- Phát biểu trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/8, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định "nếu cứ để cho phá sản Vinashin thì tất cả sẽ thành đống sắt vụn".
>> Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin
>> Vụ Vinashin: Xử nghiêm theo quy định pháp luật
Bê bối Vinashin: Lỗi do chủ quan là chính
Tại phiên họp thường trực Chính phủ tháng 7 diễn ra trong hai ngày 3 và 4/8, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất đánh giá về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Trụ sở Tập đoàn Vinashin tại Hà Nội |
Thông tin với báo chí sau phiên họp, Phó Thủ tướng nói, quan trọng nhất là Chính phủ đã thảo luận kỹ các nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính.
"Về phía khách quan, là do DN, nhưng có nguyên nhân chủ quan từ chỉ đạo điều hành của chúng ta, của bộ máy quản lý ở bộ ngành", ông Hùng nói.
Dẫn lại một số thách thức mà Vinashin phải đối mặt do khủng hoảng kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì Vinashin bị ảnh hưởng nặng nề nhất".
Có điều, ông Hùng cũng lập tức thừa nhận, "nếu ta có một tập đoàn khỏe về quản trị, về lãnh đạo điều hành và năng lực tài chính, nhà nước lại quản lý tốt hơn, cho dù làm thí điểm nhưng quản lý chặt hơn thì dù khó khăn bên ngoài tác động cũng không đến nỗi lâm vào khó khăn".
Ảnh: LN |
"Tình hình vẫn trong tầm kiểm soát"
Nhiều lần khẳng định "quyết tâm chính trị" của Đảng và Chính phủ xây dựng nền cơ khí đóng tàu và công nghiệp tàu thủy ở một đất nước giàu tài nguyên biển, Phó Thủ tướng cho rằng kinh tế hàng hải, các đoàn tàu, bến cảng có vai trò cực kỳ quan trọng với Việt Nam.
Trên cơ sở một số nền tảng mà Vinashin đã gây dựng được, Phó Thủ tướng cam đoan, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, mọi chuyện vẫn chưa tuột ra khỏi tầm tay.
"Còn nếu cho nó phá sản đi thì chúng ta lại phải dựng nên một ngành công nghiệp tàu thủy mới", ông Hùng nói.
Nếu cơ cấu lại Vinashin để nó hoạt động được, phát huy được thì tiếp tục có ngành công nghiệp tàu thủy. Nếu cho phá sản đi, thì nhà máy, công trình dự án, tàu này thì trở thành sắt vụn. Nếu không thu hồi được vốn thì nợ nần sẽ nghiêm trọng, hàng nghìn người thất nghiệp, tác động dây chuyền khó mà lường hết được.
Theo ông Hùng, quyết tâm như vậy là có cơ sở, có căn cứ và hoàn toàn khả thi chứ không hề duy ý chí vì tất cả vẫn đang trong tầm kiểm soát, trong khả năng.
Cấp đủ vốn điều lệ để vực dậy con tàu Vinashin
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra ba nhân tố để "vực" con tàu Vinashin quá yếu ớt: thu hẹp ngành nghề, cơ cấu nợ và xử lý sai phạm.
Thứ nhất, cơ cấu thu hẹp lại ngành kinh doanh, không lấn sân đa ngành, không mua bán tàu biển. Nếu trước kia Vinashin dàn trải từ 108 dự án thì nay cắt xuống chỉ còn 28 dự án, và trước mắt chỉ tập trung còn 13 dự án. Ngành chính của Vinashin mới thu hẹp trong ba lĩnh vực: đóng tàu, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ cho tàu. "Vinashin mới sẽ không làm theo kiểu cũ", ông Hùng cho hay.
Giải pháp thứ hai là cơ cấu lại Vinashin cũ đối với dự án, công ty con đã góp vốn thì một là bán, hai là chuyển nhượng, ba là cổ phần hóa để thu lại vốn, trả nợ và đầu tư tập trung cho mấy ngành chính trên. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trên nền đã có. Dự kiến năm 2012, tiếp tục đóng tàu được và bán được hàng. Giai đoạn 2010-2011 còn 81 con tàu nước ngoài và 41 tàu trong nước - nghĩa là tiếp tục hoạt động được. Trong cơ cấu này, tiếp tục giữ công nhân, đào tạo lại, khi mở rộng đóng tàu phát triển. Một bộ phận chuyển theo dự án đã điều chuyển.
Tính toán đến 2012 có thể hết lỗ, năm 2013 - 2014 sẽ bắt đầu có lãi và năm 2015 sẽ ổn định một Vinashin mới. Chỉ làm đóng tàu, phụ trợ và đào tạo thiết kế.
Liên quan đến tình hình nợ nần, Phó Thủ tướng cho hay, chủ trương của Chính phủ là tập trung sự hỗ trợ của nhà nước, nỗ lực của DN để sòng phẳng về nợ nần. Chúng ta bán, chuyển, cổ phần hóa thì Vinashin có tiền để trả nợ, nhà nước cấp đủ vốn điều lệ cho Vinashin.
"Một tập đoàn lớn mà nhà nước chỉ cấp cho hơn 100 tỷ, vậy thì bây giờ phải cấp đủ vốn điều lệ cho Vinashin để phát triển mới", ông Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Xử lý nghiêm sai phạm để lấy lại niềm tin trong nhân dân
Một câu hỏi cũng được nêu lên trong cuộc họp báo là Chính phủ sẽ xử lý khuyết điểm, sai phạm của các cá nhân ở Vinashin như thế nào.
"Cá nhân nào vi phạm, làm trái quy định nhà nước mà tự nó gây hiệu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm minh và kỷ luật trước Đảng", ông Hùng khẳng định.
Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ khẳng định quyết tâm xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm ở Vinashin để lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Phó Thủ tướng nói thêm, nguyên nhân dẫn đến sai phạm của Vinashin như hiện nay có một phần do các cơ quan nhà nước tham mưu chưa tốt.
"Cũng là tham mưu nhưng tham mưu cho các tập đoàn khác thì được mà tham mưu cho Vinashin lại chưa ổn", ông Hùng nhận định.
Dĩ nhiên, theo Phó Thủ tướng, đóng tàu là lĩnh vực đặc thù, không phải ngành nghề kinh doanh bán hàng có lợi nhuận ngay.
Do đó, Chính phủ sẽ kịp thời bổ sung, sửa đổi các cơ chế liên quan đến đầu tư, quản lý DN, quản trị tài chính đối với tập đoàn này. Những cá nhân có sai phạm sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc.
Trước đó, trong phiên họp thường trực Chính phủ tháng 7 vừa diễn ra, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất đánh giá về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Vinashin.
Ngay sau phiên họp, chiều nay, Văn phòng Chính phủ ra thông báo về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Vinashin.
Mời độc giả bấm vào đây để đọc.
-
Lê Nhung