Phát biểu hôm nay tại Hội nghị cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của hệ thống Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các trường Chính trị tỉnh, thành phố triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thường trực Ban Bí thư nói: Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Học viện và các trường phải đóng góp tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho TƯ, cán bộ chủ chốt cho địa phương.
Theo ông Trương Tấn Sang, tốt nghiệp ra trường, các học viên phải có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức, lối sống lành mạnh, không tham nhũng, không để vợ con, gia đình và người thân, quen lợi dụng để mưu cầu lợi ích phi pháp, kể cả làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có trình độ lý luận chính trị sâu sắc, tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức rộng, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đồng thời, được nâng cao về tinh thần trách nhiệm và dũng khí đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, góp phần làm trong sạch bộ máy trong hệ thống chính trị, xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đội ngũ cán bộ đó có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách làm việc khoa học, gắn bó với nhân dân; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đấu tranh phê phán cái sai, phê phán những tư tưởng lệch lạc; bảo vệ cái đúng; rèn luyện đức tính khiêm tốn, cầu thị; chống tư tưởng chủ quan, tự mãn, xa dân, xem thường lợi ích của nhân dân; là những tấm gương trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Thường trực Ban Bí thư biểu dương những nỗ lực phấn đấu và kết quả đã đạt được của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố và yêu cầu cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, giáo trình, nội dung và phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; gắn lý luận với những vấn đề thực tiễn của đất nước, các địa phương.
Công tác quản lý giáo dục và đào tạo cũng cần được tăng cường; đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát huy tốt hơn vai trò của một trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị-hành chính...
Đồng thời, phải lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ và cơ quan trong sạch, vững mạnh về mọi mặt; xây dựng đội ngũ cán bộ của nhà trường có phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ, kiến thức khoa học, chuyên môn nghiệp vụ cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và cán bộ quản lý.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã báo cáo tổng kết năm học 2009-2010 và trình bày phương hướng, nhiệm vụ năm học mới.
Nhìn chung, quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Học viện đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện. Tuy nhiên, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chất lượng nghiên cứu khoa học chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của đất nước.
Học viện sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng Học viện thực sự là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, là trung tâm quốc gia về nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học hành chính và các môn khoa học xã hội nhân văn khác.
Theo TTXVN