- Tổng công ty Đường sắt cho hay một văn bản thỏa thuận về đường sắt cao tốc sẽ được ký với Nhật Bản trong thời gian tới. Theo đó, Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu báo cáo khả thi. Ngày mai (31/8), Jica sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này.
>>"Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
2 đoạn tuyến: Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang
Dự kiến, Nhật Bản sẽ hỗ trợ kinh phí để phía Việt Nam lập báo cáo khả thi dự án đường sắt cao tốc 2 đoạn tuyến Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang (thuộc dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM).
Một lãnh đạo của Tổng công ty Đường sắt xác nhận, phái đoàn của Nhật Bản đang làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Hạt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông - vận tải (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho VietNamNet hay: Sau khi Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc tại kỳ họp vừa qua, mà nguyên nhân chính là “do báo cáo đầu tư thiếu thông tin”, Tổng công ty và Bộ GTVT đã xin phép Chính phủ được nghiên cứu, lập báo cáo khả thi (2 đoạn tuyến) để có thêm thông tin, cơ sở dữ liệu chính xác và đã được Thủ tướng chấp thuận.
Đã gửi công hàm cho Chính phủ Nhật
“Mới đây, Bộ GTVT đã có công hàm gửi Chính phủ Nhật Bản bày tỏ mong muốn được phía Nhật hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để lập báo cáo khả thi (FS)”, ông Hạt nói.
“Tôi rất lạc quan khi Nhật sẽ giúp đỡ chúng ta lập báo cáo khả thi các các dự án này”.
Theo dự kiến, các dự án này sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11 năm nay và kết thúc vào quí I/2012.
Cùng với các dự án này, Tổng công ty Đường sắt cho biết đang phối hợp với Nhật Bản để nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Ngọc Hồi đi sân bay Nội Bài, dài khoảng 25km.
Với tuyến đường sắt nội đô đi Nội Bài, theo ông Hạt, hiện đang có hai hướng đề xuất: Xây dựng đường sắt cao tốc để thí điểm cho dự án đường sắt cao tốc về sau, hoặc xây dựng đường sắt đô thị.
“Sau khi cùng chuyên gia Nhật xem xét, chúng tôi đang nghiêng về phương án 2, nghĩa là xây tuyến đường sắt đô thị, trong đó có 8km từ ga Bắc Hồng đến Nội Bài là xây dựng mới, còn lại là nâng cấp trên nền đường sắt cũ từ Hà Đông, qua Diễn đến Bắc Hồng”, ông Hạt nói.
Sở dĩ phương án xây đường sắt cao tốc cho đoạn này không khả thi, vì theo ông Hạt, có quá nhiều đường cắt dân sinh, rất khó chạy với tốc độ cao. Còn nếu xây cầu cạn thì rất phức tạp và tốn kém vì phải giải phóng mặt bằng trong nội đô.
-
Chí Hiếu