- Đánh giá cao nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế của Việt Nam, song Báo cáo của các tham tán Thương mại EU cho rằng Việt Nam đã lỡ cơ hội tái cơ cấu khu vực công. Báo cáo, hay còn gọi là Sách Xanh (lá cây) 2010 công bố sáng nay (7/7) cũng cho rằng Việt Nam đã đi hơi quá đà khi dành ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước kém sức cạnh tranh.
Ảnh: Ngọc Bích |
“Chính phủ Việt Nam xứng đáng được khen ngợi cho bức tranh kinh tế tương đối thành công của đất nước trong năm 2009 và đầu năm 2010.
Trong bối cảnh của các khủng hoảng kinh tế và sụt giảm thương mại trên thế giới, tăng trưởng GDP ở Việt Nam vẫn được duy trì và hoạt động xuất khẩu, cho dù bị sụt giảm, vẫn duy trì ở mức cao hơn mức trung bình trong khu vực do chính phủ đã có những biện pháp chính sách mạnh dạn”, ông nói.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những yếu kém của nền kinh tế được bộc lộ trong cuộc khủng hoảng và sự cần thiết cho việc tái cơ cấu một cách mau lẹ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước, để có thể mang đến sự tăng trưởng bền vững và tính cạnh tranh được gia tăng.
Thâm hụt ngân sách quốc gia, sự quay trở lại của lạm phát, và thâm hụt thương mại ngày càng nới rộng là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2009 và còn tiếp tục phải giải quyết trong năm 2010.
Báo cáo cũng đồng tình với những phân tích khác rằng Việt Nam đã lỡ cơ hội tái cơ cấu khu vực công với sự suy giảm của sản xuất, giảm sút xuất khẩu và tạo ra được ít việc làm hơn so với các công ty tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2009.
Trong khi các biện pháp kích thích là cần thiết để duy trì tăng trưởng, EU cho rằng Việt Nam đã đi hơi quá đà khi dành ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước kém sức cạnh tranh và tạo ra áp lực lạm phát cho năm 2010 cũng như thời gian sau đó.
Theo Sách Xanh 2010, một trong số những thử thách có liên quan trực tiếp đến các vấn đề thương mại là thâm hụt thương mại với 12,2 tỷ USD do hoạt động xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, giá của hàng hóa thế giới giảm cũng góp phần vào thâm hụt thương mại trong năm 2009.
Một trong những khuyến nghị của Sách Xanh đối với Chính phủ Việt Nam là thay vì tập trung vào giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng thì đầu tư nhiều hơn vào việc hỗ trợ thiết lập những chuỗi cung cấp tại địa phương cho các ngành định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Sách Xanh cũng nhấn mạnh rằng việc thiếu chuỗi cung cấp nội địa, vốn buộc Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn máy móc và nguyên liệu thô, vẫn là thử thách chính để kiềm chế thâm hụt thương mại và các vấn đề liên quan như khan hiếm dự trữ ngoại tệ, thâm hụt ngân sách và sự dao động tỉ giá...
Về EU, báo cáo cho hay châu lục này tiếp tục là một đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam trong năm 2009, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các mặt hàng Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ hai (vốn FDI thực hiện) bất chấp tình hình kinh tế bất lợi bên ngoài.
Cụ thể, EU tiếp tục là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của mặt hàng giầy da và thủy sản Việt Nam với giá trị nhập khẩu giầy da đạt 1,9 tỷ USD và thủy sản đạt 1,1 tỷ USD. EU cũng tiếp tục trở thành nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị nhập khẩu 1,7 tỉ USD. Ngược lại, Việt Nam tiếp tục hưởng thặng dư thương mại trị giá 3,77 tỉ euro trong quan hệ thương mại hai chiều với EU.
-
Linh Thư