221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1300131
Quốc hội khóa tới mới xem xét sửa toàn diện Hiến pháp
1
Article
null
Quốc hội khóa tới mới xem xét sửa toàn diện Hiến pháp
,

- Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng sửa Hiến pháp sắp tới phải xem xét sự kế thừa, phát triển của bốn bản Hiến pháp trước đây. Trong đó lưu ý Hiến pháp năm 1946, do Bác Hồ là trưởng ban soạn thảo.

Trọng tâm Quốc hội khóa 13, 14

Ủy ban Pháp luật QH đã rục rịch đề xuất việc sửa Hiến pháp từ lâu. Nhưng quan điểm của Bộ Chính trị là phải đợi Đại hội XI thông qua Cương lĩnh thì mới có cơ sở để sửa. Vậy thì khả năng lúc nào mới chính thức sửa Hiến pháp?

- Ngay đầu nhiệm kỳ QH khóa 12 đã đặt ra vấn đề sửa Hiến pháp. Nhưng chọn thời điểm nào thì phải đợi quyết sách của Trung ương. Sau ĐH Đảng XI sẽ có định hướng cụ thể.

Mô tả ảnh.
"Xác định lại mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị". Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ bây giờ đến lúc đó, các cơ quan QH chủ động trong việc chuẩn bị đánh giá, tổng kết Hiến pháp 1992 để khi có chủ trương sửa thì sẽ tiến hành làm ngay. Bản hiến pháp này đã có hai lần sửa đổi, nhưng chỉ là sửa một vài điều nhỏ, không sửa cơ bản.

Dự kiến lần này sửa toàn diện và là việc trọng tâm của nhiệm kỳ QH khóa 13, 14.

Bây giờ, nếu có sửa thì chỉ sửa một vài điều về tổ chức bộ máy, liên quan đến việc bỏ Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường. Việc sửa đổi tiến hành chậm nhất vào kỳ họp cuối cùng của QH khóa 12 và tháng 3/2011 để kịp cho bầu cử vào tháng 5. Có thể lần này chỉ ra một Nghị quyết.

Các chuyên gia trong cuộc hội thảo được Viện Nghiên cứu lập pháp và VUSTA tổ chức vừa qua đã thống nhất về tiêu chí để sửa Hiến pháp chưa, thưa ông? Và đó là những tiêu chí nào?

- Có 5 vấn đề.

Đầu tiên, phải làm rõ xem Hiến pháp 1992 đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước kiểu mới chưa. Đó phải là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Quyền lực Nhà nước thống nhất và có sự phân công rạch ròi hành pháp, lập pháp, tư pháp, cũng như có sự kiểm soát chặt chẽ.

Thứ hai, mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế trong điều kiện mở cửa hội nhập đã thực sự phù hợp chưa, sắp tới phải thể hiện trong Hiến pháp thế nào để thể chế hóa thành đạo luật cụ thể. Chẳng hạn, kinh tế thị trường định hướng XHCN với những quan điểm về sở hữu, về kinh tế tư nhân.

Chúng ta xác định đa thành phần, đa sở hữu, nhưng vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, của quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo. Điều đó phải tiếp tục được thể chế hóa khi đánh giá lại về Hiến pháp.

Thứ ba, xem xét sự kế thừa, phát triển của bốn bản Hiến pháp trước đây (1946, 1959, 1980 và 1992 - PV). Trong đó lưu ý Hiến pháp năm 1946, do Bác Hồ là trưởng ban soạn thảo.

Thứ tư, xem xét tính thống nhất và vai trò chỉ đạo hệ thống pháp luật của Hiến pháp. Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là tính tối thượng của Hiến pháp. Vậy thì phải đánh giá xem có những văn bản nào vi hiến. Có nên lập tòa án bảo hiến không.

Thứ năm, nghiên cứu về hình thức thể hiện bản Hiến pháp.

Lưu ý Hiến pháp 1946

So sánh bốn bản Hiến pháp ta đã có, bản nào mang tính chất ưu việt nhất, đặt nền tảng để xây dựng nhà nước pháp quyền và có nhiều tư tưởng tiến bộ cần phải kế thừa nhất?

- Mỗi giai đoạn đòi hỏi khác nhau, không thể nói bản Hiến pháp nào tốt nhất.

Hiến pháp năm 1946 ra đời khi nhà nước còn trong trứng nước nên phải có chính sách mềm dẻo thu hút đại đoàn kết dân tộc. Năm 1959 xây dựng XHCN miền Bắc, khi đó Hiến pháp phải thể hiện quan điểm kinh tế thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước mà hợp tác xã là chủ lực.

Đến 1980, Hiến pháp thể hiện quan điểm xây dựng CNXH. Khi đó ta đưa ra mô hình chủ nghĩa tập thể, mỗi huyện là một pháo đài, theo mô hình Xô viết. Sau một thời gian thực thi thấy không phù hợp nên đến 1992 phải sửa đổi.

Hiến pháp 1992 đang phù hợp nhất với giai đoạn bây giờ, có điều là cần hoàn thiện thêm.

Như ông vừa nói ở trên là cần phải lưu ý bản Hiến pháp năm 1946, vậy cụ thể là lưu ý những điểm gì? Theo ông, có thể kế thừa được gì từ Hiến pháp 1946?

- Hiến pháp năm 1946 có một số quan điểm nổi bật. Chẳng hạn, đề cập đến nghị viện nhân dân, quyền phúc quyết của dân với Hiến pháp.

Mô tả ảnh.
"Hiến pháp càng chi tiết, tuổi thọ càng ngắn". Ảnh: Lê Anh Dũng

QH Việt Nam (1946) vốn là một QH lập hiến. Lẽ ra sau khi soạn thảo xong Hiến pháp, đưa ra cho dân để phúc quyết và sau đó đi vào cuộc sống thì QH lập hiến đó phải được giải thể để bầu ra QH lập pháp.

Song do hoàn cảnh cách mạng và kháng chiến nên Hiến pháp năm 1946 chưa được ban hành. QH đã giao cho Chính phủ và Ban Thường trực QH căn cứ vào các nguyên tắc đã định của Hiến pháp để thực thi việc lập pháp.

Còn về đề xuất QH phải có thượng viện, hạ viện thì thực tế QH của ta chưa tổ chức theo mô hình như vậy nhưng cũng đã tập trung thẩm quyền về QH cả rồi.

Dân phúc quyết: Chỉ là thủ tục

Phải để dân được phúc quyết Hiến pháp thì Hiến pháp mới thành văn bản pháp lý quan trọng nhất thể hiện ý nghĩa dân trao quyền lực của dân cho Nhà nước. Ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần nhưng nhân dân vẫn chưa có quyền phúc quyết Hiến pháp. Vậy lần sửa đổi sắp tới, vấn đề này sẽ được xem xét thế nào, thưa ông?

- Đúng là dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vấn đề ở đây là dân trực tiếp tham gia hay ủy quyền cho các đại biểu dân cử.

Sửa Hiến pháp là thẩm quyền của QH, với 2/3 số ĐBQH tán thành. Vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu là sau khi QH đồng ý thì có tiếp tục đưa ra lấy ý kiến người dân nữa hay không.

Dân tham gia phúc quyết Hiến pháp là một cơ chế để đảm bảo thực thi quyền dân chủ. Nhưng cũng nên lưu ý rằng chuyện phúc quyết Hiến pháp chỉ là hình thức để hợp thức hóa bản Hiến pháp đã được Quốc hội xây dựng.

Người ta cũng chỉ hỏi dân đồng ý hay không. Điều này không giống quy trình thông qua của ủy ban lập hiến là phải xem xét cụ thể từng điều khoản. Người dân không thể bàn cụ thể đến như vậy được, các nước cũng thế thôi.

Do đó, việc thực hiện quyền phúc quyết của dân sẽ chỉ còn là một thủ tục hợp thức hóa, để toàn dân thừa nhận, coi như là Hiến pháp của toàn dân chứ không phải của nhà nước.

Tại hội thảo ở Đà Nẵng vừa qua, các chuyên gia cũng nói, dân có được phúc quyết hay không cũng không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn đến chất lượng của bản Hiến pháp.

Vì chất lượng của bản Hiến pháp vẫn phụ thuộc vào Ủy ban soạn thảo, vào việc QH xem xét thông qua.

Tất nhiên, trong quá trình sửa Hiến pháp sắp tới phải lấy ý kiến toàn dân. Nhưng quy trình thông qua và lấy ý kiến thế nào thì còn tính.

Tới đây, khi có chủ trương sửa rồi thì QH sẽ lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, trong đó có hoạt động lấy ý kiến nhân dân.

Nhiều ý kiến nói sửa lắt nhắt vô hình trung làm tầm thường hóa Hiến pháp. Hiến pháp càng quy định cụ thể càng nhanh phải sửa. Vậy theo ông, nên định nghĩa về Hiến pháp như thế nào để Hiến pháp thực sự trở thành một đạo luật gốc và có tuổi thọ dài hơi?

- Trong lần sửa đổi toàn diện tới đây, không nhất thiết phải quy định cụ thể như lâu nay mà nên đề ra nguyên tắc, rồi sau đó để cho luật định. Để Hiến pháp thực sự trở thành một đạo luật mẹ, chứ không phải sau 10, 20 năm lại tiếp tục sửa như cách làm lâu nay.

Chẳng hạn, có nên quy định cụ thể hoạt động, quyền hạn của chính phủ không. Vì nếu liệt kê ra thì bao nhiêu cho đủ?

Còn nếu xác định một bản Hiến pháp có thể sửa nhiều, sửa liên tục thì cơ chế xem xét cũng nhẹ nhàng hơn.

Hiến pháp quy định càng cụ thể, chi tiết thì tuổi thọ càng ngắn. Còn nếu chỉ quy định chung, mang tính định hướng, nguyên tắc thì sẽ thọ lâu hơn.

Hai quan điểm này vẫn còn đang gây tranh cãi và phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa mới có thể đánh giá toàn diện.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,