- Tokyo bác bỏ yêu cầu xin lỗi từ Bắc Kinh sau khi đã thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Trung Quốc lặp lại yêu cầu đòi Nhật xin lỗi và bồi thường sau vụ va chạm tàu xảy ra ở gần quần đảo tranh chấp.
Giới phân tích cho rằng, căng thẳng Trung - Nhật không hề giảm đi mà bắt đầu bước sang một giai đoạn mới cùng những hậu quả khôn lường với sự ổn định trong khu vực.
Tại Nhật Bản, các chính khách đối lập và giới truyền thông kịch liệt phản đối chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan sau quyết định thả tự do cho thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng - người mà trước đó cơ quan điều tra Nhật cho rằng đã cố tình đâm vào hai tàu tuần tra Nhật khi nhận được yêu cầu dừng lại ở gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước. Người phê bình cáo buộc cách hành xử của chính phủ Nhật đã thể hiện sự yếu đuối và không chịu nổi áp lực từ phía Trung Quốc.
Theo giới phân tích, tranh cãi về vụ va chạm tàu có nguyên nhân sâu xa là chuyện chủ quyền ở một khu vực giàu khí đốt. Ảnh: Getty Images
Đã xuất hiện phản ứng cực đoan của một nhóm các nhà hoạt động cánh hữu Nhật Bản. Hôm chủ nhật, một thanh niên 20 tuổi bị bắt giữ sau khi dường như đã ném pháo sáng vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Nagasaki.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, báo chí theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc được dịp đổ dầu vào lửa. Hoàn cầu Thời báo trích ý kiến của một học giả chính trị Trung Quốc ở Đại học Phúc Đán rằng, vụ va chạm tàu là một phần của cuộc vật lộn chứng tỏ uy quyền. Ông này viết, một Trung Quốc phát triển mạnh mẽ về kinh tế cuối cùng đã giành lợi thế trước một Nhật Bản ì trệ cả về chính trị và quân sự.
Còn Nhân dân Nhật Báo thì bình luận: "Những tổn hại trong quan hệ Trung - Nhật một lần nữa phản ánh sự hiểu lầm nghiêm trọng của Nhật trong hành xử với Trung Quốc”. Thời báo Hoàn cầu thì nhấn mạnh, dù cuộc khủng hoảng được giải quyết, nhưng Trung Quốc vẫn nên áp dụng biện pháp trừng phạt chống lại Nhật Bản sau đó.
Vụ va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần tra Nhật Bản ở gần quần đảo mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền gọi là Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) hay quần đảo Senkaku (theo tiếng Nhật). Theo giới phân tích, những tranh cãi về vụ va chạm có nguyên nhân sâu xa là chuyện chủ quyền ở một khu vực giàu tài nguyên khí đốt.
Trung Quốc hôm thứ bảy đã yêu cầu Nhật xin lỗi về vụ việc này, đồng thời cảnh báo, hàng loạt hành động mà nước này đưa ra trong gần ba tuần lễ nay nhằm chống lại Nhật Bản - từ ngừng trao đổi cấp cao đến thương mại - có thể không hề giảm bớt. "Trung Quốc dĩ nhiên có quyền yêu cầu Nhật Bản xin lỗi và bồi thường”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản lập tức đáp lời bằng tuyên bố khá cứng rắn: “Yêu cầu xin lỗi và bồi thường từ phía Trung Quốc là vô căn cứ và hoàn toàn không thể chấp nhận được với Nhật Bản”.
Và, một quan chức Mỹ đã đưa ra bình luận: “Nhật Bản đã làm những gì quan trọng để ngăn chặn sự việc đi quá mức, và hành động khá trách nhiệm. Chúng tôi không hiểu Trung Quốc muốn tìm kiếm điều gì nữa”.
Vụ va chạm tàu đã khiến Trung Quốc 6 lần triệu tập đại sứ Nhật Bản để thể hiện sự phản đối. Về phần mình, đại sứ Nhật Bản Uichiro Niwa cũng như tân Ngoại trưởng nước này, Seiji Maehara, luôn khẳng định, Nhật sẽ giải quyết vụ bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc theo quy định của luật pháp nội địa.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đêm 21/9 đã cảnh báo, nước ông sẽ "có những hành động xa hơn" nếu Nhật Bản không lập tức thả thuyền trưởng tàu cá, rằng Nhật Bản "hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình hình cũng như sẽ gánh chịu mọi hậu quả", và không có kế hoạch gặp riêng người đồng cấp Nhật Bản Naoto Kan bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York.
Ngày 23/9, Tân hoa xã đưa tin, Trung Quốc đang điều tra bốn người Nhật Bản tình nghi do đi vào một khu quân sự và quay phim trái phép các mục tiêu quân sự. Hãng này không đề cập trực tiếp việc bốn người bị bắt giữ, nhưng ngôn từ họ sử dụng bóng gió rằng, những người này đã bị tạm giam.
Ngày 24/9, công tố viên Nhật Bản tuyên bố sẽ trả tự do cho thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc, sau khi xét thấy việc bắt giữ người này gây tổn hại đến quan hệ hai nước. Và ngay ngày hôm sau, thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng đã an toàn về đến Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến sau một thời gian bị bắt giữ.
Những ngày sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ngày 7/9, phản ứng của người dân Nhật được coi là “nhẹ nhàng” hơn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định thả Chiêm Kỳ Hùng đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ với chính quyền thành lập được ba tháng của ông Kan, làm dấy lên nhiều hoài nghi mới về khả năng của đảng Dân chủ cầm quyền tại Nhật trong việc giải quyết những sóng gió ngoại giao về tranh chấp trên biển.
Các công tố viên Nhật ra quyết định thả thuyền trưởng tàu cá với tuyên bố: "Ảnh hưởng của người dân trong nước và tương lai quan hệ Nhật - Trung được cân nhắc”. Quan chức chính phủ Nhật đã phủ nhận gây ảnh hưởng chính trị đến quyết định của công tố viên. Nhưng báo chí địa phương khẳng định điều ngược lại. Tờ Mainichi Shimbun bình luận, thật kỳ lạ khi công tố viên đề cập tới “xem xét ngoại giao” với quyết định thả thuyền trưởng Trung Quốc và điều này đi ngược với quan điểm của chính phủ là, vấn đề cần được giải quyết theo luôn khổ luật pháp.
Một số chuyên gia Trung Quốc nói rằng, Nhật Bản có quan điểm cứng rắn khác thường đối phó với Bắc Kinh và trì hoãn thả Chiêm Kỳ Hùng là do sự khuyến khích từ Mỹ, nhằm ngăn chặn sự quả quyết ngày một gia tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ có ý kiến khác nhau về việc Trung Quốc nên phản ứng thế nào. Một số người kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Nhật, số khác lại chủ trương một cách tiếp cận ít đối đầu hơn trong chính sách ngoại giao, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ.
Hôm qua (27/9), trong cuộc họp báo buổi sáng, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshito Sengoku nói với báo giới: "Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho những thiệt hại xảy ra đối với các tàu phòng vệ bờ biển". Ông nhấn mạnh, yêu cầu này đã được chuyển tới Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao.
Cùng ngày, một số công ty vận chuyển cho hay, hải quan Trung Quốc ở nhiều thành phố đã thắt chặt kiểm tra hàng hóa giao dịch giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong những ngày gần đây. Theo các hãng vận tải ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Tokyo, hải quan Trung Quốc từ tuần trước đã mở rộng kiểm tra hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ Nhật - một số trường hợp lên tới 100% lượng hàng. Trong khi thông thường, họ chỉ kiểm tra một mẫu nhỏ hàng hóa giao dịch, khoảng 10%.
Những diễn biến mới nhất một lần nữa khẳng định quan hệ Trung - Nhật chưa hề có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng khi áp lực dân tộc chủ nghĩa trong nước cũng như chính sách ngoại giao "không muốn bị mất mặt" đè nặng lên giới lãnh đạo hai bên.
-
Thái An