221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1311615
Chuyện Đại sứ Mỹ mê phố cổ Hà Nội
1
Article
null
Chuyện Đại sứ Mỹ mê phố cổ Hà Nội
,

 - Sau gần 3 năm sống và làm việc tại Hà Nội, Đại sứ Mỹ Michael Michalak có nhiều cảm nghĩ riêng biệt về Thủ đô tròn 1000 năm tuổi của Việt Nam. Yêu thích không gian đặc biệt của phố cổ, thích món chả cá, dạo bộ quanh 36 phố phường song ông cũng "lo lắng" cho những giá trị đang cần được gìn giữ của Hà Nội. 

Mới đây, Quỹ văn hóa của Đại sứ đã dành một khoản tài trợ khoảng 76.000 USD để trùng tu, bảo tồn Ô Quan Chưởng - cửa ô cuối cùng của Hà Nội.

Ông Michalak kỳ vọng dự án sẽ trở thành biểu tượng trường tồn cho quan hệ tình bạn giữa Mỹ với Việt Nam, thể hiện tình cảm của chúng ta dành cho lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của Hà Nội.

Đại sứ Mỹ yêu thích món chả cá ở phố cổ Hà Nội
Đại sứ Mỹ yêu thích món chả cá ở phố cổ Hà Nội

Hà Nội ít nhiều trở nên quen thuộc với Đại sứ khi ông có 3 năm sống và làm việc tại đây rồi. Hà Nội trong mắt Đại sứ như thế nào? 

Ồ, tôi yêu mến Hà Nội, nơi có nhiều công trình đẹp, nhất là khu phố cổ. Khi dạo quanh phố cổ sẽ cảm nhận được một Hà Nội đúng nghĩa, một không gian mưu sinh rất đặc biệt của người Hà Nội với những cửa hàng buôn bán đủ các mặt hàng, từ truyền thống đến hiện đại, thủ công mỹ nghệ, những cửa hàng quần áo với các cô manơcanh mặc áo dài mẫu trông thật sống động và cuốn hút.

Và nhất là khi đi qua phố Chả cá có nhà hàng bán món ăn này mùi rất thơm ngon. Món Chả cá thật tuyệt. Ồ nhắc đến tôi lại muốn được thưởng thức rồi.

Bảo tồn phố cổ: nhu cầu bức thiết

Nhiều thế hệ và ngay cả người nước ngoài như Đại sứ đến đây đều giữ trong tâm trí hình ảnh một Hà Nội cũ đáng nhớ. Nhưng như bảo tồn phố cổ, Hà Nội vẫn trong tình trạng lúng túng kể từ khi có kế hoạch từ cách đây 15 năm rồi. Qua thực hiện dự án bảo tồn Ô Quan Chưởng, ông cảm nhận ra sao về sự cấp bách và một phương thức hiệu quả đối với việc bảo tồn các di sản, giá trị tương tự như vậy?

Điều đó phụ thuộc vào người dân sống lâu đời ở đây và hiểu lịch sử về nó hơn bất cứ ai khác, hơn tôi để đưa ra những quyết định gìn giữ. Trong quá trình bảo tồn, gìn giữ phố cổ, tôi hy vọng nó vẫn giữ được nguyên những giá trị, vẻ đẹp như vốn có, vẫn là những ngôi nhà với những cửa hàng nơi đó, không gian đó.

Có thể nói Hà Nội là một thành phố đi bộ tuyệt vời. Nhưng cũng nhìn thấy trên các con phố cổ là những hàng xe đỗ ở rìa đường, mọi thứ giăng tỏa khiến không gian trở nên quá tải. Tôi thực sự không biết câu trả lời chính xác cho điều bạn hỏi nhưng khi Hà Nội trở nên đông đúc, thì nhu cầu bảo tồn, gìn giữ, quy hoạch lại không gian khu phố cổ càng trở nên bức thiết. Có lẽ cần tìm những nơi khác để phát triển các hoạt động kinh doanh vốn đã quá tải cũng như đảm bảo một không gian sống cho những cư dân mới.

Mô tả ảnh.
Mỹ tài trợ bảo tồn cửa ô còn lại cuối cùng của Hà Nội

Ở Thủ đô Washington DC của Mỹ, tôi rất ấn tượng về những di tích được bảo tồn, gìn giữ từ ý chí của chính người dân. Họ không ngần ngại hiến tặng tiền gia sản để gìn giữ và chính quyền đón nhận, cho họ hưởng quyền lợi tương xứng đổi lại. Đại sứ có thể chia sẻ điều thú vị này?

Có rất nhiều công việc như vậy được thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện. Tôi từng sống ở một khu vực của Washington DC là đồi Capitol, một khu vực bao quanh bởi những tòa nhà lớn. Ở đây thường có các tổ chức được thành lập kêu gọi đóng góp từ thiện từ xã hội để bảo tồn khu vực đồi Capitol. Mỗi tháng một lần, họ họp và thảo luận về một vài kế hoạch phát triển thành phố.

Trong những cuộc gặp gỡ thường có những tranh cãi. Có ý kiến cho rằng một số kiến trúc đặc biệt, hay những tòa nhà độc đáo ở khu vực này không nên bị phá bỏ vì nó sẽ biến mất vĩnh viễn. Đôi khi có những ý kiến ngược lại, cho rằng kiểu kiến trúc đó, kiểu tòa nhà đó thực ra giông giống những tòa nhà khác ở trong cùng thành phố vốn vẫn đang được bảo tồn.

Như thế có những người nhận thức những lý do vì sao cần bảo tồn khu vực đặc biệt này nhưng có những người lại nhìn thấy sự cần thiết phát triển khu vực này. Còn về phía chính quyền, họ thông qua luật cho phép bạn tham gia đóng góp cho xã hội, bảo tồn những giá trị và khoản tiền đóng góp đó được trừ vào thuế thu nhập của bạn.

Để người dân quyết định

Phố cổ Hà Nội được bao quanh bởi những di tích và người dân sống nơi đây là một phần linh hồn của Hà Nội. Có thể học bài học gì từ việc phát huy sự tham gia người dân, cộng đồng, những người hơn chính ai hết hiểu không gian mình sinh ra và lớn lên để tranh đấu cho những quyết định bảo tồn?

Ồ, có lẽ đầu tiên bạn cần một hệ thống truy thu thuế thu nhập cá nhân tốt hơn chăng? (Cười). Không biết những áp lực nào mà chính quyền thành phố có thể tạo ra để trở thành động lực tốt cho người dân làm điều đó?  Ở khu vực đồi Capitol mà tôi sống, có một chợ gọi là chợ Đông, chợ thực phẩm tươi công cộng lâu đời nhất của Washington DC. Từng có ý kiến về việc dỡ bỏ nó nhưng cộng đồng người dân ở đây nói không vì đó là trái tim của thành phố, của đồi Capitol và cần giữ gìn.

Có những cảm nghĩ tương tự đối với khu phố cổ của Hà Nội. Gần khách sạn Melia từng có chợ Âm phủ mà tôi vẫn thường đến. Nhưng bỗng một ngày nó biến mất rất nhanh chóng. Tôi nghĩ thật tiếc. Nhưng khu vực đó đang phát triển rất nhanh. Nhưng nếu phố cổ Hà Nội biến mất theo cách tương tự thì tôi không thích chút nào. Tôi có thể sẽ gia nhập một tổ chức nào đó để cổ vũ cho việc bảo tồn khu phố cổ...

Hà Nội giờ hay được phân biệt với hai nửa: một Hà Nội cũ mà Đại sứ đề cập và một Hà Nội mới với những công trình, tòa nhà không ngừng được xây dựng. Đại sứ nhận thấy thế nào về hai nửa hồn của Thủ đô này?Ông thích và không thích điều gì?

Ở bất cứ thủ đô lớn của quốc gia nào, như Hà Nội, Washington DC hay London, Tokyo... luôn có những áp lực, căng thẳng cố hữu giữa một bên là phát triển, đô thị hóa và một bên là bảo tồn những giá trị văn hóa. Tôi nghĩ đó là áp lực tốt. Bạn cần mọi người suy nghĩ về cả hai vế, làm thế nào để bảo tồn vẻ đẹp của thủ đô và cùng lúc làm thế nào để thủ đô hiện đại và sống dễ dàng đối với những người mới đến. 

Và cách tốt nhất để đưa ra những quyết định không dễ dàng, cân bằng cả hai vế trên, đó là để người dân quyết định. Phần này của thủ đô chúng ta đồng tình cần bảo tồn, giữ gìn nó và phần kia chúng ta hiểu rằng cần có nhiều những văn phòng, tòa nhà làm việc, hay những khoảng không gian sống cho người dân và đồng tình để cho sự phát triển, đô thị hóa diễn ra. Và, cách tốt nhất để người dân đồng tình và chia sẻ thực hiện những quyết định quan trọng cho thủ đô, đó là đối thoại.

  • Xuân Linh

Kỳ tiếp: Một Hà Nội bận rộn với xe cộ đông đúc, vấn nạn tắc đường, cơ sở hạ tầng quá tải, tìm bản sắc phát triển khi đô thị hóa. Đại sứ Úc Allaster Cox chia sẻ suy nghĩ cá nhân với bạn đọc. 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,