Trung Quốc tập trung đầu tư vào các mỏ quặng ở Tây Phi, Nga, Australia, Đông Nam Á. Các nhà máy thép chuyển sang các mỏ nhỏ hơn để có những hợp đồng giá rẻ.
Sắt thép là xương sống của phép màu kinh tế Trung Quốc. 3 tháng qua, kinh tế nước này tăng trưởng tới 11,9% so với năm trước.
Hơn 43% sự tăng trưởng này xuất phát từ việc đầu tư vào tài sản cố định như đường sá, nhà máy, bất động sản, sản xuất. Những tài sản này đều phụ thuộc mạnh mẽ vào sắt thép.
Quặng sắt là nguyên liệu thô sống còn với ngành sản xuất sắt thép. Chính vì vậy, việc duy trì giá quặng ổn định là tối quan trọng với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Trung Quốc phải vật lộn để giữ ổn định giá quặng.
Trong 40 năm qua, các nhà cung cấp, người mua quặng sắt chính trên toàn cầu đã sử dụng hệ thống giá chuẩn hàng năm để quyết định cho các hợp đồng thương mại. Giá hợp đồng đầu tiên được thương thảo trong năm sẽ được dùng cho mọi hợp đồng giữa nhà máy sản xuất sắt thép với nhà cung cấp trong cùng năm đó.
Sản xuất thép của Trung Quốc gặp khó vì giá quặng sắt tăng cao. Ảnh: Chinamining |
Việc này giúp các nhà máy ngăn chặn nguy cơ tăng giá với giá thép thành phẩm, nên cũng đảm bảo được mức giá ổn định với nhiều sản phẩm hiện đại như ô tô, chế tạo tàu, công nghiệp máy móc... Hệ thống này chỉ có lợi cho nhà cung cấp chừng nào không chắc chắn về nhu cầu quặng sắt vượt quá nguồn cung dẫn đến giá cả tăng vọt.
Nhưng vài năm gần đây, sản xuất thép gia tăng ở Trung Quốc đã đẩy nhu cầu quặng sắt lên cao, khiến các nhà cung cấp phải xem xét việc thay đổi hệ thống bằng những hợp đồng ngắn hạn hơn, sát giá thị trường hơn. Năm ngoái, nhu cầu của Trung Quốc chiếm gần 60% quặng sắt thế giới để sản xuất khoảng 47% sản lượng thép toàn cầu.
Công nghiệp sắt thép của Trung Quốc là ngành công nghiệp trụ cột. Năm 2005, Hội đồng Phát triển và cải cách quốc gia đã nỗ lực củng cố ngành công nghiệp này, cộng với việc gia tăng sản lượng đảm bảo sự phát triển cho các nhà máy sản xuất thép địa phương. Nhu cầu tại Trung Quốc tăng cao, giá quặng sắt tăng từ mức trung bình 37 USD/tấn trên thị trường giao ngay Brazil năm 2004 lên 101 USD/tấn năm 2009. Hiện tại, hơn một nửa nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc được đáp ứng thông qua nhập khẩu, chủ yếu từ Brazil và Australia.
Brazil, Australia, và Trung Quốc là những nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới. Mặc dù đạt sản lượng lớn, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu ròng do nhu cầu mạnh mẽ từ trong nước. Hơn nữa, nhu cầu nội địa về quặng sắt tại Brazil và Australia tương đối thấp, cho phép họ chiếm ưu thế trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Ngoài ra, Brazil và Australia là nhà sản xuất quặng sắt cấp cao, với hơn 50% là sắt, so với tỉ lệ 32% của Trung Quốc. Điều này cho phép “ba đại gia” cung cấp quặng sắt: Vale của Brazil và Rio Tinto, BHP Billiton của Australia nắm giữ ưu thế trên thị trường với 68,5% lượng cung toàn cầu.
Ba đại gia này đã tận dụng lợi thế khi các nhà xuất khẩu toàn cầu chuyển sang hệ thống giá ngắn hạn. Vào ngày 30/3, Vale tuyên bố đạt được một thoả thuận với Công ty kim loại công nghiệp Sumitomo của Nhật Bản về một hợp đồng quý với giá cao hơn 90% năm trước đó. Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/4. Sau đó, Rio Tinto và BHP Billiton tuyên bố sẽ tìm kiếm các hợp đồng giá ngắn hạn trong các thoả thuận tương lai với nhiều hãng.
Ở cương vị là người mua quặng sắt lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang nỗ lực dùng vị trí của mình để hạn chế những hợp đồng ngắn hạn. Năm ngoái, Hiệp hội Sắt và thép Trung Quốc (CISA) đã cố gắng sử dụng nhu cầu khổng lồ của nước này như “con át chủ bài” để yêu cầu “ba đại gia” hạ thấp giá quặng.
Nhưng nỗ lực thất bại, cá nhân từng hãng sắt thép Trung Quốc khát khao quặng hơn là giá cả. Kết quả là, mỗi công ty có thoả thuận riêng hoặc theo đuổi quặng sắt trên thị trường giao ngay và chấp nhận mức giá cao hơn.
Năm nay, các chiến thuật tương tự được tiếp tục đẩy Trung Quốc vào thế bí trong các cuộc thương thảo về giá cả. Các nhà đàm phán Trung Quốc có người đứng đầu là Tập đoàn Baosteel - nhà sản xuất thép lớn nhất nước này.
Trung Quốc phản đối việc chuyển sang hệ thống giá ngắn hạn và việc tăng giá 90-100% do Vale đề xuất. CISA đã kêu gọi các nhà sản xuất thép nội địa và nhà giao dịch ngừng mua quặng sắt từ Vale, BHP Billiton và Rio Tinto trong hai tháng và trông chờ tạm thời vào nguồn tài nguyên quặng sắt nội địa. Trung Quốc còn tuyên bố có thể tiến hành cuộc điều tra về khả năng thao túng thị trường quặng sắt của Rio Tinto, BHP Billiton và Vale.
Chiến lược dài hạn của Trung Quốc là giảm bớt sự phụ thuộc vào quặng sắt từ “ba đại gia” bằng việc tăng cường đầu tư vào các mỏ quặng ở nước ngoài. Học viện Nghiên cứu và kế hoạch công nghiệp luyện kim của Trung Quốc đã kêu gọi thúc đẩy khai thác quặng sắt nội địa và tăng đầu tư vào hoạt động khai khoáng ngoài nước.
Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào các mỏ quặng tập trung tại Tây Phi, Nga, Australia và Đông Nam Á. Vào 1/4, Tập đoàn Thương mại kim loại đường sắt Trung Quốc đã nhẩt trí hợp tác với African Minerals để phát triển khu sàng quặng Tonkolili tại Sierra Leone. Các nhà máy thép Trung Quốc còn chuyển sang các chủ mỏ quặng nhỏ hơn để đảm bảo có những hợp đồng giá rẻ. Vào ngày 22/4, Sinosteel Corp, nhà giao dịch quặng sắt lớn nhất Trung Quốc tuyên bố sẽ mua một nửa sản lượng từ dự án Marillana của Brockman Resources Ltd ở miền tây Australia.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không có bất cứ đòn bẩy nào trong các cuộc thương thảo về giá cho tới khi có thể tự mình giảm nhu cầu tăng trưởng nhanh với quặng sắt. Trung Quốc vẫn phải tung tiền vào đầu tư tài sản cố định để cung cấp việc làm và duy trì tăng trưởng kinh tế bằng việc xây dựng bất động sản, cơ sở hạ tầng, mở rộng khả năng công nghiệp ở khắp đất nước.
Năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay số tiền kỷ lục 9,59 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỉ USD) để giữ kinh tế đất nước không chao đảo trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kết quả là, các khoản đầu tư tài sản cố định chiếm tới 66% GDP trong năm 2009. tăng từ tỉ lệ 54% năm 2008. Điều này đã góp phần duy trì khả năng sản xuất lớn trong ngành công nghiệp thép nội địa khi nhu cầu toàn cầu về sản phẩm này giảm sút.
Xu thế tăng giá quặng sắt có thể ảnh hưởng lớn tới công nghiệp thép nội địa của Trung Quốc. Nước này có hơn 700 nhà máy thép với 5 nhà sản xuất hàng đầu kiểm soát gần 30% sản lượng.
Trung Quốc có thể ngăn chặn việc tăng giá nguyên liệu thô bằng cách buộc các tập đoàn nhà nước tạm thời ngừng đặt hàng ở mức giá cao. Tuy nhiên, khi tiền đổ vào kế hoạch kích cầu giảm dần, lợi nhuận mong manh trong công nghiệp thép có thể buộc các nhà hoạch định chính sách phải cho phép thép tăng giá. Ngày 19/4, Baoshan Iron & Steel, chi nhánh của Tập đoàn Baosteel và là nhà giao dịch thép lớn nhất Trung Quốc, đã tuyên bố tăng giá ống thép cán nguội trong tháng 5.
Thực tế trên có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát giá cả ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Quan trọng hơn, nó có thể đồng nghĩa với việc tăng giá cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản ở một quốc gia vẫn phụ thuộc lớn vào đầu tư tài sản cố định trong tăng trưởng kinh tế.
Thực tế là, cho dù chính phủ nỗ lực, giá bất động sản Trung Quốc vẫn tăng 11,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ 2009.
-
Thái An (Theo Atimes)