221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1312547
"Chuẩn mực chính là sự thay đổi"
1
Article
null
'Chuẩn mực chính là sự thay đổi'
,

- Cương lĩnh phát triển đất nước phải được kiểm nghiệm bằng chính cuộc sống đang diễn ra, chứ không phải bằng những giáo điều đã học thuộc lòng - GS Tương Lai.

>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI

LTS: Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam gửi tới VietNamnet góp ý dự thảo Cương lĩnh. Là một học giả uy tín, từng là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, ông được biết tới với nhiều bài nghiên cứu, bình luận các chủ đề lý luận, văn hoá - xã hội. Có nhiều điểm trong bài viết cần phải bàn thảo thêm để làm sáng tỏ vấn đề trên tinh thần tranh luận cởi mở, xây dựng, tôn trọng những ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi.

Mời bạn đọc cùng tranh luận và tiếp tục tham gia góp ý cho các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI.

Thời đại của biến động dồn dập khó lường

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của những biến động dồn dập mà mọi dự báo đều tỏ ra không chắc chắn. Với những sự kiện và hiện tượng xuất hiện trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, người ta đã tìm thấy những dẫn chứng sinh động cho một luận điểm tuyệt vời được đưa ra vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước: “con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay đổi, và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến tính… những ai chần chừ, tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại: sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi”.

Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng trong thời đại của nền kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ “chuẩn mực chính là sự thay đổi”. Cùng với sự kiện trên là những diễn biến dồn dập của thời cuộc ở hai thập kỷ cuối thế kỷ XX và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI bước vào thiên niên kỷ mới mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua và những di chứng của nó là minh chứng sinh động của điều vừa nói. Đây không còn là cuộc khủng hoảng mang tính chu kỳ, mà là sự kết thúc của một giai đoạn phát triển của kinh tế thế giới.

Điều này cho thấy chủ nghĩa tư bản từng cố gắng trong việc tự điều chỉnh để tồn tại và phát triển nhờ vào những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhưng những gì đang xảy ra dồn dập và cũng khá bất ngờ cho thấy chủ nghĩa tư bản như nó vốn có hiện đang bị vượt qua.

Mô tả ảnh.
Bên hành lang đại hội đảng bộ huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: LAD

Một chủ nghĩa tư bản từng đem lại cho loài người những bước tiến khổng lồ, những thành tựu vĩ đại, nhưng cùng với nó là những đau thương khủng khiếp, những nghịch lý chưa có hướng hóa giải!

Hãy chỉ nói một chuyện: thế giới đang tồn tại một nền kinh tế quá sức chịu đựng của trái đất! Khoảng cách phân biệt giàu nghèo ngày càng mở rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại, điều đó phơi bày những bất công ngày càng tương phản ghê gớm với những thành tựu của nền văn minh. Và cùng với nó, là sự tàn phá môi trường, đe dọa cuộc sống của cả loài người mà trước hết và nặng nề nhất vẫn là cuộc sống về vật chất và tinh thần của người nghèo. Người ta đã ước lượng, để gìn giữ sự cân bằng sinh thái như đã có ở thế kỷ XIX, loài người ngày nay - với tất cả sự giác ngộ cần thiết phải có về bảo vệ môi trường - ít nhất cũng cần phải có 5 hay 6 trái đất nữa!

Có thể nói, cuộc khủng hoảng này cũng như những gì đã và đang diễn biến buộc những đầu óc tỉnh táo trên thế giới này phải nghĩ đến một sự phát triển khác với những gì đã trải qua. Để có sự phát triển ấy, chí ít cũng phải thực hiện những đòi hỏi sau: hạn chế ở mức tối đa việc sử dụng năng lượng và tài nguyên ngày càng cạn kiệt và không thể tái tạo được của trái đất đang cưu mang chúng ta; phải bằng mọi cách để bảo vệ môi trường sinh thái, cứu lấy trái đất đang bị hủy hoại; có sự điều tiết tốt hơn sức mạnh trí tuệ và năng lực quản lý của con người để duy trì sự phát triển cân bằng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không được sống quá mức mình làm ra.

Những vấn đề nói trên là của toàn cầu chứ không của riêng một quốc gia, một vùng ý thức hệ nào! Cương lĩnh phát triển đất nước trong thế kỷ XXI phải đáp ứng đòi hỏi đó. Nghiêm khắc mà nói, Dự thảo Cương lĩnh chưa thể hiện được đòi hỏi đó.

Trung Quốc - một ví dụ sống động!

Vậy thì, khi chủ nghĩa tư bản đang bị vượt qua, cái gì sẽ đến? Điều này vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Theo những luận điểm từng mang tính kinh điển thì chủ nghĩa xã hội sẽ tất yếu thay thế chủ nghĩa tư bản, và giai đoạn giãy chết của nó là chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản - là sự cáo chung tất yếu đó.

Thế nhưng, căn cứ vào những gì đang diễn ra thì không phải vậy. Nếu ngẫm nghĩ kỹ, chắc phải nói rằng hiện nay, chủ nghĩa xã hội vẫn chưa kết thúc sự ra đời của mình. Như thế cũng có nghĩa là thời đại chúng ta đang sống, loài người không còn chủ nghĩa tư bản nguyên nghĩa nữa, đồng thời cũng chưa từng có chủ nghĩa xã hội đích thực. Hai thuật ngữ "chủ nghĩa tư bản" và "chủ nghĩa xã hội", thì một không còn phản ánh một thực tế nào nữa, và một thì chưa hề phản ánh một thực tế nào cả. Cái thứ nhất là "chủ nghĩa tư bản", cái thứ hai là "chủ nghĩa xã hội"!

Xin chỉ đưa ra 1 ví dụ: Trung Quốc được nhiều người xem là một nước XHCN, cho dù có là “CNXH mang màu sắc Trung Quốc” hay là gì đi nữa. Thế nhưng, những thực tế sau đây cho thấy đó không là CNXH như người ta tưởng, và càng không nên là mô hình CNXH để chúng ta noi theo! Chỉ xin nêu vài điểm:

Ở Trung Quốc, bên cạnh những thành tựu đáng gọi là kỳ diệu cần phải nghiêm túc nghiên cứu để rút kinh nghiệm thì sự mất công bằng xã hội đang diễn ra trầm trọng. Theo tờ Le Monde (Pháp), trong xếp hạng 20 quốc gia có cư dân sống chen chúc và tồi tệ tại các khu ổ chuột thì Trung Quốc đứng đầu, với gần 200 triệu, kế đến là Ấn Độ, gần 160 triệu, hơn Brazil, chỉ có hơn 51 triệu hay Mexico và Hoa Kỳ với gần 13 triệu.

Còn theo cuốn Sách xanh “Phân tích và dự báo tình hình xã hội Trung Quốc" do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố năm 2005, số lượng "sự kiện có tính đám đông" phát sinh cứ tăng dần và ngày càng khốc liệt: từ chỗ 8.700 vụ năm 1993 đã tăng lên đến 60.000 vụ năm 2003, số người tham dự đã từ 730.000 người tăng lên 3,07 triệu người, năm 2005, có 870.000 vụ, trung bình cứ 6 phút xảy ra 1 vụ. Năm 2008, số lượng vụ chống đối có tính đám đông không những nhiều, qui mô lớn, mà hành vi càng thêm dữ dội và hiện nay, tình hình vẫn đang có chiều hướng tăng lên. Về ô nhiễm môi trường thì Trung Quốc cũng đang đứng hàng đầu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong 10 thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, Trung Quốc chiếm 6. Xin nói đến vấn đề quan trọng nhất thể hiện bản chất của một chế độ: vấn đề sở hữu và sự phân phối của cải xã hội. Theo bà Hà Thanh Liên, nhà kinh tế nổi tiếng, sở dĩ 10 năm gần đây Trung Quốc bước vào thời kỳ đỉnh cao của chống đối xã hội là do từ năm 1994, Trung Quốc cho làm thử và năm 1995 chính thức thực hiện chế độ "phân thuế".

Năm 1995, thu nhập tài chính cộng thêm thu nhập ngoài dự toán của chính phủ Trung Quốc chiếm khoảng hơn 20% GDP, mấy năm gần đây liên tục tăng trưởng, tới hơn 30%. Như vậy là 70 triệu người tiêu hết 60% của 30% GDP (tức là khoảng 18%), trong khi số còn lại chỉ có hơn 12% GDP. Chỉ nhìn vào đó cũng biết là xã hội có công bằng hay không. Trong khi đó con số tuyệt đối của GDP cũng càng ngày càng lớn, nên có thể nói Chính phủ càng ngày càng giàu, nhưng đại đa số người nghèo thì càng nghèo.

Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn
Đã thế, số người mà Chính phủ phải "nuôi" chỉ vào khoảng 70 triệu người, nhưng phần của 1,250 tỷ dân mấy năm nay lại chỉ dao động quanh con số 12-14% GDP. Sau khi thực hiện chế độ "phân thuế" thì nguồn thu của các địa phương chủ yếu là "tài chính nhà đất". Chính quyền địa phương "mua đất với giá rẻ" và "bán nhà với giá cao" (có người ước tính lãi tới hơn 60%). Chính vì vậy, trong các "quan tham" của Trung Quốc có tới 90% liên quan đến nhà đất.

Tiếp theo các con số trên, xin nói đến ba doanh nghiệp tiêu biểu có 100% vốn nhà nước, mà về nguyên lý thì đó là sở hữu toàn dân, mà nhân danh cho cái gọi là sở hữu toàn dân đó, đã tạo cơ hội cho khai thác lợi ích nhóm và tư nhân hóa tài sản quốc gia diễn ra trên diện rộng và khá nhanh: Công ty dầu mỏ, Ngân hàng Công thương và Công ty Di động Trung Quốc với lợi nhuận hàng năm vượt quá 100 tỷ NDT, những doanh nghiệp được xếp vào bảng "10 doanh nghiệp có lợi nhuận nhất thế giới”. Ấy thế mà, với lợi nhuận 330 tỷ NDT, ba doanh nghiệp sở hữu toàn dân này chỉ nộp 20 tỷ NDT cho Chính phủ -  tức là người đại diện cho sở hữu toàn dân.

Ở đây cần chú ý đến hiện tượng các “tập đoàn lợi ích bắt chính sách quốc gia làm con tin”! Tạp chí “Quan sát” tháng 10/2008 phân tích rằng trong tiến trình 30 năm cải cách mở cửa, trong hệ thống chính trị và hành chính của Trung Quốc đã từng bước hình thành một số tập đoàn lợi ích đặc biệt. Lúc mới bắt đầu, lực lượng này còn chưa đủ lớn, nhưng sau một thời gian dài, họ xác lập được vị trí đặc biệt của họ. Thế rồi, họ đã biết cần vào lúc nào, cần bộ phận nào ở vị trí nào cần làm gì, làm như thế nào, nói gì, nói như thế nào để cho lợi ích đặc biệt của tập đoàn nhanh chóng phất lên. Nói các tập đoàn lợi ích này bắt “chính sách quốc gia” làm con tin là vì vậy.

Cải cách cơ cấu kinh tế đi liền cải cách chính trị

Đương nhiên, bên cạnh những điều nêu trên, thành tích Trung Quốc đạt được là rất lớn lao, những bước phát triển mà nhân dân Trung Quốc có đượclà hết sức to lớn. Trung Quốc lại đang có tham vọng vươn lên một siêu cường không chỉ về kinh tế.  Những điều trên chỉ nhằm nói lên rằng : nếu nói mô hình Trung Quốc là mô hình của chủ nghĩa xã hội, thì chắc chắn đấy không thể là một mô hình XHCN mà chúng ta hướng tới. Có người gọi Trung Quốc đang là bức tranh tiêu biểu nhất của sự phát triển “nóng” với nhiều biểu hiện của sự tích tụ tư bản một cách hoang dã! Bên cạnh những thành phố hiện đại với những kiểu loại như Phố Đông Thượng Hải, Thâm Quyến… của những tòa nhà chọc trời chẳng thua kém Âu Mỹ, là một nông thôn xơ xác và nghèo khổ, mù chữ và thất học. Vậy thì đây thực chất là “CNXH mang màu sắc Trung Quốc” hay là “chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc”?

Mới đây, khi đi thăm Thâm Quyến, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu nhấn mạnh rằng: Trung Quốc phải thúc đẩy không những về cải cách kinh tế mà cả cải cách chính trị, “nếu không bảo vệ việc cải cách chính trị, Trung Quốc sẽ đánh mất những gì đã đạt được của cuộc tái cơ cấu kinh tế và những mục tiêu hiện đại hoá cũng sẽ không đạt được”. Ông cũng kêu gọi phải bảo đảm quyền tự do dân chủ và các quyền hợp pháp khác của người dân. Cũng có nghĩa là còn quá nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra.

Bên cạnh Trung Quốc, ở Cuba, gần đây Fidel Castro cũng tuyên bố là mô hình cũ không còn thích hợp nữa. Rồi Triều Tiên với những gì đang diễn ra liệu có nằm trong nội dung mà dự thảo Cương lĩnh viết:  “một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển”?

Những điều vừa dẫn ra liệu có là những dữ kiện thôi thúc chúng ta phải tự nhìn lại sự hạn hẹp của nhận thức đã có, rà soát lại để nhặt ra những sai lầm để tự bổ sung cho mình tri thức mới, giúp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với sự vận động của cuộc sống. Cương lĩnh phát triển đất nước ta trong thế kỷ XXI phải được kiểm nghiệm bằng chính cuộc sống đang diễn ra chứ không phải bằng những giáo điều đã học thuộc lòng.

  • Tương Lai
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,