- Nhiều câu hỏi nóng đã được đặt lên bàn Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc họp báo chiều 4/8.
>> ’Nếu để Vinashin phá sản, tất cả sẽ thành đống sắt vụn’
>> Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin
Có kiểm tra nhưng không kiểm soát được
Tình hình sai phạm ở Vinashin diễn ra lùng nhùng nhiều năm nay, tại sao Chính phủ lại chậm thanh tra, kiểm tra để xử lý quyết liệt, mãi gần đây mới có biện pháp tái cơ cấu?
Đông đảo phóng viên dự phiên họp báo chiều 4/7. Ảnh: NL
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Công tác thanh tra, kiểm tra ở Vinashin đã diễn ra với cả một quá trình.
Thanh tra có làm nhưng không kiểm soát và phát hiện được để ngăn chặn. Ví dụ, Chính phủ giao nhiệm vụ là đóng tàu chứ không phải đi mua tàu. Nhưng tuần này, Thủ tướng ký giấy thì sang đến tuần sau đã đi mua tàu rồi. Mấy tháng sau thanh tra vào cuộc thì tàu đã mua về rồi.
Ngăn chặn, kiểm soát tình hình kịp thời, nhất là kiểm soát trước để nhận diện yếu kém, là do cơ chế đặt ra, giao quyền chủ động cho bên dưới.
Trong đầu tư, đã giao quyền, phân cấp quyền cho chủ tịch tập đoàn, hội đồng quản trị. Như vậy đúng ra phải tuân thủ theo đúng các quy định trong danh mục công việc được cho phép. Chính phủ rút kinh nghiệm ở điểm này.
Thứ hai, về mở ra ngành nghề mới. Cơ chế hiện nay cho đa ngành, đa nghề nhưng không nói rõ gồm những ngành gì, bao nhiêu phần trăm. Năm 2008, Chính phủ đã sửa Nghị định 199 thành nghị định 99, nói rõ tập đoàn được phép đầu tư ra ngoài ngành tỷ lệ nhất định. Cái này ta đã rút ra bài học.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Các DN khác mỗi năm chỉ thanh tra, kiểm tra 1 lần nhưng riêng DN này thì được thanh tra, kiểm tra liên tục. Từ năm 2006 đến nay có tới 11 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tính cả trước năm 2005 nữa thì tổng số lần là 13.
Đúng ra phải quy định quy chế bên trong, kiểm toán bên trong và kiểm toán nội bộ. Trách nhiệm các cơ quan tham mưu cho Chính phủ là ở chỗ đó.
Về vốn, Chính phủ nếu thấy cần thì phải tiếp tục phát hành trái phiếu cho Vinashin.
Khi tái cơ cấu Vinashin, chuyển một phần sang TCT Hàng hải và Tập đoàn Dầu khí, liệu có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hai đơn vị này không?
- Ta cơ cấu lại Vinashin, không để làm ngành vận tải biển nữa. Nhưng ta lại đang có Tổng Công ty hàng hải VN, ngành chính kinh doanh vận tải biển. Vậy là ta chuyển về đúng chỗ. Đó là của nhà nước, nhà nước đưa vào đúng chỗ. Do những hậu quả mà Vinashin gây ra, TCT Hàng hải sẽ gặp khó khăn ban đầu.
Tàu phải mua rồi, nó bị hỏng, quá cũ thì đó là một sai lầm sẽ tạo ra mất mát cho con tàu này. Nhưng TCT Hàng hải có chuyên môn hàng hải nên sẽ phát huy tốt. Trách nhiệm của TCT Hàng hải nặng hơn, nhưng đây cũng là trợ lực cho ngành chính của TCT này.
600 triệu USD tự đi vay
Chính phủ đánh giá gì về sai phạm của cá nhân ông Phạm Thanh Bình?
- Lãnh đạo Tập đoàn là người đứng đầu. Ông Bình vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa là Tổng giám đốc thời gian dài.
Những việc này sẽ được kiểm điểm, đánh giá và tiếp tục kiểm tra, điều tra để xem sai phạm thế nào và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Được biết, tân Tổng giám đốc Trần Quang Vũ của Vinashin cũng là thành viên cũ của Vinashin và điều hành công ty Nam Triệu cũng có nhiều sai phạm, vậy khi cơ cấu người lãnh đạo mới như vậy, Chính phủ có lo ngại gì không?
- Tân Tổng giám đốc Trần Quang Vũ khi ở Nam Triệu có liên quan vấn đề tài chính nào không thì cơ quan thanh tra đang điều tra. Chủ trương của Chính phủ là phải xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật để làm rõ.
Về các khoản vay nợ của Vinashin, tổ cơ cấu tài chính của Chính phủ đang tiếp tục làm việc để xác định từng khoản vay. Hiện xác định tập đoàn này có thêm khoảng 600 triệu USD tự đi vay.
-
Hiền Anh ghi