Phải đánh thuế thuốc lá thật nặng
21 ý kiến phát biểu tập trung nhiều nhất vào đối tượng chịu thuế. Đa số không tán thành với dự thảo luật khi chỉ đưa ra 5 nhóm đối tượng chịu thuế (xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.
ĐB Danh Út (Kiên Giang) liệt kê hóa chất độc hại, chất tẩy rửa..., ĐB Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) nhắc đến phân bón, còn ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) phân tích kỹ tác hại của thuốc lá với cả người hút và người phải tiếp xúc với khói thuốc (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em) để yêu cầu phải đưa thuốc lá vào danh mục đánh thuế nặng.
ĐB Nguyễn Lân Dũng: Có thể xử lý được 90% rác thải thành những sản phẩm có ích. Ảnh: Lê Anh Dũng
ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) yêu cầu áp thuế với cả phương tiện giao thông, bởi "70% ô nhiễm ở các đô thị lớn là do phương tiện giao thông, nhưng ta lại mới chỉ đánh thuế qua nhiên liệu, nên chưa khuyến khích người tiêu dùng chọn lựa những phương tiện ít gây ô nhiễm"
ĐB Nguyễn Lân Dũng thì phân tích trường hợp rác thải, để thấy không phải lúc nào đánh thuế vào người sử dụng cũng hợp lý. Theo ông Dũng, có những người nghèo đi nhặt rác thải là may mắn cho môi trường, trong khi các DN xử lý rác thải vẫn theo kiểu chôn xuống, mà không học theo công nghệ mới thân thiện với môi trường mới đáng phải xử lý.
"Với tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay, có thể xử lý được 90% rác thải thành những sản phẩm có ích, như phân bón sạch. Nếu theo công nghệ này thì càng nhiều túi nylon, hộp xốp càng tốt, vì có thể chế biến loại ống cống không vỡ, rất thân thiện với môi trường", ông Dũng "bật mí".
Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu đưa thêm các đối tượng chịu thuế cụ thể vào luật, đồng thời đề nghị các ĐBQH đồng ý cho luật có "khoản quét", để khi cần bổ sung các đối tượng chịu thuế khác thì Chính phủ trình, UBTVQH quyết định, "đảm bảo tuổi thọ của luật".
Lộ kẽ hở lách luật
Về lý do chọn lựa mức thuế cụ thể, nhiều ĐB chỉ ra mâu thuẫn khi xăng gây ô nhiễm ít hơn nhưng lại phải chịu mức thuế cao hơn dầu, hay than đá gây ô nhiễm nhiều hơn hẳn cả xăng lẫn dầu nhưng mức thuế lại quá thấp.
Theo ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng), mức thuế phải căn cứ vào mức độ gây ô nhiễm mới có tác dụng điều chỉnh hành vi, khuyến khích cá nhân cũng như doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm ít gây ô nhiễm. Bởi thế, ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) đề nghị riêng với than mức thuế sàn có thể giữ nguyên nhưng mức trần phải tăng lên.
ĐB Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) cho rằng ta mới chú trọng đánh thuế với hàng hóa, trong khi rất nhiều dịch vụ ảnh hưởng đến môi trường như các lò giết mổ, các doanh nghiệp xả ra nước thải, cơ sở xử lý rác thải, các bãi rửa xe..., kể cả kinh doanh karaoke trong khu tập thể.
Tuy vậy, rất nhiều ĐB lại muốn đưa thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi danh sách, với lý do thuế sẽ đánh chủ yếu vào nông dân nghèo.
ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) phải xin phát biểu ngay khi phiên họp chuẩn bị kết thúc, có ý giải thích cho các ĐB khác về chuyện không nên chỉ chú ý đến việc bảo vệ người nghèo khi xem xét Luật.
Ông Ba chỉ rõ, Luật chỉ đánh thuế với các thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng, nghĩa là kích thích nhóm khuyến khích sử dụng, đó cũng chính là cách giúp người nghèo phân biệt và chọn sử dụng những loại thuốc không gây hại môi trường, "cũng là cách bảo vệ mùa màng cho bà con", ông Ba nhấn mạnh.
Trước yêu cầu của nhiều ĐB không nên đánh thuế với xăng dầu vì hiện giá xăng dầu bán ra đã phải chịu tới 40% các loại thuế, nếu thêm thuế này sẽ gây tăng giá, tác động đến giá cả (ĐB Trần Hanh), Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã phải "nói lại cho rõ", rằng hiện tại giá xăng dầu bán lẻ ra có thuế nhập khẩu (17%), nhưng khi đã gia nhập WTO thì từ 2012 thuế nhập khẩu sẽ phải về bằng 0, khoản thuế này cùng với phí xăng dầu sẽ chuyển sang thành thuế bảo vệ môi trường.
Luật thuế bảo vệ môi trường sẽ được ban soạn thảo chỉnh sửa, để trình QH thông qua vào kỳ họp cuối năm.
-
Khánh Linh