Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký văn bản gửi Thủ tướng, góp ý về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cho rằng, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia luôn là chỉnh thể thống nhất, không tách rời. Khu vực Ba Đình luôn là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia hoặc hành chính qua các thời kỳ trong lịch sử đất nước.
Không cần trục Thăng Long
Hà Nội khẳng định, không nên chuyển Trung tâm hành chính lên Ba Vì bởi về mặt không gian Ba Vì không đủ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, lịch sử, truyền thống, khả năng tiếp cận các loại hình giao thông; khả năng kết nối các vùng xung quanh gắn với một đô thị hành chính, chưa nói đến việc ảnh hưởng đến vùng sinh thái tự nhiên đặc biệt của quốc gia và Hà Nội.
Dự kiến, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 9
Hà Nội cũng đề xuất hai khu vực có thể xây dựng trụ sở các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ là tây hồ Tây và khu vực kế Trung tâm hội nghị quốc gia tại Mỹ Đình - Mễ Trì, có đủ điều kiện theo các tiêu chí đặt ra.
Tại cuộc đối thoại giữa Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và lãnh đạo các quận, huyện về quản lý quy hoạch chiều 19/8, Phó Giám đốc Sở Dương Đức Tuấn cho hay, dự kiến đồ án này sẽ được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 9 tới. Hai nội dung trong đồ án có nhiều ý kiến khác nhau nhất, ngay cả trong Chính phủ và Quốc hội, là đề xuất chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì và xây dựng trục Thăng Long nối liền hồ Tây với Ba Vì .
Theo ông Tuấn, quan điểm của Hà Nội là trung tâm hành chính và trung tâm chính trị của cả nước nên gần nhau.
Hiện nay, một số bộ, ngành đã xây dựng trụ sở tại khu vực Mỹ Đình và một số địa điểm khác trong nội thành cũ, do vậy không nên chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì mà đặt tại khu vực tây hồ Tây hoặc Mỹ Đình là hợp lý. Do vậy, đề xuất xây dựng trục Thăng Long là không hợp lý, không còn cần thiết.
Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư bày tỏ, thực tế sử dụng đất tại Từ Liêm cho thấy việc xây dựng trục Thăng Long là không hợp lý. Bởi trục đường này đi vào nhiều khu vực dân cư cũ trên địa bàn, thậm chí cả điểm vừa được đầu tư xây dựng mới. Ngoài ra, hành lang xanh trong đồ án cũng cần được làm rõ. Dải cây xanh lớn nhất nằm trên địa bàn Từ Liêm, sẽ ảnh hưởng đến 25 - 30 vạn dân. Vậy việc di dời dân ra khỏi hành lang này thế nào, có khả thi không là cả vấn đề?
Quận, huyện "lực bất tòng tâm"
Tại cuộc đối thoại này, lãnh đạo các quận, huyện cũng thẳng thắn góp ý với Sở Quy hoạch - Kiến trúc về những tồn tại của ngành, đặc biệt là lãnh đạo các huyện thuộc Hà Tây cũ. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đinh Hữu Hạnh cho biết, các dự án trên địa bàn liên quan đến thu hồi đất không thể triển khai được từ khi Hà Nội mở rộng. Do quy hoạch chung chưa có nên địa phương đành “lực bất tòng tâm”. Đan Phượng đang rất mong mỏi có được quy hoạch cụ thể trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hồng Quang bức xúc, quy hoạch là để phát triển nhưng thực tế hiện nay địa phương rất khó khăn vì quy hoạch. Thành phố giao chỉ tiêu cho huyện thực hiện đấu giá đất, nhưng chưa có quy hoạch, chỉ giới đường đỏ nên không dám triển khai.
Các huyện cũng đề xuất được phân cấp mạnh hơn nữa trong việc lập và phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Vũ Tuấn Định, Hà Nội đang trong quá trình phát triển, nhất là các khu dân cư đô thị nhưng có đến 6 huyện không có kiến trúc sư nào như Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên.
Phó Chủ tịch thường trực TP Phí Thái Bình nhận định, công tác cán bộ tại cơ sở là đáng lo ngại, nhiều địa bàn trắng kiến trúc sư quy hoạch. Tuy nhiên, chủ trương phân cấp vẫn phải đẩy mạnh để giảm tải cho TP. Ngoài ra, cán bộ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải xuống địa phương nhiều hơn nữa.
Theo Tiền Phong