Nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro nói với một phóng viên người Mỹ và một chuyên gia chính sách Mỹ - Cuba rằng, hệ thống kinh tế do nhà nước nắm giữ phần lớn của Cuba cần phải thay đổi.
>> Trung Quốc: Quản trị theo mô hình Mỹ hay là chết!
>> Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi cải tổ chính trị
Đây là lời bình luận hiếm hoi về vấn đề trong nước từ một người đã rời ghế lãnh đạo Cuba cách đây bốn năm.
Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro phát biểu trong một cuộc gặp gỡ với sinh viên tại Đại học Havana ngày 3/9. Ảnh: Reuters
Người em của cựu Chủ tịch Cuba là Raul Castro - hiện đảm nhận cương vị chèo lái đất nước đã từng đề cập tới vấn đề tương tự, nhưng với "linh hồn" của cuộc cách mạng Cuba năm 1959 thì đây lại là động thái khá bất ngờ.
Jeffrey Goldberg, phóng viên tạp chí Atlantic đã hỏi ông Castro rằng, liệu hệ thống kinh tế Cuba vẫn còn giá trị nhân rộng sang các quốc gia khác, và ông đã trả lời: "Mô hình Cuba thậm chí còn không hoạt động với chính chúng tôi".
Hiện chính phủ Cuba chưa bình luận gì về thông tin của Goldberg.
Julia Sweig, một chuyên gia nghiên cứu Cuba tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở Washington, người đi cùng Goldberg đã xác nhận lời nói của cựu Chủ tịch Cuba. Bà cho biết đã nhận thấy bình luận của ông Fidel trùng khớp với lời kêu gọi tiến hành cải cách của Chủ tịch Cuba Raul Castro.
"Có vẻ nó phù hợp với sự nhất trí chung trong đất nước, trong đó có cả quan điểm của ông Raul", Sweig nhấn mạnh.
Theo bà, vị cựu Chủ tịch Cuba 84 tuổi khá "thoải mái, hài hước, cởi mở".
Cựu Chủ tịch Castro đã trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho em trai từ tháng 7/2006 do vấn đề sức khỏe. Sau thời gian gần như "ở ẩn" suốt bốn năm, ông bắt đầu xuất hiện trở lại trong tháng 7 năm nay và hiện thường xuyên đề cập tới các vấn đề quốc tế.
Trong mô hình kinh tế của Cuba, nhà nước kiểm soát hơn 90% kinh tế, trả lương cho công nhân khoảng 20 USD/tháng, đổi lại họ được chăm sóc y tế, giáo dục miễn phí, và gần như không phải trả tiền nhà ở, đi lại. Nền kinh tế Cuba chịu ảnh hưởng nặng nề của lệnh cấm vận thương mại Mỹ tồn tại suốt 48 năm nay, lại thêm tác động của cuộc suy thoái toàn cầu.
Ở cương vị Chủ tịch Cuba, ông Raul Castro đã bắt tay vào quá trình cải cách kinh tế từng bước một và khuyến cáo người Cuba cần làm việc chăm chỉ hơn, ít trông chờ hơn vào chính phủ.
Cuộc gặp của ông Fidel Castro với Goldberg là buổi phỏng vấn duy nhất ông dành cho một phóng viên Mỹ kể từ khi rời cương vị lãnh đạo Cuba. Cũng trong cuộc trò chuyện này, theo Goldberg, cựu Chủ tịch Cuba đã hoài nghi về chính hành động của ông trong chương trình Tên lửa Cuba năm 1962 bao gồm cả việc ông kêu gọi các lãnh đạo Xô Viết sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ.
Sau bốn năm xuất hiện trở lại, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro trở thành biểu tượng của tinh thần chống lại vũ khí hạt nhân, thể hiện mối quan tâm đến tương lai toàn nhân loại. Ông bày tỏ lo ngại rằng, nếu Mỹ và Israel vẫn cố gắng thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Iran thì sẽ không tránh khỏi khả năng diễn ra một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc.
-
Thái An (Theo AP, Reuters)