- Trong cơ chế thị trường, quy định hợp tác xã sẽ không được góp vốn, mua cổ phần ở doanh nghiệp khác trong dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi, đã gây nhiều tranh cãi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 4/10.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, dự thảo Luật mới sẽ quy định rõ hơn bản chất của tổ chức hợp tác xã so với tổ chức doanh nghiệp
.
Bản chất của khu vực này là dựa trên nền tảng hợp tác, tán thành, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho chính thành viên, chứ không phải mục tiêu cung cấp cho thị trường để tối đa hóa lợi nhuận như doanh nghiệp.
Có những hợp tác xã vận tải vẫn hoạt động như một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: T.P |
Ví dụ như về quan hệ sở hữu, thành viên hợp tác xã vừa là đồng sở hữu, vừa là khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, trong khi ở tổ chức doanh nghiệp, thành viên chỉ là người đồng sở hữu doanh nghiệp.
Thành viên hợp tác xã góp vốn, đồng thời cam kết sử dụng sản phẩm của hợp tác xã, hoặc là người lao động trong hợp tác xã, nhưng ở doanh nghiệp thì ngoài việc góp vốn, thành viên không có ràng buộc khác.
Thành viên hợp tác xã được chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, còn ở doanh nghiệp là chia lãi theo vốn góp… Mỗi thành viên được góp vốn tối đa không quá 30% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, dự thảo luật gây nhiều tranh cãi không phải ở câu chữ, qui định mà chính từ quan điểm.
Cho đến nay, nhìn nhận bản chất hoạt động của hợp tác xã là như thế nào trong nền kinh tế thị trường chưa hẳn đã thống nhất trong Quốc hội. Thể hiện rõ nét nhất là ở việc định nghĩa hợp tác xã đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến tán thành bỏ qui định, hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, để tránh gây hiểm nhầm hợp tác xã là doanh nghiệp, dẫn tới hoạt động sai lệch bản chất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, phải giữ quy định này vì thực chất, hợp tác xã hoạt động như một loại doanh nghiệp đặc thù, cần bình đẳng với các công ty trong Luật doanh nghiệp.
Qui định gây nhiều băn khoăn nhất là việc có nên cho phép thành lập doanh nghiệp, việc góp vốn, mua cổ phần của hợp tác xã hay không.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Chính phủ đã thống nhất không nên cho phép hợp tác xã thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác, để tránh việc hợp tác xã xa rời bản chất, mục đích là để phục vụ thành viên trên cơ sở tài sản chung không chia.
Tuy nhiên, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói riêng quy định này cần nghiên cứu rõ hơn.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, nếu đã xem hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ, bình đẳng với các loại hình kinh tế khác trong cơ chế thị trường thì không thể không cho phép hợp tác xã thành lập công ty trực thuộc, hoặc góp vốn, mua cổ phần… Trên thực tế, đã có các doanh nghiệp trực thuộc các hợp tác xã.
Qua khảo sát, nhiều hợp tác xã như hợp tác xã vận tải, quỹ tín dụng nhân dân... lại chủ yếu cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, xã viên chỉ góp vốn và hưởng lại trên mức vốn góp. Hoạt động như vậy không khác tổ chức doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ hướng xử lý đối với các hợp tác xã có xu hướng vận động ra khỏi khuôn khổ như vậy.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, thời gian qua, có hợp tác xã mạnh lên, tiếp cận được các nguồn vốn của Nhà nước, còn lại hầu hết èo uột, không phát triển lên được là do không tiếp cận được các nguồn vốn.
“Kỳ họp tới, Quốc hôi sẽ phải đánh giá kỹ vì sao tổ chức này không phát triển được như yêu cầu”, ông Kiên nói.
3744 hợp tác xã “chết lâm sàng” |
-
Phạm Huyền