- Chỉ đến buổi chiều, không khí hội nghị mới có phần "nóng" lên, khi các ý kiến thảo luận tỏ ra băn khoăn với kết luận "tươi sáng" của Chính phủ về việc bỏ HĐND huyện, quận, phường. Nói như đại diện của tỉnh Ninh Bình, "Chính phủ khẳng định các tỉnh thí điểm tốt mọi mặt như thế, không lẽ các tỉnh không thí điểm thì không tốt là tại HĐND huyện, quận, phường?".
>> Bỏ HĐND: Bộ trưởng bảo có, Chủ nhiệm nói không
11/9, ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND tại Hà Nội.
Tiết kiệm 85 tỷ đồng
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Được chú ý nhất là báo cáo tổng kết bước 1 việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên 10 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá của Chính phủ, "việc thực hiện thí điểm tạo được bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất - thông suốt - hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành của UBND, đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính".
Trong năm thí điểm, hoạt động tiếp công dân tại các huyện đã tăng 17,6%, các quận tăng 6,3%, các phường tăng 11%. Số kiến nghị, đề xuất trực tiếp của nhân dân và doanh nghiệp đến UBND huyện tăng 8,4%, đến UBND quận tăng 6%, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, quận đến UBND cùng cấp tăng lần lượt 37% và 23,1%. Điều đó chứng tỏ, "việc thí điểm không những không ảnh hưởng đến quyền dân chủ của người dân, mà còn tạo thuận lợi hơn cho nhân dân khi trực tiếp tham gia quản lý hành chính nhà nước".
Chính phủ cũng ước tính, chi ngân sách tiết kiệm được do không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố thí điểm là 85 tỷ đồng/năm (tính bình quân mỗi huyện giảm 370 triệu đồng, quận 445 triệu, phường 95 triệu).
Theo Chính phủ, việc khó khăn khi thực hiện thí điểm chỉ do 2 nguyên nhân: số biên chế HĐND cấp tỉnh vẫn giữ nguyên dù phải làm thêm nhiều nhiệm vụ mới, và việc thiếu một số quy định của pháp luật hướng dẫn.
Báo cáo cũng khẳng định, các tỉnh, thành phố thí điểm đề xuất sớm mở rộng việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong phạm vi cả nước.
Đồng thời, việc điều tra xã hội học ở TPHCM và Nam Định cho thấy đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ việc bỏ HĐND. Cụ thể, tại TPHCM, 70.37% ý kiến đồng ý không nên tổ chức HĐND huyện, quận, phường; còn tại Nam Định 51.6% ý kiến đánh giá tốt hơn trong khi chỉ có 1.9% ý kiến đánh giá kém hơn (37.9% đánh giá vẫn như cũ).
Buổi sáng trôi qua "êm đềm" khi những các ý kiến tham luận trình bày hoặc rất tổng quát như tham luận của Hà Nội: "Hoạt động của HĐND TP trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương", hoặc khá cụ thể như của Đăk Lăk, "Hoạt động của HĐND tỉnh trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn".
Hai thành phố lớn là TP.HCM và Đà Nẵng đều tái khẳng định những ưu điểm đã được Chính phủ đánh giá trước đó như bộ máy tinh gọn hơn, hoạt động của các cấp chính quyền linh hoạt - chủ động hơn, tiết kiệm thời gian công sức, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Thậm chí, Đà Nẵng còn đề xuất bỏ luôn HĐND xã.
Họ chạnh lòng nhưng đồng thuận
Chỉ đến buổi chiều, không khí hội nghị mới có phần "nóng" lên, khi các ý kiến thảo luận tỏ ra băn khoăn với kết luận "tươi sáng" của Chính phủ về việc bỏ HĐND huyện, quận, phường. Nói như đại diện của tỉnh Ninh Bình, "Chính phủ khẳng định các tỉnh thí điểm tốt mọi mặt như thế, không lẽ các tỉnh không thí điểm thì không tốt là tại HĐND cấp huyện/quận/phường?".
Bà Phạm Phương Thảo (phải): "Pháp luật sẽ bảo vệ dân". Ảnh: LAD |
Đại diện tỉnh Lào Cai trong tham luận cũng đề cập khá nhiều bất cập, như HĐND cấp xã không thể thường xuyên, dễ dàng xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thường trực HĐND cấp tỉnh (như trước đây vẫn xin ý kiến HĐND cấp huyện), nhất là trong công tác thẩm tra, giám sát.
Hoạt động tiếp xúc cử tri thật sự khó khăn, bởi với địa bàn miền núi, biên giới, ĐB HĐND tỉnh khó có thể về từng xã để tiếp xúc cử tri như ĐB HĐND huyện, nên phải tăng cường thời gian và bố trí nhiều điểm tiếp xúc, nhưng cử tri đến dự chủ yếu vẫn là cán bộ xã và một số người dân địa phương (cử tri đại diện) gần khu vực tiếp xúc, trong khi trình độ ĐB HĐND xã còn nhiều hạn chế, dẫn đến hầu hết ý kiến kiến nghị của cử tri ở cơ sở không được giải thích rõ ràng hoặc không chuyển đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Giờ giải lao buổi chiều trở thành thời gian để các ĐB trao đổi qua lại về việc nên hay không nên nhân rộng mô hình không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Đến mức sau giờ giải lao, ĐB Phạm Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TPHCM phải giơ tay xin phát biểu, dù buổi sáng ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố đã đại diện đoàn TPHCM trình bày tham luận.
Được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - thành viên Chủ tịch đoàn - "ưu tiên" cho phát biểu ngay, bà Thảo tha thiết khẳng định chủ trương thí điểm rất đúng, tình hình cũng chín muồi để quyết định nhân rộng ra. Theo bà Thảo, TPHCM và 9 địa phương còn lại thực hiện thí điểm khi HĐND quận, huyện phường đang hoạt động khá tốt, ĐB chuyên trách rất tâm huyết, "Chủ trương này tác động đến 924 cán bộ quận huyện trong đó có 68 ĐB chuyên trách, 6666 ĐB phường với 314 ĐB chuyên trách. Thử hỏi 7500 ĐB, trong đó có 382 ĐB chuyên trách có buồn, có chạnh lòng không? Xin thưa, họ có chạnh lòng, nhưng họ đồng thuận, bởi chúng ta thực hiện để tinh gọn bộ máy, thống nhất và thông suốt bộ máy chính quyền", bà Thảo nhẹ nhàng.
Đưa ra những ví dụ rất cụ thể như Phụ nữ quận 4 giám sát chuyên đề bảo hiểm y tế, huyện Hóc Môn không họp chính quyền vào sáng thứ 4 để dành thời gian tiếp dân..., bà Thảo khẳng định dù không còn HĐND huyện, quận, phường nhưng vẫn đảm bảo được tính dân chủ vì "nhiều cơ quan đại diện cho dân lắm, rồi pháp luật sẽ bảo vệ dân".
Quan sát hội trường khi bà Thảo phát biểu, dễ nhận thấy còn rất nhiều ĐB băn khoăn, thể hiện bởi những cái lắc đầu, những tiếng thầm thì to nhỏ.
Hội nghị sẽ tiếp tục làm việc sáng 12/9.
-
Khánh Linh