- "Chưa làm được cổng chào đẹp thì để lại đã", "thành phố dừng cái này sẽ có uy tín lớn"... là đề xuất của đại biểu HĐND TP Hà Nội chiều nay (13/7) khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010.
>> Cổng chào Hà Nội: Chỉ là tưởng tượng chơi sang
>> Tùy tiện có 5 cổng chào Hà Nội?
>> Cổng chào Hà Nội dễ bị "xuyên tạc" ý nghĩa?
Bức xúc của dân có đến tai lãnh đạo TP?
Chuyện cổng chào của Hà Nội trở thành "điểm nóng" khi liên tục được các ĐB "điểm danh". ĐB Nguyễn Việt Hưng phản ánh cử tri khắp nơi rất bức xúc khi Hà Nội "đùng một cái" công bố dự án 5 cổng chào, nếu bảo Thủ tướng đã phê duyệt từ năm 2008 thì sao không làm theo quy trình: tổ chức thi phương án kiến trúc, lấy ý kiến nhân dân?
Gợi lại kỷ niệm cổng chào do người dân dựng lên để đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô năm 1954 hay khi thống nhất đất nước năm 1975, ông Hưng thắc mắc không biết tại sao lại thiết kế chẳng ra cổng chào như thế? Vị cựu Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội còn băn khoăn chuyện làm cổng chào tạm cũng như "hô thần nhập tượng", liệu sau này có dỡ được không?
Dù đã đổi mẫu thiết kế cổng chào nhưng Hà Nội vẫn không nhận được sự đồng thuận |
Không tin chuyện doanh nghiệp "vô tư" tặng thành phố cổng chào bạc tỷ, ông Hưng đặt câu hỏi Hà Nội sẽ phải đổi lại dự án hay ưu tiên gì cho doanh nghiệp? "Không biết bức xúc của dân có đến tai lãnh đạo thành phố không? Chứ tôi nghe nhức đầu", ông Hưng "thành thật".
Đồng cảm với ĐB Hưng, ĐB cao tuổi Ngô Văn Ny khẳng định tiền của doanh nghiệp cũng là tiền của dân, không thể phung phí, nếu làm thì phải để lại được dấu ấn như Ô Quan Chưởng với Thăng Long - Hà Nội, còn không thì "63 tỉnh, thành chỉ có một Thủ đô, không nên làm vội vã".
ĐB Phạm Thị Thành thì không hiểu sao có thể vẽ 5 thiết kế "lung tung" như thế, chẳng đẹp, chẳng Việt Nam chút nào. "Tại sao làm tạm bợ mà vẫn làm, có phải vì mình chưa định hình về địa lý của Hà Nội, hay Hà Nội còn thay đổi địa giới, nên không dám làm những cổng thật đẹp? Nếu chưa làm đẹp được thì để lại đã", bà Thành thẳng thắn.
ĐB Hưng quyết liệt hơn khi đề nghị Hà Nội nên dừng lại đúng lúc, "thành phố quyết định dừng cái này sẽ có uy tín rất cao".
Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ lưu ý UBND TP cần tiếp thu những góp ý này.
Đi ô tô không biết chứ đi bộ thì thấy ngay
Theo ĐB Vũ Đức Tân, báo cáo của UBND hoặc chưa đề cập, hoặc nói chưa đủ về nhiều vấn đề nóng như vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý đất đai, thu hồi dự án không hiệu quả còn rất chậm, chuyện cải cách hành chính còn yếu...
Kể chuyện sáng nay lặn lội ngoài đường tới 3 tiếng để đi từ nhà ở Giảng Võ đến cơ quan ở Trần Hưng Đạo, ướt từ đầu đến chân, "không tiến cũng chẳng lùi được. Mưa chỉ độ 2 tiếng mà hậu quả như thế thì rất phải suy nghĩ". Ông Tân đặt dấu hỏi về việc cải tạo hệ thống thoát nước và đề nghị thành phố phải có trách nhiệm hơn với người dân, với những nhu cầu thiết yếu của họ.
Ảnh: XĐ
Nhiều ĐB rất lo lắng khi sắp đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long mà bộ mặt thành phố ngổn ngang quá. ĐB Bùi Thị An lo lắng chuyện đường sá lổn nhổn, ngồi xe máy hay ô tô đều phải qua "ổ trâu", "quy hoạch đô thị và quản lý đô thị đều yếu kém, lộn xộn, tôi cảm giác không chữa nổi nữa", bà An ưu tư.
ĐB Phạm Thị Thành thì băn khoăn khi thành phố chỉ nhấn mạnh đến tiến độ các công trình kỷ niệm chứ chẳng nhắc gì đến chất lượng cả, trong khi đội ngũ lao động toàn huy động từ các "chợ nhân công". Vỉa hè làm hôm trước, hôm sau đã thấy bấp bênh, giờ thành phố lại bắt từ 1/8 không được đào bới nữa nên các nơi lại càng "thi nhau làm tầm bậy tầm bạ. Các đồng chí đi ô tô nên không biết, chứ đi bộ thì thấy ngay. Không biết hết 1.000 năm Thăng Long thì lấy tiền đâu mà sửa"?
ĐB Nguyễn Việt Hưng lại lo lắng về hiện tượng "ăn theo" dịp Đại lễ theo kiểu "mượn đầu heo nấu cháo", rồi mượn danh nghĩa 1.000 năm Thăng Long để đi kêu gọi các doanh nghiệp tham gia dự án, làm mất uy tín của Hà Nội, "cái nào thiết thực cho dân thì tiếp tục, làm, còn không thì dừng lại ngay", ông Hưng đề nghị.
"Chỉ là vấn đề kỹ thuật, không phải chủ trương" Lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để chỉnh trang đô thị theo tiêu chí gọn nhà, đẹp phố, sạch Thủ đô. Có thể trong quá trình thực hiện có chỗ nọ, chỗ kia thiếu sự tập trung quyết liệt, thiếu biện pháp thông minh nhưng đó là vấn đề kỹ thuật, vấn đề cụ thể chứ không phải chủ trương. Thành phố sẽ uốn nắn, điều chỉnh ngay, làm đến đâu đều phải sạch sẽ, gọn gàng. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo trả lời báo chí bên hành lang HĐND TP |
-
Khánh Linh