- Lạng Sơn đã quyết định cắt quyền trồng rừng của Tập đoàn InnovGreen trên toàn bộ diện tích đất thuộc 5 xã biên giới, khu vực điểm cao quân sự, khu vực chồng lấn. Sắp tới, Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ điều chỉnh theo hướng thu hẹp diện tích của các dự án trồng rừng tại các khu vực có liên quan hoặc có khả năng ảnh hưởng tới an ninh - quốc phòng.
>> Cho nước ngoài thuê đất rừng:Chính phủ nói 10, QH bảo 18
>> Bộ NN&PTNT: Cho thuê đất rừng đã được thẩm định quốc phòng
>> Bộ trưởng NN&PTNT: Không báo sai số liệu đất rừng cho thuê
>> ’Kiên quyết dừng cho nước ngoài thuê đất rừng’
Thông tin vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội trong báo cáo đề ngày 20/10.
Báo cáo nói rõ, sau khi Thủ tướng có chỉ đạo không cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và không ký hợp đồng cho thuê đất đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc.
Thậm chí có nơi còn “tạm dừng không cho phép doanh nghiệp được trồng rừng trên diện tích đã có quyết định cho thuê đất và không được phép chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích rừng đã trồng trên diện tích chưa có quyết định cho thuê đất”.
Theo thống kê của Chính phủ, đến nay, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của 8 dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài là 24,65 tỉ đồng. Riêng dự án trồng rừng tại Bình Định triển khai từ năm 1995 nộp tới 23 tỉ đồng.
Đóng góp cho ngân sách nhà nước là không đáng kể, chủ yếu là thuế môn bài và thuế thu nhập cá nhân. Hầu hết các dự án chưa có sản lượng thu hoạch do mới được giao đất từ 2 - 3 năm.
Chuyện các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng bắt đầu "nóng" lên từ cuối năm ngoái và đã từng được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội giữa năm nay.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH đưa ra con số thống kê về số tỉnh thành, diện tích khác với báo cáo của Bộ NN&PTNT. Tranh luận khi đó không ngã ngũ.
Ngay trước khi diễn ra kỳ họp thứ 8 lần này, chính Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình lại tiếp tục đề nghị Chính phủ thông tin với Quốc hội tình hình mới nhất ở các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng.
Đáng chú ý, con số thống kê trong báo cáo lần này khác so với báo cáo hồi tháng 6.
Chính phủ cho rằng, tính từ khi dự án trồng rừng đầu tiên được cấp phép vào năm 1995 đến ngày 10/8/2010, cả nước hiện có 8 dự án (thống kê cũ là 10 dự án) có mục tiêu đầu tư trồng rừng có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư (hoặc giấy chứng nhận đầu tư) với tổng vốn đầu tư 286.090.000 USD.
Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của các dự án này là 342.000ha (thống kê cũ: 305.353,4 ha), trong đó diện tích đã được cấp là 18.571 ha, diện tích đã đưa vào sử dụng 15.268ha…
Chính phủ đánh giá, các dự án sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai nhưng chậm và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với dự kiến.
Về hướng xử lý trong thời gian tới, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định 108/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư năm 2005 theo hướng quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền, điều kiện và trình tự thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều diện tích đất, dự án trồng rừng.
Điểm mới nhất chính là quy định phải có ý kiến chính thức của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hoặc cơ quan quốc phòng, an ninh địa phương trước khi cấp phép.
Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ điều chỉnh theo hướng thu hẹp diện tích của các dự án trồng rừng tại các khu vực có liên quan hoặc có khả năng ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh.
UBND các tỉnh không tiếp tục xem xét cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất đối với diện tích đất chưa có quyết định cho thuê. Đồng thời, rà soát kỹ lại các phần diện tích đã cho thuê tại các dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài.
Báo cáo cũng nói khá chi tiết tình hình triển khai các dự án cho thuê đất trồng rừng của Tập đoàn InnovGreen tại Việt Nam, chủ doanh nghiệp đến từ Đài Loan, đăng ký ở Hồng Kông, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với quy mô lớn nhất là 264.848 ha, chiếm 87% tổng diện tích.
Chính phủ cho hay, tổng diện tích đất dự kiến triển khai trồng rừng của tập đoàn này tại 5 dự án ở Việt Nam là 328.800ha.
Riêng tại Nghệ An, mặc dù theo giấy chứng nhận đầu tư quy định diện tích dự kiến triển khai trồng rừng khoảng 70.000ha nhưng UBND tỉnh đã quyết định cắt giảm xuống còn 16.843,3ha.
Tại Lạng Sơn, một số diện tích đất công ty này xin thuê trùng với diện tích dự án trồng rừng 661, có cả phần đất rừng tự nhiên sản xuất xen kẽ, khu vực phòng thủ huyện.
Các cơ quan hữu quan và đơn vị này đã thống nhất sẽ loại bỏ toàn bộ diện tích thuộc 5 xã biên giới, khu vực điểm cao quân sự, khu vực chồng lấn, khu vực rừng nguyên liệu ra khỏi phạm vi dự án.
Doanh nghiệp cũng sẽ phải tự chịu rủi ro nếu diện tích 632ha đã trồng rừng khi chưa được ký hợp đồng cho thuê đất tới đây không được cho thuê.
Ngày 7/6, trong báo cáo gửi tới QH kỳ họp thứ 7, Bộ NN&PTNT cho hay, hiện có 10 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 305.353,4 ha. Tuy nhiên, các tỉnh mới ra quyết định khai thác cho gần 23.000 ha (11% diện tích được cấp giấy chứng nhận). Trong đó, chỉ 15.664,45 ha được phép cho nước ngoài thuê 50 năm. Lạng Sơn cho thuê gần 500 ha, Quảng Ninh hơn 3.000 ha… Ngày 11/6, Ủy ban Quốc phòng - An ninh khẳng định, con số khảo sát mà Ủy ban thống kê cho thấy có tới 18 tỉnh cho thuê đất trồng rừng với diện tích 398.374 ha. Ngày 17/6, Bộ NN&PTNT tiếp tục có văn bản gửi Quốc hội khẳng định con số bộ này thống kê là có 10 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 305.353,4 ha là chính xác. |
-
Lê Nhung