- Trao đổi với báo chí chiều nay (29/10) tại Hà Nội, phó phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho hay các công ty của nước này đã tiếp xúc với đối tác Việt Nam để tìm kiếm khả năng khai thác, nhập khẩu đất hiếm từ Việt Nam.
Hai Thủ tướng sẽ bàn dự án đường sắt cao tốc
Với việc Trung Quốc gần đây cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm khoảng 40% sang Nhật Bản so với năm 2009, Nhật Bản sẽ phải nhanh chóng tìm các nguồn cung ứng bổ sung loại nguyên liệu quan trọng đối với quốc gia này trong sản xuất các công nghệ tiên tiến.
Báo chí vừa qua đưa tin các công ty Nhật Bản đang để mắt tới Việt Nam như một trong những nguồn nhập khẩu bổ sung.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí chiều nay, phó phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Noriyuki Shikata và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Satoru Satoh bỏ lửng xác nhận liệu vấn đề này có được đề cập chính thức trong cuộc hội đàm song phương giữa Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 31/10 tới tại Hà Nội hay không.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Satoru Satoh (trái) và phó phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Noriyuki Shikata. Ảnh: XL |
“Thủ tướng Kan sẽ gặp Thủ tướng Dũng ngày 31/10 và sẽ bàn luận đến những vấn đề song phương quan trọng. Chúng tôi chưa rõ liệu vấn đề đất hiếm có được đề cập vì chương trình vẫn đang được xúc tiến. Nhưng hai nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo về dự án tàu đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chuyển giao công nghệ Nhật cho các dự án hạ tầng lớn như nhà máy điện hạt nhân...”, ông Satoru Satoh cho biết.
Phó phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Noriyuki Shikata cũng cho hay các vấn đề cụ thể liên quan đến đất hiếm chưa được khẳng định, song trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Việt Nam sắp tới, hai bên sẽ bàn luận đến các vấn đề hợp tác cơ sở hạ tầng nhằm cụ thể hoá mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.
Tuy nhiên, ông Noriyuki Shikata nói các công ty Nhật đã có các cuộc tiếp xúc với đối tác Việt Nam để tìm kiếm khả năng khai thác, nhập khẩu đất hiếm từ Việt Nam: “Đây là vấn đề đang nóng tại Nhật Bản sau khi sản lượng nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc bị giảm”.
Theo phó phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Nhật, các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu bổ sung. Nhật Bản cũng đối thoại với Trung Quốc để tăng sản lượng nhập khẩu đất hiếm, đề cập nếu giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các công ty Nhật Bản mà còn cả kinh tế Trung Quốc.
Nhật Bản cũng đối thoại với Ấn Độ và Australia để tìm nguồn nhập khẩu đất hiếm. Cùng thời gian, Nhật Bản cũng cố gắng tìm các công nghệ mới để thay thế đất hiếm cũng như có những biện pháp tổng thể nhất để đối phó với vấn đề này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Satoru Satoh cho hay: “Nếu có các nguồn cung ứng đất hiếm khác, các công ty Nhật sẽ rất vui mừng nếu có cơ hội hợp tác. Nhật Bản đang tìm kiếm các nguồn cung cấp đất hiếm khác cũng như các chất liệu có thể thay thế đất hiếm. Chính phủ Nhật sẽ ủng hộ việc các công ty nghiên cứu về dữ liệu đất hiếm, tuy nhiên, các công ty tư nhân vẫn là đầu mối thực hiện”.
Được biết, Việt Nam có tiềm năng về đất hiếm nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính xác trữ lượng.
-
Xuân Linh