- Tuần họp đầu tiên của Quốc hội trôi qua với việc đại biểu "xới xáo" nhiều vấn đề nóng bỏng như Vinashin, bùn đỏ Tây Nguyên. Các ĐBQH đã bước đầu đặt lên bàn nghị sự nhiều chuyện không hề có trong nghị trình.
Gần 11h trưa ngày 22/10.
Cuộc thảo luận về kinh tế - xã hội kéo dài ba tiếng ở hai tổ QH họp tại nhà khách phố Trần Hưng Đạo vẫn chưa thể kết thúc. Không khí này cũng diễn ra ở nhiều tổ khác. Thậm chí, còn sôi nổi hơn với những trao đổi hành lang từ chuyện bùn đỏ Tây Nguyên, Vinashin đến lũ lụt miền Trung.
Đọc tài liệu, tìm thông tin... Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhen nhóm
Đây có thể xem là tín hiệu mở đầu sôi nổi cho một kỳ họp gần "áp chót" ở khóa QH thứ XII này chăng, khi mà các phiên họp tổ ở một vài kỳ gần đây thường kết thúc sớm.
Theo thông lệ, chương trình kỳ họp được thiết kế thế nào, không khí thảo luận sẽ "mặn - nhạt" theo đó. Điều gì đã làm nên không khí tranh luận sôi nổi, nóng bỏng đến như vậy ngay sau phiên khai mạc?
Có lẽ, đầu tiên phải nói đến sự mạnh dạn thể hiện chính kiến của các ĐBQH. Họ đã bước đầu đặt lên bàn nghị sự nhiều vấn đề không hề có trong nghị trình và cả những vấn đề tuy có nhưng chưa được dành một vị trí xứng đáng.
Đơn cử như chuyện sai phạm ở "con tàu" Vinashin. Nhiều ĐB từng đề xuất phải dành thời gian thích đáng nghe Chính phủ báo cáo và để QH thảo luận riêng, tránh tình trạng chỉ "gật" và "bấm nút".
Nhưng, chốt lại nghị trình, chuyện Vinashin (cũng như nhiều chuyện ở các kỳ họp trước như khai thác bô-xít, cho nước ngoài thuê đất rừng...) được giải thích "sẽ nằm trong báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế xã hội". Để rồi, khi thảo luận về hàng trăm vấn đề chung, ĐB nào thích nói riêng mỗi chuyện mà mình quan tâm thì nói, không có thảo luận riêng cho chủ đề nào.
... và phát biểu. Ảnh: Lê Anh Dũng
Người dân muốn "truy" đến cùng trách nhiệm cá nhân, để tránh tái diễn những Vinashin tương tự và hồi hộp đợi xem các dân biểu liệu có dũng cảm nói lên đúng ý nguyện, nêu được những câu hỏi căn cốt nhất không?
Mong đợi ấy đã được nhen nhóm.
Ở đoàn Hà Nội, có mặt cả Chủ tịch QH, đại diện Hội Cựu chiến binh TP Nguyễn Đăng Kính không chút e dè: “Ông Phạm Thanh Bình chỉ là con người cụ thể, nhưng dân muốn biết ông Bình quan hệ với ai ở Chính phủ. Thủ tướng nói Chính phủ có trách nhiệm, đó là chung, không rõ ai”.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình khá nghiêm khắc khi vừa "truy" Chính phủ, vừa khẳng định QH có phần trách nhiệm bởi chưa tròn vai giám sát. Ông Bình nhắc lại triết lý "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
ĐB Nguyễn Đăng Kính (phải): Thủ tướng nói Chính phủ có trách nhiệm, không rõ ai. Ảnh: Hoàng Long
Giữ lửa cả kỳ họp
Bùng nổ nhất là lo lắng về thảm họa bùn đỏ với các dự án bô-xít Tây Nguyên. Trước phiên khai mạc, thư kiến nghị của giới nhân sĩ vốn đã thổi lên mối quan ngại âm ỉ bấy nay. Nhưng không hiểu rồi áp lực cử tri có "dội" vào đến nghị trường khi dự án này là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, và đã được thông qua.
Do đó, đây vẫn là một "ẩn số".
Và thư của ông Dương Trung Quốc gửi thẳng lên Chủ tịch QH "kêu gọi" QH phải bày tỏ chính kiến rõ ràng và thực thi trách nhiệm độc lập đã khiến cử tri "thở phào". Tiếp đó là những phát biểu của ĐB Lê Quang Bình, ý kiến ngoài hành lang của các thành viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường.
ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ với báo giới: "QH phải nắm bắt được suy nghĩ, kể cả sự lo sợ của dân. Với chức năng của mình, phải yêu cầu Chính phủ có những quyết định với tư cách cơ quan tối cao... chứ không phải ngồi im. Việc không đưa vấn đề này ra QH là sự thiếu nhạy bén".
Nhiều ĐB chia sẻ "với những chuyện như vừa rồi thì phiên chất vấn sẽ nóng lắm đây".
Mới đi qua tuần đầu tiên của kỳ họp nhưng các vấn đề người dân trông đợi đều đã được khơi lên. Chỉ mong "lửa" trong từng ĐB được giữ cho đến cuối kỳ. Với những ĐB đã không ngần ngại "xới xáo" vấn đề lên, cử tri trông đợi họ tiếp tục khẳng định bản lĩnh, chính kiến trong suốt kỳ họp, nhất là ở những phiên thảo luận kinh tế - xã hội và phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp cho dân xem. Cũng mong rằng "ngọn lửa" ấy sẽ có sức lan tỏa, cộng hưởng tới nhiều người khác, tạo nên không khí dân chủ thực sự.
Nếu mỗi ĐB đều ý thức hết trách nhiệm, tận dụng diễn đàn QH để nói những vấn đề dân gửi gắm thì QH sẽ không bao giờ còn bị xem là "đến hẹn lại lên".
Sang tuần thứ hai, Quốc hội sẽ có buổi họp tổ góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI. Ngoài ra, đại biểu sẽ thảo luận tại tổ và Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, dự thảo Luật khoáng sản, dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự án Luật khiếu nại, dự thảo Luật viên chức, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
-
Lê Nhung