Từ 11-13/4/2007, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thực hiện chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Nhật Bản trong vòng bảy năm, các đại diện Trung Quốc khi ấy cho rằng, chuyến thăm của ông Ôn Gia Bảo là một nỗ lực góp phần làm tan băng trong quan hệ Trung - Nhật.
>> Tại sao tranh chấp Nhật - Trung tổn hại cho cả hai?
Chính phủ Trung Quốc từng ngừng các cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao với lãnh đạo Nhật Bản bên ngoài khuôn khổ họp đa phương nhằm phản đối các chuyến viếng thăm hàng năm tới đền Yasukuni gây nhiều tranh cãi của Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Vụ va chạm giữa chiếc tàu cá này của Trung Quốc với hai tàu tuần tra Nhật Bản khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng. Ảnh: BBC
Trong chuyến thăm Nhật, Thủ tướng Trung Quốc đã cam kết để biển Hoa Đông trở thành “biển của hoà bình, hợp tác và hữu nghị”. Không lâu sau tuyên bố, vào tháng 7/2007, lãnh đạo lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản và cơ quan Quản lý đại dương của Trung Quốc đã thiết lập đường dây nóng giữa hai tổ chức. Tháng 6/2008, Trung Quốc và Nhật Bản cuối cùng đã nhất trí về một dự án phát triển chung, nằm trong khu vực 2.700km phía nam khu khai thác Longjing Field, và coi đây như một giải pháp cho tranh chấp hai bên. Tuy nhiên, dự án không có nhiều tiến triển.
Nên đổ lỗi cho ai? Quan chức Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc vi phạm bằng việc đơn phương khoan tìm khí tự nhiên. Trung Quốc phủ nhận việc này và ngừng các vòng đàm phán song phương tiếp theo tại vùng hàng hải tranh chấp.
Nguy cơ căng thẳng leo thang tiếp tục lên cao khi chính phủ Nhật Bản phản đối việc tàu của cơ quan Quản lý đại dương Trung Quốc đã nỗ lực chặn tàu của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong hoạt động thăm dò đại dương cách tây bắc đảo Okinawa 280km.
Vấn đề tìm ra một giải pháp trở nên khó khăn khi thực tế không một chính phủ nào muốn “hạ mình” trước các khán giả trong và ngoài nước. Hơn nữa, nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hầu như lo lắng về việc nhượng bộ tại biển Hoa Đông sẽ ảnh hưởng tới vị trí của họ trong các vùng tranh chấp khác.
Bằng chứng là vào tháng 4/2005, nhóm người biểu tình phản đối Nhật Bản tại Trung Quốc đã kêu gọi việc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Thời điểm đó, Trung Quốc coi đó là biểu tình tự phát và ở mức dân thường nên cho phép họ tiếp tục. Tuy nhiên, một số nhà quan sát tin rằng, thực tế không phải vậy. Dĩ nhiên, cuối cùng người biểu tình đã giải tán vì lợi ích ổn định xã hội.
Lần này, sự việc có tái diễn? Tới thời điểm này, có vẻ không như thế với việc chính phủ Trung Quốc dường như mong muốn kiềm chế tốt hơn các hành động phản đối (bằng thông báo sẵn sàng gia tăng lực lượng bảo vệ quanh đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh).
Đáng nói là, mặc dù Trung Quốc thích nhìn thấy lúc ông Koizumi rời nhiệm sở, thì sự ủng hộ yếu ớt dành cho những người kế nhiệm ông đã cản trở các cuộc thương lượng về các đảo tranh chấp.
Và không chỉ tranh chấp các đảo, căng thẳng trở lại với việc Nhật Bản ngày càng quan ngại trước sự phát triển năng lực quân sự của Trung Quốc. Thậm chí dưới sự lãnh đạo mới của đảng Dân chủ Nhật Bản (nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm ngoái) cùng cam kết cải thiện quan hệ với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo an ninh Nhật Bản đã nhận thấy quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm năng và kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn trong các chương trình quốc phòng.
Và, giữa lúc xảy ra tranh chấp các đảo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát hành Sách trắng Quốc phòng hàng năm, với các tiếp cận chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn trước. Ví dụ, sách nhấn mạnh, trong khi ngân sách quốc phòng của Nhật giảm trong suốt thập niên qua, thì chi tiêu quân sự Trung Quốc lại gần gấp bốn lần cùng kỳ, và lực lượng vũ trang của Trung Quốc gấp 10 lần so với Nhật Bản, mặc dù quy mô kinh tế hai nước tương đối ngang bằng.
Ngoài sự chênh lệch về mức chi tiêu và khả năng, báo cáo còn cảnh báo rằng “Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ các hoạt động hàng hải bao gồm cả ở những vùng biển gần Nhật Bản”. Báo cáo cho rằng “Trung Quốc thiếu minh bạch trong các chính sách quốc phòng quốc gia, các hoạt động quân sự của nước này là vấn đề đáng lo với khu vực và cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”.
Trong nhiều trường hợp, có thể dự đoán rằng, áp lực kinh tế với cả hai quốc gia sẽ giải quyết nhanh chóng bất đồng của họ. Bất chấp nhiều khác biệt, quan hệ kinh tế Trung - Nhật vẫn phát triển mạnh mẽ. Thương mại song phương hai nước đạt 149,2 tỉ USD nửa đầu năm nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Trong khi Trung Quốc mua gần 20% lượng hàng xuất khẩu của Nhật, Nhật cũng là nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu tại Trung Quốc.
Điều quan ngại là, mối quan hệ kinh tế này có thể tiếp tục phát triển trong bao lâu. Tranh chấp sẽ trở nên khó giải quyết hơn, có thể đe dọa quan hệ kinh tế ngày một sâu sắc của hai nước. Và, sẽ không một nền kinh tế nào muốn chứng kiến những gì vừa xảy ra khiến mối quan hệ xuyên biển Hoa Đông trở nên căng thẳng.
-
Thái An (Theo the-diplomat)