- Dù thành phố Hà Nội đang có nhiều vấn đề nóng như những "nhùng nhằng" quanh chuyện xây hay không xây nhà cao tầng bên trong vành đai 2, vành đai 3; chuyện làm sao để giữ vành đai xanh Hà Nội khỏi hàng loạt dự án đô thị,... nhưng sẽ phải chờ, nếu có nhiều câu hỏi về những chủ đề này thì mới đưa vào chương trình chất vấn.
Chưa biết chất vấn ai? nội dung gì?
Chiều 8/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 21 sẽ diễn ra từ 13/7 - 15/7/2010.
Xây hay không xây nhà cao tầng trong vành đai 2, 3? |
Theo Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Phúc, đây là kỳ họp thường kỳ nên nhiệm vụ chính là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách của Thành phố 6 tháng đầu năm 2010, và tiếp tục đề ra những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Hai nghị quyết chuyên đề sẽ được tập trung xem xét, thảo luận lần này là nghị quyết về đặt, đổi tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố HN và nghị quyết về thu, sử dụng học phí và một số khoản thu khác trong trường học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố HN.
Riêng phiên chất vấn dù luôn là nội dung được quan tâm nhiều nhất và sẽ được truyền hình trực tiếp, nhưng đến nay HĐND vẫn chưa thể quyết định sẽ chất vấn ai, chất vấn nội dung gì, bởi phần lớn các ĐB HĐND chỉ gửi câu hỏi chất vấn vào ngày khai mạc, nên việc tổng hợp câu hỏi của ĐB và cử tri, nhóm vấn đề để chọn vấn đề nóng nhất cho phiên chất vấn trực tiếp vẫn đang phải... chờ đợi.
Bởi thế, dù thành phố Hà Nội đang có nhiều vấn đề nóng như những "nhùng nhằng" quanh chuyện xây hay không xây nhà cao tầng bên trong vành đai 2, vành đai 3; chuyện làm sao để giữ vành đai xanh Hà Nội khỏi hàng loạt dự án đô thị,... nhưng sẽ phải chờ, nếu có nhiều câu hỏi về những chủ đề này thì mới đưa vào chương trình chất vấn.
Tăng học phí tới 500%?
Chủ đề nóng nhất được dự đoán thảo luận xung quanh nghị quyết về thu, sử dụng học phí và một số khoản thu khác trong trường học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố HN, từ cấp nhà trẻ, mẫu giáo tới cấp trung học phổ thông, bởi vấn đề tăng học phí luôn rất nhạy cảm, tác động rộng rãi đến mọi đối tượng.
Theo Trưởng ban Văn hóa - xã hội, cử tri các địa phương đều đồng ý với chủ trương phải điều chỉnh học phí, nhưng nhiều băn khoăn với mức điều chỉnh cụ thể trong tờ trình của UBND thành phố. Nhiều cử tri không tin tưởng vào số liệu thống kê của Cục thống kê Hà Nội khi xác định mức thu nhập bình quân của Hà Nội theo 3 nhóm: nội thành là 2.4 triệu đồng/người/tháng, nông thôn có hai mức là 1.8 triệu/người/tháng và 1.040 triệu/người/tháng, bởi họ cho rằng mức thu nhập thực tế thấp hơn, dẫn đến mức học phí được quy định không vượt quá 5% thu nhập bình quân sẽ phải thấp hơn.
Ban Văn hóa - xã hội của HĐND Hà Nội cũng không đồng tình với nhiều mức học phí được điều chỉnh quá cao, như mức học phí cho học sinh trung học cơ sở ở khu vực thành thị tăng "đột biến" từ 20.000 đồng lên 100.000 đồng (tăng 500%), mức học phí cho trung học phổ thông ở khu vực thành thị cũng tăng từ 30.000 đồng lên 120.000 đồng (tăng 400%). Mức tăng được ban VH - XH đề nghị bằng với mức tối thiểu của nghị định (40.000 cho thành thị, 20.000 cho nông thôn) hoặc mức tăng tối đa không quá 1.5 tới 2 lần.
Theo Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Phúc, thường trực HĐND đã yêu cầu UBND xem xét lại các mức điều chỉnh để khi trình ra kỳ họp HĐND tuần tới đạt được sự đồng thuận của đa số ĐB, cũng là sự đồng thuận của cử tri.
-
Khánh Linh