhung