- Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 tại phiên họp sáng nay (30/10), Ủy ban Tư pháp Quốc hội muốn làm rõ thực trạng án treo tội tham nhũng chiếm tỷ lệ cao tại một số địa phương, trong đó căn cứ cho hưởng án dựa vào yếu tố “nhân thân tốt”.
>> Băn khoăn từ… “nhân thân tốt”
Cấp to tham nhũng to?
Chủ nhiệm Ủy ban, bà Lê Thị Thu Ba cho hay số bị cáo phạm tội tham nhũng bị tòa án phạt tù nhưng cho hưởng án treo là 166/479 bị cáo đưa ra xét xử. Đáng chú ý, việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo tại một số địa phương còn chiếm tỷ lệ cao như Cà Mau là 72%, Phú Thọ 69,23%, Lâm Đồng 68,2%, Hà Nội 63%.
“Đây là vấn đề cần được làm rõ về quan điểm xử lý và việc áp dụng pháp luật đối với những người có hành vi tham nhũng, nhất là căn cứ vào việc bồi thường, khắc phục hậu quả của người tham nhũng để đình chỉ điều tra, xử lý nội bộ và căn cứ vào nhân thân tốt để cho hưởng án treo”, bà Thu Ba nói.
Bà cho hay trong 3 năm trở lại đây, không ít vụ tham nhũng đã khởi tố, sau đó đình chỉ điều tra mà lý do chủ yếu là người vi phạm đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, có nhân thân tốt nên không xử lý hình sự mà chuyển xử lý hành chính. Chẳng hạn vụ ông Võ Nhật Duy - Tổng giám đốc Công ty cao su Sơn La nhận hối lộ trên 300 triệu đồng, sau 3 ngày tạm giữ cơ quan điều tra đã tạm tha ông Duy với lý do có văn bản bảo lãnh của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý thực trạng tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở, số bị can bị khởi tố là cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ cao trên tổng số bị can bị khởi tố, với số tiền chiếm đoạt không nhiều. Trong khi đó, số người phát hiện được và bị khởi tố cấp trung ương rất ít nhưng với những vụ bị phát hiện, xử lý thì số tiền chiếm đoạt lại rất lớn.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nêu vụ việc điều chỉnh dự thảo Quy hoạch Thủ đô và đặt dấu hỏi về biểu hiện cục bộ trong việc bảo vệ lợi ích của một nhóm người. Ảnh: VNN |
Móc nối để tham nhũng
Nhận định về tình hình tham nhũng năm 2010, Chính phủ cho hay “tham nhũng tuy có giảm nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi hơn”. Nghiêm trọng nhất vẫn là tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý tài sản công. Tồn tại chủ yếu, theo Chính phủ, đó là việc chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng hiệu quả chưa cao.
Cơ quan giám sát, thẩm tra cũng cho hay phát hiện tham nhũng nổi lên trong các lĩnh vực đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, cấp phát vốn, quản lý và sử dụng đất đai, cấp phép xây dựng đô thị…, có sự móc nối, câu kết giữa đối tượng trong nội bộ cơ quan, doanh nghiệp với các đối tượng ngoài xã hội để thực hiện hành vi phạm tội, dưới những phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó đã phát hiện một số vụ tham nhũng lớn.
Khẳng định Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã “cố gắng thực hiện giải pháp chống tham nhũng, có những kết quả quan trọng”, song bà Thu Ba nhấn mạnh: Các vụ tham nhũng được phát hiện và khởi tố điều tra có xu hướng giảm, trong khi tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng, diễn biễn phức tạp và chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Góp ý báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nêu vụ việc điều chỉnh dự thảo Quy hoạch thủ đô vừa qua khiến nhiều người dân đứng ngồi về giá đất lên xuống tại khu vực Ba Vì. Ông muốn xem xét ý kiến như Ủy ban Tư pháp đưa ra, đó là có dư luận xã hội băn khoăn về tính khách quan trong việc tham mưu xây dựng và hoạch định các chính sách, pháp luật và cho rằng có biểu hiện cục bộ trong việc bảo vệ lợi ích của một nhóm người.
-
Xuân Linh