Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga hôm nay sẽ tham gia lễ khánh thành hệ thống ống dẫn dầu đầu tiên giữa hai quốc gia khổng lồ này.
Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu mở đầu cho một kỷ nguyên hợp tác năng lượng mới và là một bước đi mang tính biểu tượng của quá trình “hướng đông” trong cân bằng sức mạnh kinh tế toàn cầu.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Medvedev dự kiến sẽ thảo luận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về các thỏa thuận hợp tác năng lượng hai nước. Ảnh: THX
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev dự kiến tham dự một buổi lễ ở Bắc Kinh, đánh dấu việc khánh thành của hệ thống ống dẫn đoạn ở Trung Quốc. Hệ thống này trải rộng từ Skovorodino ở phía đông Siberia tới Đại Khánh ở phía đông bắc Trung Quốc.
Đường ống dẫn đoạn tại Nga đã hoàn thành tháng trước. Như vậy, dầu Nga dự kiến sẽ bắt đầu chảy tới Trung Quốc vào cuối tháng này. Theo một thỏa thuận đổi dầu lấy tiền vay trị giá 25 tỉ USD, Trung Quốc sẽ nhận 300.000 thùng/ngày trong hai thập niên tới.
Việc hoàn tất hệ thống ống dẫn đã biểu trưng cho một giai đoạn mới trong quan hệ Nga - Trung Quốc. Hai nước giờ đây là nhà sản xuất dầu lớn nhất và nước tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới.
Nó cũng phản ánh một bước chuyển dịch theo hướng thắt chặt hơn quan hệ thương mại và chính trị giữa hai nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới sau những năm tháng bị bỏ lỡ. Giới phân tích cho rằng, dẫn dắt mối quan hệ ấy giờ đây là mong muốn của Nga khi chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ châu Âu – thị trường truyền thống - sang Trung Quốc và những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh tại châu Á. Còn về phần mình, Bắc Kinh thì muốn nâng cao an ninh năng lượng bằng cách đa dạng hóa nguồn và tuyến đường cung cấp.
Hệ thống ống dẫn mới dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng dầu xuất khẩu của Nga tới Trung Quốc mà hiện tại chủ yếu được vận chuyển qua tuyến đường sắt chậm chạp và đắt đỏ, đồng thời khiến Nga trở thành một trong ba nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc (cùng với Ảrập Xêút và Angola).
Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Medvedev dự kiến sẽ thảo luận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về một hợp đồng cung cấp khí đốt (Nga nói thỏa thuận này có thể hoàn thành vào năm tới) và một thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 5 tỉ USD tại thành phố Thiên Tân, phía đông Trung Quốc.
Tháng trước, Trung Quốc đã nhất trí cho Nga vay thêm 6 tỉ USD để đổi việc gia tăng nguồn cung than đá trong 25 năm tới.
Các thỏa thuận lớn trên đã gây ra ít nhiều quan ngại tại Nga rằng, Nga có thể không khác gì một nhà cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô cho Trung Quốc. Trong khi đó, một số chuyên gia tại Bắc Kinh lại lo rằng, Moscow có thể sử dụng đường ống dẫn mới như một công cụ trong chính sách ngoại giao - giống như họ từng dùng với hệ thống cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Cả hai nước đều còn ít nhiều những hoài nghị về mục đích dài hạn của bên còn lại, và Nga đặc biệt lo lắng về ảnh hưởng kinh tế cũng như ảnh hưởng của người di cư Trung Quốc tại khu vực viễn đông xa xôi, ít người ở nước này.
Tuy vậy, quan hệ chính trị Nga - Trung đã cải thiện nhanh chóng những năm gần đây với việc hai nước đã thực hiện các cuộc tập trận chung quy mô lớn từ năm 2005, giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài suốt bốn thập niên trong năm 2008. Giờ đây, hai bên còn chia sẻ những quan điểm chung về nhiều vấn đề bao gồm hợp tác an ninh Trung Á, thiết lập đồng tiền dự trữ toàn cầu thay thế đồng đô la, cải tổ các thể chế tài chính quốc tế.
Thương mại song phương đã gia tăng tới gần 60 tỉ USD năm 2008 từ mức 5 tỉ USD năm 2000 và dự kiến sẽ đạt tỉ lệ tương tự trng năm nay, sau khi sụt giảm trong năm 2009 vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, động lực đứng sau việc cải thiện quan hệ hai nước, chính là mối quan tâm đến lợi ích năng lượng. Hệ thống ống dẫn mới ra đời xuất phát từ mong muốn của Nga là “rời xa” thị trường châu Âu, một phần do những bất đồng chính trị trong thập niên qua, một phần là muốn nắm giữ thị phần của thị trường châu Á đang tăng trưởng từ tay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Với Trung Quốc, hệ thống dẫn dầu Đại Khánh là phù hợ với chiến lược đảm bảo các nguồn năng lượng mới, những tuyến cung cấp mới ngoài nguồn cung cấp dầu từ Trung Đông thông qua vận tải biển, tăng cường nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển kinh tế và giảm thiểu rủi ro khi con đường vận chuyển hàng hải bị phong tỏa.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng hệ thống dẫn dầu và khí qua Myanmar trong tháng này, và đang xem xét xây dựng một tuyến dẫn dầu qua Pakistan.
Tháng trước, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã tóm tắt ý nghĩa của hệ thống dẫn dầu Nga - Trung trong buổi lễ khánh thành đoạn dẫn ở Nga dài 2.100km. "Với Trung Quốc, đây là nguồn cung ổn định đảm bảo cân bằng năng lượng đất nước, và với chúng tôi là mở lối ra tới một thị trường mới hứa hẹn, và trong trường hợp này, là thị trường Trung Quốc”.
-
Thụy Phương (Theo Wsj)