221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1307381
Bầu bí thư tỉnh: Không bao cấp uy tín bất cứ ai
1
Article
null
Bầu bí thư tỉnh: Không bao cấp uy tín bất cứ ai
,

- Không nên chuẩn bị sẵn một danh sách để Đại hội bầu, vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của Đại hội.

>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI

Thực tiễn Việt Nam cho thấy người đứng đầu phải là người có tài trí, đức độ và bản lĩnh hơn người, có khả năng nắm bắt những vấn đề cơ bản nhất trong lĩnh vực chính trị - xã hội, có sức cảm hóa  và thu phục nhân tâm, dũng cảm và mưu lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến", quyền biến trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do yêu cầu của hoạt động thực tiễn đất nước đòi hỏi. 

Người đứng đầu xuất hiện trong phong trào cách mạng, bộc lộ tài năng xuất chúng, được quần chúng công nhận và suy tôn.

Nói cách khác, Đảng lãnh đạo mà tiêu biểu là người đứng đầu của Đảng, phải là người đại diện cho trí tuệ, lương tâm, danh dự, đạo đức và khí phách của dân tộc. Một con người như thế sớm muộn cũng sẽ xuất hiện bởi lịch sử đã có nhu cầu thì tất yếu nó đã hé lộ ra những khả năng giải quyết các yêu cầu ấy. Vấn đề là làm cách nào để những bậc hiền tài có thể xuất thân? Cứ theo cách của Cụ Hồ mà suy ngẫm, vận dụng. Đó là Đảng phải đặt lợi ích của toàn dân tộc lên trên hết và trong nội bộ Đảng phải thực hành dân chủ thật rộng rãi. 

Đủ điều kiện thực hành dân chủ trực tiếp

Đảng tin dân thì trước hết phải có niềm tin vào chính trí tuệ và bản lĩnh của toàn Đảng. Hồ Chí Minh đã từng nói việc nước là việc chung chứ không phải việc riêng của một người, một dòng họ, phe cánh, một địa phương, đơn vị. Đảng là của toàn thể đảng viên họp lại mà thành. Đảng là của đảng viên nhưng cũng là của dân tộc. Đại hội đại biểu đã là sự lựa chọn cẩn thận theo hình thức dân chủ đại diện của đại diện thông qua bầu đại biểu đi dự đại hội các cấp, từ cơ sở đến toàn quốc. 

Mô tả ảnh.
Các đại biểu dự đại hội đảng bộ huyện Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7/2010. Ảnh: LAD

Nếu nói một trong những điều kiện để thực hiện dân chủ là dân trí thì phải coi các đại biểu đã được bầu là sự chọn lựa, tập hợp tinh hoa trí tuệ của toàn Đảng và như vậy thật đã quá rõ ràng, Đảng đã có đủ điều kiện tối ưu để thực hành dân chủ trực tiếp ở cấp đại biểu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở đại hội đại biểu toàn quốc lần này.

Ban Tổ chức chính là Ban nhân sự của Đại hội , đó là cơ quan chuyên môn về tổ chức nhân sự, có đủ điều kiện để cung cấp cho Đại hội những thông tin cần thiết về các ứng viên vào những chức vụ của Đảng.

Không nên chuẩn bị sẵn một danh sách để Đại hội bầu vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của Đại hội. Cần sửa đổi một số quy định hiện hành trước khi bầu cử, trong đó quy định đại biểu có quyền tự do ứng cử, bầu cử và cách thức bầu cử là trực tiếp và bí mật. Người ứng cử hoặc được giới thiệu mà bản thân người đó không xin rút thì đều có trong danh sách bầu cử. 

Cần có sự ganh đua, vận động tranh cử bằng cách mỗi ứng viên phải tự tuyên bố, khẳng định tư cách của mình là không ham danh vọng, tiền bạc, không tư túng, thiên lệch... (như Hồ Chí Minh đã tuyên bố khi được giao thành lập chính phủ đầu tiên), có chương trình, kế hoạch hành động, giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém trong Đảng để chống các nguy cơ làm tha hóa bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Không tìm cách giảm bớt ứng viên

Mỗi ứng viên vào các chức vụ chủ chốt, nhất là chức bí thư phải báo cáo công khai, minh bạch tài sản hiện có của mình và của vợ con. Không nên hạn chế số người trong danh sách bầu các chức vụ chủ chốt của Đảng, nhất là không nên chỉ để một người trong danh sách bầu chức vụ bí thư (ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc).

Mô tả ảnh.
Đại hội thí điểm bầu trực tiếp Bí thư huyện Gia Lâm, Hà Nội, tháng 8/2010. Ảnh: LAD

Không nhất thiết phải tìm cách giảm bớt người trong danh sách bầu cử để tập trung phiếu bầu cho một số người, làm như vậy là mất dân chủ. Cũng cần bỏ quan niệm cũ cho rằng người được bầu phải trúng cử với 80-90%, thậm chí xấp xỉ 100% số phiếu mới là biểu hiện sự nhất trí cao của Đảng.

Tự do bầu cử, ứng cử mới chọn được người xứng đáng, mới làm cho người trúng cử có được sự đánh giá trung thực của Đảng về uy tín thực có của bản thân họ. Tuyệt đối không nên có cơ chế bao cấp về uy tín cho bất cứ ai. Uy tín là do mỗi người phấn đấu mà có được một chỉ số tín nhiệm nhất định của đảng viên và quần chúng. Uy tín cũng như đạo đức là sự bình đẳng trong đánh giá của cộng đồng, nó trao cơ hội đồng đều cho mọi đảng viên.

Tỷ lệ phiếu trúng cử còn là chỉ báo cho người được bầu để họ có ý thức hơn trong việc học tập và tu dưỡng bản thân, bớt đi sự tự huyễn hoặc về cái mà mình chưa hoàn thiện. Công khai, trung thực trong các thủ tục bầu cử là biểu hiện: "Đảng ta quang minh chính đại" như Hồ Chí Minh từng tuyên bố.

Đảng sinh ra, tồn tại và phát triển trong mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Có nhân dân mới có Đảng và Đảng mới có đối tượng lãnh đạo. Chính vì vậy, nhân dân cần được tham gia vào quá trình tổ chức, nhân sự của Đảng. Đây là việc làm mới nhưng cần thiết. 

Có thể và cần lấy ý kiến thăm dò chức vụ bí thư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong nhân dân bằng nhiều hình thức: điều tra xã hội học, lập hòm phiếu lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác. Cũng có thể lấy ý kiến của những người có uy tín xã hội như nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, các chức sắc tôn giáo, đại biểu dân tộc thiểu số... để cung cấp cho các đại biểu dự Đại hội có thêm thông tin trước khi quyết định bỏ phiếu bầu bí thư và các chức vụ chủ chốt khác của Đảng.

Bầu người đứng đầu của Đảng theo cách trên chắc chắn sẽ làm cho uy tín của Đảng tăng lên, làm cho nhân dân càng cảm thấy thân gần, gắn bó máu thịt với Đảng.

Mở rộng dân chủ trong Đảng như thế sẽ là đảm bảo chắc chắn rằng: Việt Nam không cần chế độ đa đảng.

  • Trần Đình Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,