Theo các nhà chỉ trích, việc cắt giảm chỉ nên áp dụng với chính ông Sarkozy - người làm "tăng dần đều" chi phí của điện Elysée trong ba năm qua.
Ở Pháp, người ta nghĩ về một chuyện vui trong kỳ nghỉ hè: Đó là nhịn bữa trưa vào thời điểm thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ kêu gọi.
Báo chí Pháp đăng tải bức hình biếm họa về một công nhân Anh giơ chiếc túi rỗng giải nghĩa từ "rigueur" - "Ở Anh gọi là khắc khổ". Một công nhân Đức đáp lại: "Tiếng Đức là Sparpaket - kinh tế trọn gói". Đứng cạnh anh ta, là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy giơ cao chiếc ly tuyên bố: "Trong tiếng Pháp, chúng tôi không nói rigueur”.
Tổng thống Pháp bị chỉ trích khi đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu chính phủ. Ảnh: Guardian
Điều đó không có nghĩa là Pháp miễn nhiễm khỏi cuộc khủng hoảng. Những cửa hàng sách bày bán nhiều tác phẩm với tiêu đề "nặng nề" như Khủng hoảng hôm qua, Chiến tranh ngày mai.
“Nếu không có gì ngăn cản cuộc khủng hoảng nợ, Pháp sẽ phải dành cả thập niên tới để trả giá cho hành động điên rồ thập niên qua", Jacques Attali, một nhà kinh tế học nổi tiếng cảnh báo. Ông là tác giả cuốn sách Chúng ta sẽ bị chôn vùi trong 10 năm?
Thủ tướng François Fillon, người cách đây hai năm bị Tổng thống Sarkozy "quở trách" khi "liều lĩnh" khuyến cáo nước Pháp đang đứng bên bờ vực phá sản, dường như cũng nhận thấy điều này.
Ông tuyên bố một kế hoạch cắt giảm chi tiêu công trong vòng ba năm để cứu nước Pháp khỏi nguy cơ chìm vào nợ nần. Kế hoạch của ông Fillon đầu tiên phải đưa ra thảo luận trước quốc hội Pháp và những gì được đồng thuận không chắc là một giải pháp tiết kiệm.
Hàng nghìn công nhân đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch cải tổ hệ thống lương hưu của chính phủ. Tuổi về hưu theo đề xuất tăng từ 60 lên 62 tuổi. Chính phủ Pháp cũng tuyên bố ngừng các khoản chi mới như một phần nỗ lực làm giảm thâm hụt ngân sách trong tỉ lệ 3% của GDP - giới hạn của EU - vào năm 2013. Đầu tháng 6, Pháp đã bắt đầu bán hàng trăm căn nhà không cần đến của chính phủ để gia tăng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, bất kỳ tuyên bố cắt giảm nào có thể gây ra sự tức giận lớn hơn khi phần lớn người dân thường chịu ảnh hưởng, chứ không phải tầng lớp giàu có.
Với triết lý "Chi tiêu tự do, sống cho hôm nay", người dân Pháp không hứng thú với kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ.
Các nhà chỉ trích nói rằng, việc cắt giảm thực chất chỉ nên áp dụng với chính bản thân ông Sarkozy - người đã làm "tăng dần đều" chi phí của điện Elysée trong ba năm qua. Họ còn nhấn mạnh, truyền thống "đi săn của tổng thống" mà ông Sarkozy đề xuất bác bỏ để tiết kiệm chi tiêu thực chất là vì ông chưa bao giờ tham dự sự kiện này.
Thêm vào đó, lãnh đạo nước Pháp không có ý định từ bỏ ba tòa nhà công của ông: điện Elysée, khu nghỉ cuối tuần tại La Lanterne ở Versailles; hay khu nghỉ dưỡng Fort Bragançon bên bờ biển Địa Trung Hải. Trên thực tế, ông Sarkozy không sống ở nơi nào trong số này. Ông giành phần lớn các đêm khi ở Paris tại căn hộ của vợ là siêu mẫu Carla Bruni-Sarkozy.
Trong lá thư gửi Thủ tướng Fillon đầu tuần này yêu cầu thực hiện cắt giảm chi tiêu, ông Sarkozy đề nghị bán hai máy bay sử dụng cho các chuyến bay của tổng thống. Tuy nhiên, ông không nói rằng, những máy bay này đã cũ kỹ, lỗi thời và rằng năm ngoái, Tổng thống Pháp đã khăng khăng muốn dùng loại máy bay lớn hơn, hiện đại - loại Falcon 7X để "sánh ngang" với chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Kết quả là, lá thư kêu gọi "cắt giảm mạnh mẽ" các khoản chi đắt đỏ của chính phủ đã vấp phải sự chỉ trích lớn của các chính khách đối lập, cũng như lời than phiền của các bộ trưởng và quan chức khác. "Đó là giọng điệu quở trách trong bức thư", một quan chức nói. "Nếu điện Elysée muốn cắt giảm chi tiêu chính phủ, họ có thể bắt đầu từ trong chính các bức tường của mình".
Chi phí hoạt động của văn phòng tổng thống đã tăng gần gấp bốn lần, từ 30 triệu euro lên 114 triệu, kể từ khi ông Sarkozy lên nắm quyền vào năm 2007. Tổng thống Pháp yêu cầu rút đi 10.000 xe công, 7.000 nhà công nhưng phần lớn lại áp dụng với các quan chức cấp cao ở bộ và khu vực.
Nhiều thành viên đối lập thậm chí còn nói Tổng thống Pháp cần "lập trật tự" ngay trong nhà mình. Jérôme Cahuzac thuộc Ủy ban Tài chính Quốc hội Pháp đặt ra câu hỏi: "Vậy lương của ông ấy tăng 170% là thế nào?".
-
Diệu Thúy (tổng hợp)