Trên hành trình lịch sử, đất nước ta trải lắm khúc quanh, khủng hoảng và bi kịch. Nhưng truyền thống hào hùng, bản lĩnh và trí thông minh Việt sớm hay muộn, có khi phải chịu tổn thất và trả giá, vẫn tìm ra lối thoát cho một chặng phát triển mới, cao hơn...
>> Dân tộc Việt và câu chuyện "Người thông minh" mọi thời (I)
Bi kịch, và những thời cơ bỏ lỡ
Hành trình lịch sử ở đâu mà chẳng gặp bi kịch sinh ra từ khủng hoảng triều đại (buổi suy vi của một thể chế trước khi bị thể chế có triển vọng hơn thay thế). Hoặc khủng hoảng bế tắc của cả một thời đại; hoặc bị đô hộ, xẩy chiến tranh xâm lược, hay nội chiến... Nhưng bi kịch cũng là cảnh ngộ điển hình thử thách trí thông minh tìm lối thoát của người chèo lái.
Còn thời cơ bị bỏ lỡ thường được coi là bước chuyển ngoặt hoặc bước tăng tốc phát triển, thì thời cuộc đã tạo ra tiền đề và lối thoát, nhưng thể chế chính trị và người chủ soái hoặc không đủ thông minh, hoặc vì duyên do nào đó, đã không nhận ra. Rốt cuộc thời cơ tuột khỏi tầm tay.
Nhà cải cách Hồ Qúi Ly đã đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng thời mạt Trần - thời buổi vua u mê, quan lại ngu thần, Chu Văn An dâng sớ chém 7 tên gian thần lộng hành. Lên ngôi vua triều Hồ (1400), ông đã thực thi hàng loạt chính sách mới mẻ, trên mọi lĩnh vực đời sống.
Ông "hạn điền, hạn nô" để xóa bỏ chế độ điền trang thái ấp và nô tỳ lỗi thời. Ông phát hành tiền giấy để giao dịch thuận tiện và phổ biến hơn tiền đúc bằng đồng những thời trước, nhằm thúc đẩy thương mại. Ông cải tổ giáo dục, chống lại lối học sáo rỗng. Ông cho mở các bệnh viện công, v.v.
Nhưng tiếc thay, mộng lớn không thành bởi bi kịch ập đến từ gươm giáo xâm lược của quân Minh. Bẩy năm quá ngắn ngủi khiến các chính sách mới chưa đưa lại hiệu quả trong thực tiễn, khả dĩ tăng tiềm lực quốc gia, thu phục lòng dân để có thể làm được cuộc chiến tranh nhân dân tất thắng.
Tuy thế, cũng thật đáng ngạc nhiên và khâm phục khi nhà Hồ đã có thể huy động được và tổ chức quân đội gần trăm vạn, lập các tuyến phòng thủ, và đánh tới cùng, cho dù cuối cùng, 3 cha con đều rơi vào tay giặc. Bi kịch này đã gây bất hạnh kép cho dân tộc: Mất nước, và nhà cải cách cùng thời cơ để phát triển đất nước lên bước mới, cũng mất theo.
Quang Trung - Nguyễn Huệ đã cùng toàn dân tộc làm nên võ công lừng lẫy, thành tựu huy hoàng. Nhưng bi kịch thế kỷ 18 lại do khủng hoảng thời đại, khi chế độ phong kiến ở Việt Nam đã suy vong, cần phải có bước ngoặt thời đại kiến tạo chế độ mới dựa trên nền tảng văn minh công nghiệp. Đất nước thì mới có manh nha, mà chưa xuất hiện lực lượng kinh tế-xã hội mới kinh doanh công thương nghiệp là lực lượng làm bước ngoặt thời đại.
Vị thương nhân ở ngôi Hoàng Đế đành phải "cưỡi cỗ xe vương triều" theo kiểu cũ, với các chính sách tiến bộ hơn trước, hướng đến bảo vệ đất nước và đời sống nhân dân, chăm lo phát triển cả nông-công-thương lẫn giáo dục, văn hóa... Ông cũng đã có chiến lược và kế sách giữ yên bờ cõi, thậm chí còn đòi lại đất đai bị chiếm. Hóa giải nguy cơ cuộc phản công của Nguyễn Ánh được thế lực phương Tây tiếp sức...
Nhưng bi kịch khác bất ngờ giáng xuống: Chỉ sau 3 năm khởi động tái thiết đất nước (1789-1792), Nguyễn Huệ đang thời sung sức-ở tuổi 39, đột ngột tạ thế!
Quang Toản kế vị cha. Nhưng không có chí lớn, đầu óc và tài năng kém cỏi, không nối được chí cha. Vẫn còn đó một cơ đồ, một quân đội mạnh, một nhân dân hướng về, các kế sách của người cha thiên tài quân sự, nhưng vị vua kế nghiệp vẫn bị thất bại. Triều Tây Sơn sụp đổ bởi cuộc phản công của Nguyễn Ánh, năm 1802.
Triều Nguyễn là sự kéo dài thêm gần thế kỷ, chỉ là để hoàn thiện hơn cách thức thống trị của thể chế phong kiến đã ruỗng nát, với ách chuyên chế hà khắc chưa từng thấy, lại "trọng nông, ức thương", làm ngơ trước văn minh kinh tế hàng hóa phương Tây đã đến gõ cửa Ngọ Môn.
Kinh thành Huế - di sản của triều Nguyễn |
Công lao lớn trong thời Nguyễn (tính từ 1802 đến 1865 là năm quân Pháp chiếm được một số tỉnh Nam Kỳ), là giữ được toàn vẹn và mở mang thêm lãnh thổ, làm ra thêm những thành tựu mang tư tưởng và diện mạo thời đại phong kiến, văn minh nông nghiệp.
Tiếc thay, không ít vua hay chữ, nhưng trí thông minh của số đông những người đứng đầu triều đại này không hướng về nhân dân, và không hướng ra đại dương, về phía những nền văn minh mới, mà hướng về nhà Chu lý tưởng và kinh điển Khổng Mạnh xa xưa!
Điển hình cho xu thế này là vua Tự Đức (1829-1883). Ông có sẵn tố chất thông minh trời cho, nhưng cực kỳ bảo thủ, trước sau vẫn lấy nhà Chu hơn 2000 năm trước làm mẫu mực noi theo. Ông dị ứng với văn minh phương Tây và sợ hãi sự xâm lăng của quân đội, súng đạn phương Tây ...
Tự Đức nhiều lần cự tuyệt các điều trần cải cách của những đầu óc canh tân lớn lúc bấy giờ như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Bùi Viện...
Rốt cuộc ông bỏ lỡ cơ hội lớn đã đến tận tay để canh tân đất nước bằng cách học hỏi và mở mang công nghệ, kỹ thuật, thương mại như phương Tây (điều mà người cùng thời là vua Minh Trị, Nhật Bản, làm vào năm 1866 và có thành tựu). ..
Tự Đức cũng lại cự tuyệt ý nguyện của nhân dân, của quân đội cùng đông đảo quan triều, sĩ phu cả nước là đứng lên kháng chiến ngay cả khi quân Pháp đã kéo đến nã đại bác lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng, 1858). Và cuối cùng là để cơ đồ mất vào tay quân Pháp (1885).
Đất nước lại rơi vào bi kịch bị đô hộ gần thế kỷ! Những thập kỷ bị xóa tên, bị sỉ nhục, lầm than, nhen nhóm và dâng cao các phong trào cứu nước, đã kết thúc huy hoàng với Cách mạng tháng Tám 1945, làm thăng hoa mạnh mẽ trí thông minh và sức mạnh dân tộc bảo vệ nền độc lập non trẻ, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.
Đại thắng Mùa Xuân 1975 lần nữa tạo ra sự thăng hoa như thế, cho một bước phát triển được kỳ vọng của đời sống đất nước thời hậu chiến. Nhưng có sự hụt hẫng, dẫn tới bước khủng hoảng trong phát triển (1975-1990). Không phải là khủng hoảng và bế tắc ở định hướng và các mục tiêu thời đại đã lựa chọn từ năm 1945, mà là do thiếu hệ thống chính sách mở đường.
Bế tắc đã được bắt tay hóa giải khi công cuộc Đổi mới mở ra.
Lực cản phát triển trí thông minh hiện đại
Tuy vậy, trên con đường phát triển, dân tộc Việt Nam cũng gặp đầy rẫy những lực cản từ quá khứ, từ hiện tại, từ tiềm lực vật chất, từ thế giới tinh thần, tâm lý của nền sản xuất tiểu nông, và từ bên ngoài, khó mà kể hết.
Về đại thể, do trình độ sản xuất còn thấp, đất nước còn nghèo, đầu tư cho nguồn lực con người (giáo dục-đào tạo, an sinh xã hội...) còn cách xa yêu cầu phát triển có chất lượng, lại còn bị lãng phí do tiêu cực và do dùng vốn kém hiệu quả.
Do một nền giáo dục và đào tạo mà triết lý, hệ thống đã lỗi thời, chậm được cải cách triệt để theo đòi hỏi của thời kỳ đẩy nhanh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, nên tất yếu là sự khủng hoảng toàn hệ thống. Những đổi mới (cải tiến) ứng phó tình huống liên miên, gây rối loạn thêm hệ thống, rất tốn kém nhưng hiệu quả thấp, bấp bênh, không đủ gọi là lối thoát thông minh.
Hậu quả là lãng phí to lớn nguồn lực đầu tư, nẩy sinh bệnh chuộng hư danh, thành tích ảo mà coi nhẹ thực chất. Có thành tựu trong việc đáp ứng rộng rãi hơn nhu cầu học tập của nhân dân, nhưng lại lạm phát bằng cấp mà đào tạo ra rất ít thực tài; làm thui chột trí thông minh, nhu cầu sáng tạo của các thế hệ trẻ...
Ấy là chưa kể không khí xã hội thiếu bình yên, các giá trị cơ hồ đảo lộn... đã gây nhiễu loạn tâm lý đông đảo thế hệ trẻ, dễ nảy sinh hoài nghi vào chính con đường học tập, lập thân, lập nghiệp lương thiện và thực chất, khó có thể chuyên tâm vào học hành, rèn luyện.
Vượt lên chính mình là lối thoát sinh tồn và phát triển hiện đại duy nhất để lựa chọn. Bảo bối truyền đời là nền chính trị nhân văn, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân làm giá trị thiêng liêng và mục tiêu cao cả. Sự bứt vượt trong mọi thời, đặc biệt ở khúc quanh sinh ra nhiễu loạn xã hội, phân rã tâm lý, đều đòi hỏi trước hết sự đột phá, nêu gương ở người chèo lái cơ đồ, về nhân cách vì nước vì dân, về trí tuệ tích hợp được tri thức của các tầng lớp tinh hoa xã hội. Đó cũng chính là trí thông minh của một dân tộc thời hội nhập |
Lực cản ghê gớm nhất lại nằm trong chính mỗi con người. Bên cạnh những đức tính tốt đẹp, những thói tật tiểu nông hàng nghìn năm bắt rễ sâu xa vào tận bản năng người Việt: Ích kỷ, háo lợi, háo danh, háo quyền, tham vặt, bon chen, cạn hẹp, nhỏ nhen, tùy tiện... lại được tiếp sức bởi đồng minh lý tưởng là mặt trái của kinh tế thị trường: Thực dụng triệt để; cạnh tranh phi pháp, phi luân; mua bán đổi chác mọi giá trị; sùng bái các giá trị vật chất, đồng tiền...
Lũ "âm binh quỉ quái" này đánh phá, tiêu hao dần mòn những đức tính tốt đẹp truyền thống, nên càng có sức tác oai tác quái. Chúng phá hủy đạo đức, nhân cách con người, phá hủy nền tảng đạo lý xã hội, uốn cong bóp méo cả luật pháp, chính sách...
Chúng đã có thể biến không ít người từng hy sinh, gian khổ cùng với dân giành lại toàn vẹn độc lập, thống nhất đất nước, nay được dân trao quyền thì xa rời dân, quan liêu và vô cảm với nỗi đau của dân, lấy lợi ích riêng của mình làm trọng.
Chúng đã có thể biến nhiều người dân vốn lương thiện thành những kẻ tội phạm, thành những người lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác, những người vô lương tâm làm ra ê hề hàng giả, không từ cả thực phẩm nhiễm bẩn, thuốc men nhiễm độc; thành kẻ mất nhân tính, dã man hành hạ cả trẻ em...
Đây là cuộc khủng hoảng dưới tầng ngầm của đời sống xã hội, giống như địa chấn trong lòng đất mà người ta thường chỉ nhận thấy được ở sự rung chuyển và phá hủy trên mặt đất. Dễ hiểu là tâm lý xã hội ngày càng bị phân rã, phân ly đáng lo ngại.
Hệ lụy là đời sống xã hội trên thực tế vượt ra khỏi tầm kiểm soát và điều chỉnh kịp thời của Nhà nước ở tầm vĩ mô. Hầu như chúng ta chạy theo để khắc phục hậu quả nhiều hơn là chủ động ngăn ngừa bằng dự báo thông minh để sớm khai thông chủ động dòng chảy thoát hiểm và phát triển lành mạnh.
Hoài bão và sự vượt lên chính mình
Đó là xu hướng chung của thế giới ngày nay, đặc biệt là các nước đang phát triển. Mọi quốc gia đều tìm kiếm con đường đi riêng trong hoàn cảnh lịch sử của mình, để thành cường quốc nếu không muốn bị lệ thuộc, bị đối xử bất bình đẳng và bị sai khiến bởi siêu cường.
Hoài bão đưa Việt Nam lên vị thế "sánh ngang các cường quốc năm châu", thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn và gửi gắm vào lớp măng non đầu tiên được hưởng nền giáo dục Việt Nam độc lập sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
Ngày nay, dưới áp lực và với nhiều điều kiện thuận lợi của thời đại, với những thành tựu đã tích lũy được trong 20 năm đổi mới, hoài bão sánh ngang các cường quốc là trách nhiệm lịch sử trực tiếp của toàn dân tộc, đứng đầu là những người lãnh đạo quốc gia, và đã là khả năng thực tế.
Điều kiện quyết định nhất là nguồn lực con người hiện đại, với trí thông minh Việt hiện đại, năng lực hành động sáng tạo hiện đại, từ chính khách, chuyên gia đến người lao động. Ai cũng có thể nhận ra: Vượt lên chính mình là lối thoát sinh tồn và phát triển hiện đại duy nhất để lựa chọn.
Bảo bối truyền đời là nền chính trị nhân văn, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân làm giá trị thiêng liêng và mục tiêu cao cả.
Sự bứt vượt trong mọi thời, đặc biệt ở khúc quanh sinh ra nhiễu loạn xã hội, phân rã tâm lý, đều đòi hỏi trước hết sự đột phá, nêu gương ở người chèo lái cơ đồ, về nhân cách vì nước vì dân, về trí tuệ tích hợp được tri thức của các tầng lớp tinh hoa xã hội.
Đó cũng chính là trí thông minh của một dân tộc thời hội nhập
-
Thế Văn