- Bên hành lang Quốc hội sáng nay (17/6), Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, nếu Quốc hội tán thành chủ trương xây đường sắt cao tốc tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ ưu tiên xây tuyến TP.HCM - Nha Trang.
>> Nóng bỏng kỳ họp thứ 7
>> Bỏ phiếu kín về đường sắt cao tốc để tạo đồng thuận
>> Quốc hội đồng ý chủ trương làm đường sắt cao tốc
>>"Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
"QH thông qua mới thở phào nhẹ nhõm"
Theo kết quả bỏ phiếu kín ở Quốc hội vừa rồi, đa số đại biểu QH muốn lùi thời gian khởi công dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM và trước mắt chỉ làm một đoạn tuyến hoặc Hà Nội - Vinh, hoặc TP. HCM - Nha Trang. Vậy xu hướng sẽ ưu tiên làm đoạn nào trước?
- Ưu tiên TP.HCM - Nha Trang. Trong đó, vẫn ưu tiên trước tuyến đường TP.HCM - Phan Thiết.
Nếu Quốc hội thông qua nghị quyết đồng ý làm, khi đó chúng tôi sẽ lập báo cáo khả thi và tính kỹ cách làm.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình trước Quốc hội
Cố gắng đến năm 2025 sẽ xong đoạn tuyến đầu tiên. Nếu 2025 tuyến này đi vào hoạt động thì đẹp. Còn thời gian khởi công sẽ phải tính, trong quá trình lập báo cáo khả thi mới tính được khi nào bắt đầu làm.
Trong các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, rất nhiều đại biểu phản đối xây đường sắt cao tốc thời điểm này vì lo ngại gánh nặng nợ nần nhưng kết quả thăm dò lại cho thấy tỷ lệ đồng tình khá cao. Ông có ngạc nhiên?
- Tôi không ngạc nhiên.
Đây cũng là giải pháp thích hợp. Có lẽ do ban đầu thông tin chưa đầy đủ. Đại biểu thấy số tiền 56 tỷ USD lớn và cứ nghĩ là làm ngay. Nhưng thực ra dự án đã được chuẩn bị tới 10 năm. Để làm đoạn đầu tiên cũng phải mất tới 15 năm.
Như vậy, muốn sau 15 năm có tuyến đường hoàn thiện thì phải đặt vấn đề xây ngay từ bây giờ.
QH phải đồng ý chủ trương, sau đó, bộ phận chuyên môn mới nghiên cứu tiếp.
Nhưng khi Quốc hội thông qua chủ trương thì mới có thể thở phào nhẹ nhõm được.
Nhưng theo dự kiến ban đầu và ngay cả trong báo cáo bổ sung gửi QH đầu tháng 6 vừa qua, Chính phủ vẫn muốn khởi công hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang ngay năm 2014. Liệu việc giãn ra như bây giờ có phải là sự nhượng bộ trước Quốc hội?
- Thì ban đầu mình cũng muốn đẩy lên để làm sớm hơn. Nhưng bây giờ Quốc hội muốn giãn ra. Tôi cho rằng giãn ra là đúng.
Ông đánh giá như thế nào về việc Quốc hội bỏ phiếu kín trước khi biểu quyết chính thức ở Hội trường?
- Đây là cách làm tốt. Tôi thấy Quốc hội đã sáng suốt khi chọn phương án làm đường sắt phải đi theo một lộ trình tương đối hợp lý.
Chúng tôi sẽ tiếp thu phương án mà Quốc hội đưa ra.
Nhưng vẫn còn tới 192 đại biểu đang phân vân chưa đồng tình thông qua Nghị quyết lần này. Ông sẽ nói như thế nào để thuyết phục họ?
- Tôi cũng đã nói nhiều lần, đây là một dự án rất lớn, sẽ có nhiều rủi ro, nhiều khó khăn. Bài toán kinh tế cũng cần phải được cân nhắc. Do đó, dư luận và đại biểu đắn đo là hoàn toàn chính đáng.
Tôi là người trình dự án, nhưng có thể nói rằng đây là một việc không dễ dàng. Việc Quốc hội cân nhắc, đắn đo hoàn toàn chính đáng.
Nếu Quốc hội đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu tiếp thì chúng tôi sẽ càng thêm thận trọng, sẽ cân nhắc, tính toán hết mọi vấn đề, mọi yếu tố tác động.
Một nhà thầu không thể làm hết
Cách làm tới đây sẽ thế nào, thưa ông, liệu chúng ta có tổ chức đấu thầu dự án này không, và có cơ hội nào cho DN trong nước?
- Đến khâu thiết kế kỹ thuật, xây dựng là phải đấu thầu.
Cơ hội cho các nhà thầu trong nước xây dựng hạ tầng cơ bản cũng lớn. Chẳng hạn xây hệ thống cầu cạn, cũng tương tự cầu cạn Sài Gòn - Trung Lương. Đây là cầu cạn phức tạp vào loại nhất thế giới vậy mà nhà thầu trong nước làm hết.
Đến thời điểm này, ta đã chọn được đối tác chiến lược chưa?
- Đối tác đang trao đổi là đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn đang bỏ ngỏ.
Sau khi báo cáo đầu tư xong, phải xem quốc gia nào, DN nào, nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu thì chúng ta sẽ lựa chọn.
Dự án này rất lớn. Một quốc gia chưa chắc đã đủ hợp tác để làm mà phải nhiều quốc gia. Không một nhà thầu nào có thể bao được hết, phải nhiều nhà thầu của nhiều quốc gia.
Khi lập báo cáo tiền khả thi, các chuyên gia đường sắt, kinh tế, môi trường không được mời phản biện. Vậy sắp tới khi lập báo cáo khả thi thì dự kiến có thay đổi gì?
- Vừa rồi mới làm báo cáo tiền khả thi và cũng đã chú ý lắng nghe phản biện, hội thảo, nhưng phạm vi chưa rộng lắm.
Nhưng sắp tới khi lập báo cáo khả thi sẽ kêu gọi các cơ quan phản biện độc lập, các liên hiệp hội, tổ chức... để góp ý.
Vừa rồi nhiều đại biểu lo ngại việc ta đi thăm quan mô hình Trung Quốc có liên quan đến việc chọn mô hình tương tự và nhà thầu Trung Quốc?
- Không liên quan gì.
Đến bây giờ tôi có thể nói thật với các bạn là tôi chưa từng trao đổi với nhà chức trách Trung Quốc về dự án này.
Nhật Bản chưa có ý kiến cuối cùng về việc cho vay và trở thành đối tác. Vậy, khả năng cho các nước khác tham gia hợp tác, chẳng hạn Trung Quốc thì thế nào thưa ông?
- Cũng không loại trừ. Vì toàn tuyến có nhiều dự án, một nhà thầu không thể làm hết.
Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc khi sang thăm Nhật Bản có nói Việt Nam đã thông qua chủ trương. Trả lời báo chí, ông Phúc cũng nói sẽ chọn nhà cung cấp công nghệ Nhật Bản và đây là nước tiềm năng vì cung cấp ODA lớn, lại có khả năng huy động các DN cùng tham gia đầu tư?
- Ta có chủ trương hợp tác với Nhật Bản. Nhưng chưa có cam kết cụ thể về công nghệ, vốn, nhà thầu.
Năm 2006, Thủ tướng khi sang thăm Nhật Bản để nâng tầm hợp tác chiến lược đã bàn về ba dự án trao đổi hợp tác làm đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Nhưng trong cam kết của Thủ tướng với Nhật Bản khi đó có đưa ra ràng buộc nào về chọn đối tác không, thưa ông?
- Không có bất cứ ràng buộc gì.
Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho hay: "Kết quả bỏ phiếu hết sức dân chủ và khách quan. Kết quả như thế chứng tỏ đại biểu có tinh thần đón đầu cho đất nước công nghiệp vào năm 2020. Đồng ý chủ trương sau đó Chính phủ phải chỉ đạo làm dự án khả thi rồi Quốc hội mới đồng tình cho lúc nào khởi công". QH sẽ ấn nút Nghị quyết về đường sắt cao tốc chiều 19/6, trước khi bế mạc kỳ họp. |
-
Lê Nhung ghi