- Đại biểu tỉnh Đắk Lắk lo nếu đổi sang hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng trước 1/7/2003 sẽ ảnh hưởng đến “tư tưởng, tâm tư” của hơn 1,6 triệu viên chức.
>> Đề xuất hơn 1,6 triệu viên chức ra khỏi biên chế
Y tế, giáo dục ảnh hưởng
Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã đưa ra một đề xuất liên quan đến “số phận” của hơn 1,6 triệu viên chức cũ, đó là bỏ biên chế, đổi sang thực hiện hình thức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Nội dung này nằm trong quy định chuyển tiếp đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003.
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu cho rằng không cần thiết phải tổ chức ký lại hợp đồng với các viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003. Ảnh: Hoàng Long |
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho hay trong quá trình thẩm tra, có ý kiến không tán thành với việc các viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 không phải ký hợp đồng làm việc vì cho rằng quy định này tạo sự không bình đẳng và phân biệt đối xử trong cùng một đơn vị sự nghiệp công lập, làm giảm ý chí phấn đấu của viên chức, đồng thời gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết tranh chấp về quan hệ lao động, khiếu nại....
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng không cần thiết phải tổ chức ký lại hợp đồng với đội ngũ này.
“Tôi thấy việc ký này không cần thiết bởi vì việc ký không làm thay đổi gì, không làm thay đổi vị trí công tác của đội ngũ cán bộ công chức, cũng không thể loại bớt đội ngũ công chức này đi được. Tôi nghĩ việc ký sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm tư của những cán bộ, công chức này”, ông nói.
Chỉ ra hai lĩnh vực sẽ nảy sinh phức tạp là y tế và giáo dục, đại biểu cho rằng: “Không không dễ gì khi chúng ta tuyển dụng được giáo viên hoặc cán bộ y tế từ cơ sở trở lên, thực tế làm rất chặt chẽ, bây giờ chỉ chuyển tiếp và công nhận cho họ là viên chức vẫn hoạt động bình thường, không cần thiết phải ký hợp đồng lại, bởi vì ký hợp đồng lại sẽ ảnh hưởng tư tưởng, tình cảm của đội ngũ cán bộ công chức này và thêm tốn kém về mặt thời gian, tiền bạc, tổ chức thực hiện như thế nào? Không khéo làm như thế sẽ nảy sinh những vấn đề khác từ việc ký hợp đồng này”.
Lương trả theo việc làm: Chấn động lớn?
Dự thảo luật cũng quy định viên chức sẽ được trả lương theo vị trí nhiệm vụ chứ không phải theo ngạch, bậc như trước. Theo đó, viên chức là người "được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng làm việc, được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập".
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị "xem lại định nghĩa viên chức theo chức danh, nghề nghiệp nhưng trả lương lại trả theo hệ thống việc làm thì như thế nào?". Ông đồng thời cho rằng nếu chuyển lương từ hệ thống chức danh nghề nghiệp sang việc làm có thể là cải cách lớn nhưng sẽ gây "chấn động rất lớn" trong các cơ quan và các đơn vị sự nghiệp hiện nay.
Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cũng nói viên chức đang được trả lương theo chức danh nghề nghiệp, còn vị trí việc làm chỉ thêm phần phụ cấp nếu như viên chức đó giữ chức vụ quản lý. Mặc dù ban soạn thảo dự trù luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, tuy nhiên trong 1 năm, rất khó chuyển đổi tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn sang đơn vị được giao quyền tự chủ hoàn toàn.
Do đó, nếu thay đổi cách trả lương theo vị trí việc làm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của một bộ phận không nhỏ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.
Cũng theo đại biểu, quy trình tuyển dụng nên theo hướng bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phải được thực hiện trước rồi mới ký hợp đồng làm việc. Tiền lương phải căn cứ vào chức danh nghề nghiệp, còn vị trí việc làm sẽ được hưởng các khoản tiền thưởng, tiền đãi ngộ khác tùy theo khả năng của từng đơn vị sự nghiệp công lập. Có như vậy mới bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa các viên chức.
Băn khoăn "viên chức Việt kiều"
Người Việt Nam định cư nước ngoài có nên được tuyển dụng làm viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập là nội dung từng gây nhiều tranh luận trong quá trình soạn thảo cho đến khi họp UBTVQH. Tại phiên họp Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng không nên "bế quan tỏa cảng", phải "cởi mở", đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng đồng tình "không nên nặng nề" với việc tuyển dụng thành phần nói trên làm viên chức và nên coi trọng hiệu quả công việc, năng lực của cá nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn câu chuyện báo chí đưa tin vừa qua Hàn Quốc cung cấp hộ chiếu vàng cho công dân nước ngoài để ở lại phục vụ cho đất nước của họ trong những lĩnh vực, ngành nghề mà họ cần phải ưu tiên để thu hút nhân tài. Việt Nam có 14 học sinh, tiến sĩ được cấp hộ chiếu vàng đó để ở lại Hàn Quốc phục vụ. Ông Lưu so sánh trong trường hợp Việt Nam không tạo điều kiện cho ngay chính công dân của mình ở nước ngoài sẽ là "lãng phí".
Theo ông, với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có thể tạo điều kiện để thu hút họ làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập với những điều kiện, lĩnh vực, đơn vị do Chính phủ quy định.
"Chốt" ý kiến của cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập, do vậy không thể có viên chức làm việc thường xuyên tại Việt Nam mà định cư ở nước ngoài.
Trong trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam thì có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp đồng hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chuyển môn, chuyển giao công nghệ....
-
Xuân Linh