- Phân tích nguyên nhân dẫn đến sai phạm ở Vinashin, Chính phủ đánh giá, các chức danh chủ chốt ở tập đoàn này đều tập trung vào một người. "Trong những năm gần đây, người này đã trở nên độc đoán, gia trưởng”, Chính phủ nhìn nhận
Ngày 19/10, Chính phủ đã gửi bản báo cáo 18 trang tới ĐBQH, trong đó hơn một phần ba lược thuật lại sự hình thành của tập đoàn và những thành tựu đóng góp cho ngành đóng tàu Việt Nam.
Ảnh:TTO
Khi điểm lại khó khăn, yếu kém, Chính phủ cũng không quên phân tích nguyên nhân khách quan đến từ phía cuộc suy thoái tài chính toàn cầu.
"Nội bộ" đồng tình với sai trái
Về phía chủ quan, Chính phủ cho rằng, vì công tác dự báo còn nhiều bất cập, nên việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác.
Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay, nhiều dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi. Phần lớn dự án chỉ được bố trí chưa đến 50% tổng vón.
"Khi tập đoàn kiến nghị cho mua tàu cũ vận chuyển hành khách Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ không đồng ý và chỉ cho chủ trương là thực hiện đóng mới. Việc tập đoàn mua tàu cũ (Hoa Sen) là cố ý làm trái với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về đầu tư”, Chính phủ kiểm điểm. Ngay khi được tin Vinashin chuẩn bị mua chiếc thứ hai, Chính phủ đã lập tức "thổi còi" tạm ngừng và kiểm điểm việc mua tàu cũ.
Cùng với đó là tình trạng đầu tư dàn trải, cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay trong khi đây là đơn vị làm ăn kém hiệu quả, không trả được nợ.
Để giải quyết, tập đoàn phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư.
Kết quả, năm 2009 tập đoàn kinh doanh thua lỗ tới 1.600 tỷ đồng, năm 2010 sẽ tiếp tục thua lỗ, trong bối cảnh đến tháng 6/2010, tổng số nợ của tập đoàn đã là 86 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ nhìn nhận mô hình tập đoàn đang triển khai thí điểm, nhưng ở Vinashin trong thời gian dài (từ khi còn là tổng công ty) tập trung các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Tập đoàn, Tổng giám đốc vào một người.
Trong khi đó, Đảng ủy, Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát, các phó tổng giám đốc yếu kém, đấu tranh, không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao về lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, ngược lại còn đồng tình với những việc làm sai trái của người đứng đầu tập đoàn.
Việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ với tập đoàn còn lúng túng. Bộ Giao thông Vận tải chưa phát hiện kịp thời những yếu kém trong hoạt động và cố ý làm trái của tập đoàn để chủ động, đề nghị các cơ quan chức năng và báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý.
Chính phủ cũng thừa nhận việc lập DN, đầu tư cũng như quản lý sử dụng vốn, chọn cán bộ vẫn còn bất cập, sơ hở. Dù trong ba năm có 11 cuộc thanh tra, kiểm toán, giám sát vậy nhưng lãnh đạo tập đoàn đã không hề nghiêm túc chấp hành.
Tập đoàn báo cáo sai, nên quản lý nhà nước không theo kịp
Đã như vậy, “các bộ chức năng được giao trách nhiệm đã không phát hiện được việc tập đoàn báo cáo không trung thực”.
Nhiều năm liền Vinashin báo cáo không trung thực về sử dụng vốn, về đầu tư và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2009 lỗ 1.600 tỷ đồng nhưng lại báo cáo lãi 750 tỷ đồng, quý 1 năm 2010 thua lỗ vẫn báo cáo lãi gần 100 tỷ đồng.
“Khuyết điểm này của lãnh đạo tập đoàn làm cho cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không phù hợp, không kịp thời”, Chính phủ nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ở dưới phần nhận định về việc báo cáo không trung thực, Chính phủ lại liệt kê rất rõ những động thái kiểm soát "liên tục nhắc nhở, liên tục theo sát".
Chính phủ khẳng định "ngay từ năm 2006 khi tập đoàn đang phát triển tốt, Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động vốn, đầu tư hiện đại hoá nâng cấp đóng mới tàu biển".
Như Chính phủ nhận định thì trong các năm vừa qua đã liên tục cắt giảm các dự án không cấp thiết, thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần để tháo gỡ khó khăn. Nào bổ sung vốn điều lệ, rút vốn từ ngân hàng, bảo hiểm, cho phát hành trái phiếu trong nước, vay lại trái phiếu CHính phủ, giám sát tài chính...
Thậm chí "từ 2008 đến nay khi tập đoàn bộc lộ khó khăn, Thủ tướng liên tục yêu cầu theo sát chỉ đạo và ngăn chặn sai phạm". Rồi, Thủ tướng cũng đã lập Tổ công tác liên ngành đề xuất nhiều giải pháp. Đầu năm 2010 thanh tra toàn diện và đến giữa năm bắt tay vào việc tái cơ cấu.
"Thường trực Chính phủ yêu cầu tập đoàn rút kinh nghiệm sâu sắc khi để rơi vào tình trạng này", báo cáo đánh giá.
Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp QH sáng nay, Thủ tướng đã nhận "trách nhiệm của Chính phủ" về các sai phạm của Tập đoàn.
Kế hoạch để vay mới
Sau khi đánh giá những hạn chế, yếu kém, Chính phủ khẳng định, đang chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tái cơ cấu.
Chẳng hạn, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu với DN có vốn nhà nước. Khi chưa kịp sửa đổi quy định hiện hành, Thủ tướng đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo Chính phủ khi quyết định những vấn đề hệ trọng như việc vay vốn ở nước ngoài phải có ý kiến thẩm định của bộ quản lý và bộ tài chính.
Tiến hành khẩn trương, quyết liệt giải pháp tái cơ cấu, sớm ổn định sản xuất, củng cố uy tín, thương hiệu tập đoàn. "Cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư chung của đất nước".
Trước mắt, thu hẹp phạm vi sản xuất kinh doanh, cắt giảm đầu tư, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tập trung sức để duy trì ngành đóng, sửa chữa tàu. Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, cố gắng đảm bảo tối đa việc làm, đời sống cho người lao động.
Liên quan đến những sai phạm vừa qua, Chính phủ cho hay, đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những người vi phạm.
"Tập đoàn đã lên phương án đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tín dụng về việc tái cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ và kế hoạch vay mới", Chính phủ khẳng định.
Theo đó, đang khẩn trương đàm phán để duy trì các hợp đồng dở dang, đã xây dựng phương án sắp xếp, giảm đầu mối DN thành viên để tập trung đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ, đào tạo...
Đến 2012 sau khi tái cơ cấu sẽ còn khoảng 60 DN thành viên. Các DN còn lại sẽ được xử lý dưới các hình thức chuyển nhượng vốn, bán, sáp nhập, giải thể phù hợp.
Chính phủ cũng sơ lược một số "thành tựu" sau ba tháng tái cơ cấu, chẳng hạn, bàn giao được 5 tàu đóng mới, từ nay đến cuối năm sẽ bàn giao thêm 35 tàu khác. Hơn 1.000 công nhân nghỉ việc ở Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã trở lại làm việc. Đến tháng 1/2011 sẽ hạ thuỷ được tàu chở dầu 104.000 tấn.
Định kỳ đánh giá lãnh đạo
Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, như "chiến lược phát triển kinh doanh 5 năm và hàng năm của các tập đoàn kinh tế phải được cơ quan chủ sở hữu cấp trên và cơ quan quản lý thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát".
Việc giao quyền tự chủ cho tập đoàn là cần thiết nhưng phải đảm bảo hoàn thiện pháp luật vè huy động vốn, đầu tư, tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ.
Bố trí đủ mạnh Hội đồng quản trị, ban kiểm soát đủ năng lực, đặc biệt Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc định kỳ đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy lãnh đạo DN.
"Quy định rõ hơn nhiệm vụ và trách nhiệm các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các bộ có chức năng quản lý nhà nước trong kiểm tra, đánh giá. Giao cho một đầu mối thống nhất thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với DN ở bộ, địa phương. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế và tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của DN, nhất là việc huy động, sử dụng vốn vay", Chính phủ khẳng định.
-
Lê Nhung