- "Không thể lập luận rằng trình độ dân trí chưa cao để tránh việc trưng cầu ý dân về những vấn đề trọng đại của đất nước" - PGS Đinh Ngọc Vượng, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam phát biểu ở Hội thảo "Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992" đang diễn ra tại Đà Nẵng.
>> Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp
Hội thảo do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) và Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức, quy tụ các nhà khoa học và những người có kinh nghiệm thực tiễn hàng đầu về việc xây dựng, sửa đổi Hiến pháp.
Lò dò từng bước thì bao giờ tới đích?
Là người trình bày tham luận đầu tiên, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đặt ra những câu hỏi lớn: "Vì sao chỉ trong 46 năm từ 1946 đến 1992 mà ta có đến 4 hiến pháp - không kể những lần sửa đổi? Nước Mỹ 200 năm qua chỉ có một Hiến pháp. Hiến pháp 1980 dự định là Hiến pháp của cả thời kỳ quá độ, nhưng chưa kịp thi hành đã bị thay thế bằng Hiến pháp 1992, rồi 2001 lại sửa, giờ lại sửa tiếp. Không lẽ việc sửa đổi Hiến pháp đã trở thành truyền thống?".
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: Nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thì chỉ là làm thử chứ không làm thật |
Theo ông Lộc, dù lần sửa đổi nào cũng giải thích do tình hình đất nước phát triển đến giai đoạn mới nên phải có Hiến pháp mới, nhưng "có thật do yếu tố thời đại hay yếu tố chủ quan của mỗi thế hệ lãnh đạo?".
Ông Lộc đặt ra hàng loạt băn khoăn khi Hiến pháp 1992 lần đầu tiên xác nhận theo tư tưởng nhà nước pháp quyền XHCN, của dân - do dân - vì dân, nhưng 5 chương về bộ máy nhà nước lại vẫn giữ nguyên như Hiến pháp 1980, "giống như người khởi hành mới giơ chân lên mà chưa hạ xuống".
"Nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thì chỉ là làm thử chứ không làm thật. Nếu chỉ cái gì tạo sự đồng thuận cao mới làm thì cứ lò dò từng bước, đến bao giờ mới tới đích?".
GS Trần Ngọc Đường (Viện Nghiên cứu lập pháp) đặt vấn đề khi tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992, phải xem tính thống nhất và chỉ đạo của Hiến pháp 92 với hệ thống pháp luật thế nào, để đảm bảo tính chỉ đạo của một văn kiện gốc. "Tại sao ta sửa Hiến pháp xoành xoạch? Hiến pháp càng quy định cụ thể thì càng mau "chết", nhiều quy định pháp lý bó chân bó tay. Ngay cả Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường, nếu xét nghiêm túc cũng là vi hiến".
Đặt vấn đề với các nước, Hiến pháp chỉ là đạo luật gốc, là khung pháp lý chung, là khế ước giữa một bên là nhân dân, chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước, còn bên kia là nhà nước được nhân dân giao những quyền cụ thể, GS Đường đề nghị khi tổng kết, phải xem cách thức thể hiện của Hiến pháp đã hợp lý chưa, quyết định xem Hiến pháp nên quy định cụ thể đến đâu để sống được lâu.
Dù đi thẳng vào chủ đề của hội thảo là tìm tiêu chí, phương pháp để tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992, hay "nói xa nói gần" đến chuyện Hiến pháp các nước, các ý kiến đều trăn trở về bản chất của Hiến pháp. Đa số khẳng định Hiến pháp là đạo luật gốc, chỉ quy định những gì mang tính nguyên tắc, chứ không nên dàn trải qua đủ mọi lĩnh vực như Hiến pháp 1992. TS Tường Duy Kiên (Trung tâm Nhân quyền - Học viện Chính trị quốc gia) khẳng định "Hiến pháp là đạo luật về quyền con người".
Ngay cả những người ủng hộ việc Hiến pháp bao quát mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... cũng cho rằng không thể dàn trải, phải chọn được những điểm chủ yếu sẽ quyết định những vấn đề khác. "Hiến pháp phải ổn định, cái gì nhất thời, nhiệm kỳ thì bỏ ra, những gì chưa chín muồi thì thôi đừng thể hiện" như lời GS Lê Minh Tâm.
Ông Tâm cũng nhấn mạnh Hiến pháp phải mang tính nhân văn, "thể hiện những giá trị lớn mà tất cả mọi người, mọi tổ chức, mọi thiết chế đều hướng tới công bằng, bình đẳng, dân chủ, bác ái, tiến bộ, tự do. Không thể lấy quyền lực chế ngự những giá trị đó, để hạn chế những tự do của con người".
Quyền phúc quyết của dân
Một chủ đề khác được nhiều ý kiến thảo luận là việc người dân sẽ tham gia vào quá trình làm và sửa đổi Hiến pháp theo cách nào.
GS Đào Trí Úc (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định "Hiến pháp khi ra đời bao giờ cũng gắn với sự kiện lập quốc, nên Hiến pháp là văn kiện lập quốc".
Theo ông, Hiến pháp là văn kiện có tính giai cấp, nhưng phải dung hòa được các lợi ích, tạo nền tảng cho sự đồng thuận xã hội. "Dù Hiến pháp mỗi thời kỳ mang dấu ấn đặc trưng thời đại, nhưng phải tạo được tính chính đáng, phải thể hiện những giá trị xã hội mà toàn dân chấp nhận, thu hút được sự tham gia của nhân dân, người dân phải được phúc quyết Hiến pháp".
PGS Đinh Ngọc Vượng (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) khẳng định nhân dân mới là chủ thể cơ bản ban hành hiến pháp. "Nếu người dân chỉ thể hiện quyền lực của mình thông qua QH và HĐND các cấp thì sự tham gia của nhân dân vào quản lý nhà nước chỉ mang tính hình thức, không được thực hiện triệt để", ông Vượng băn khoăn.
Theo ông, nhất định không thể lập luận rằng trình độ dân trí chưa cao để tránh việc trưng cầu ý dân về những vấn đề trọng đại của đất nước. "Chính dân là cử tri đã sáng suốt bầu ra các ĐBQH và HĐND các cấp đó thôi. Tại sao khi bầu QH và HĐND thì họ là những người sáng suốt, còn khi bàn những vấn đề trọng đại của đất nước thì họ lại chưa đủ trình độ?".
Khẳng định quyền phúc quyết Hiến pháp của toàn dân, nhưng các ĐB cũng băn khoăn chưa có Luật trưng cầu dân ý, nên không biết sẽ phải trưng cầu theo quy chế nào.
Hội thảo tiếp tục làm việc trong sáng nay.
-
Khánh Linh