Thủ tướng Trung Quốc đã cảnh báo rằng, nước ông sẽ "có những hành động xa hơn" nếu Nhật Bản không lập tức thả thuyền trưởng tàu cá. Đây là vấn đề trung tâm khiến căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á ngày một gia tăng.
Tuyên bố của ông Ôn Gia Bảo đưa ra là phát ngôn đầu tiên của một trong những nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc về tranh cãi hai bên xung quanh vụ tàu cá Trung Quốc va chạm với hai tàu tuần tra Nhật Bản. Trước đó Bắc Kinh đã quyết định ngừng trao đổi cấp bộ với Tokyo. Trung Quốc cũng cho hay, ông Ôn Gia Bảo sẽ không gặp người đồng cấp Nhật Bản Naoto Kan tại cuộc họp LHQ ở New York tuần này.
Tân Hoa xã đưa tin, đêm qua (21/9), Thủ tướng Trung Quốc khẳng định, Nhật Bản "hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình hình cũng như sẽ gánh chịu mọi hậu quả".
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo Ảnh EPA
Một tàu cá Trung Quốc đã va chạm với hai tàu tuần tra Nhật Bản hai tuần trước đây ở gần quần đảo thuộc biển Hoa Đông mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền.
Nói về quyết định hoãn cuộc gặp của thủ tướng hai nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư nhấn mạnh với báo chí: "Không khí rõ ràng không thích hợp cho một cuộc gặp như vậy".
Những cuộc biểu tình phản đối Nhật đã diễn ra khắp Trung Quốc, tranh cãi hai bên giờ đây còn ảnh hưởng tới cả quan hệ văn hóa. Bắc Kinh đã hoãn kế hoạch mời 1.000 thanh niên Nhật Bản tới triển lãm Thượng Hải và nhóm nhạc pop Nhật SMAP cũng quyết định hoãn lịch trình biểu diễn ở Thượng Hải.
Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh là nền kinh tế số 2 và 3 của thế giới, nhưng cả hai đều có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ và cùng chung mối quan tâm không để tranh chấp ảnh hưởng tới quan hệ thương mại, kinh doanh sống còn.
Tới nay, căng thẳng chưa lên đến đỉnh cao như năm 2005, khi các cửa hàng, nhà hàng Nhật bị tấn công. Tuy nhiên, đã xuất hiện những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật tại Trung Quốc.
Tranh cãi lần này tập trung vào tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng quyết tâm - khi kinh tế phát triển, quân sự mở rộng - xác định sự hiện diện của họ trong khu vực. Bắc Kinh đã yêu cầu Tokyo thả ngay thuyền trưởng, cảnh báo có các biện pháp đáp trả nếu Nhật tiếp tục "tạo ra sai lầm sau sai lầm".
Nhật Bản trong khi đó không có dấu hiệu lùi bước, họ vừa cảnh báo chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc vừa thúc giục giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh. "Chúng ta nên thận trọng không nên kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi", Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshito Sengoku nhấn mạnh.
Mỹ cũng thúc giục hai bên giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp ngoại giao thích hợp.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, không nước nào muốn nhượng bộ khiến vấn đề trở nên khó giải quyết vì không bên nào muốn mất mặt. "Trung Quốc lo lắng rằng, nếu họ yếu thế trong vấn đề lãnh thổ, họ sẽ phải đối mặt với rào cản chỉ trích, có thể trở thành cuộc biểu tình phản đối chính phủ", Shinji Kojima, giáo sư nghiên cứu lịch sử Trung Quốc tại Đại học Tokyo nói.
Nền tảng của tranh chấp chính là sự hồ nghi về quyền tiếp cận các mỏ khí tự nhiên ở biển Hoa Đông cách đông bắc quần đảo Senkaku (tiếng Nhật) hay Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) khoảng 310km. Tiếp cận các mỏ khí tự nhiên sẽ đều có lợi cho quốc gia đang đói năng lượng Trung Quốc và đất nước nghèo tài nguyên Nhật Bản. Năm 2008, hai bên đã nhất trí cùng phát triển lớp trầm tích này.
Theo thỏa thuận, Nhật được phép đầu tư và chia sẻ lợi nhuận vào các hoạt động hiện tại của Trung Quốc tại mỏ Chunxiao mà Nhật gọi là Shirakaba. Nhật và Trung Quốc sẽ cùng phát triển các khu khai thác khác.
Thỏa thuận đánh dấu bước đột phá trong quan hệ Trung - Nhật. "Mỏ khí luôn là một phần và một mảng trong quan hệ hai nước", Sheila Smith, một chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại ở Washington nói. "Nhưng nếu cuộc tranh chấp lãnh thổ lần này không được giải quyết, nó có thể làm chệch hướng khả năng đàm phán hai bên trong việc tiếp cận cùng có lợi các nguồn dự trữ khí", bà cho biết.
Kể từ khi vụ va chạm tàu xảy ra, Nhật Bản đã phát hiện các tàu Trung Quốc chở thiết bị tới một trong số các mỏ khí, và ngày càng quan ngại rằng, Bắc Kinh có thể bắt đầu đơn phương thăm dò mỏ. Trả lời câu hỏi của Tokyo về động thái này, Trung Quốc nói họ mang thiết bị để "sửa chữa" một giàn khoan ở biển.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư tuyên bố, Trung Quốc có chủ quyền với toàn bộ mỏ Chunxiao và các hoạt động của họ tại đây là "hợp pháp và hợp lý".
Một số nhà phân tích dự đoán, Bắc Kinh có thể "kiểm tra" khả năng giải quyết tranh chấp của Đảng Dân chủ cầm quyền khá mới mẻ của Nhật. Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara, vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, khi tuyên bố, không nên có tranh chấp chủ quyền về quần đảo bởi đây là “một phần trọn vẹn của lãnh thổ Nhật”. "Vấn đề tranh chấp lãnh thổ không tồn tại trong khu vực này”, Maehara phát biểu trong buổi trò chuyện chính trị trên đài truyền hình NHK.
-
Thái An (Theo AP, Reuters)