221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1311766
Tăng trưởng vượt kế hoạch nhưng chất lượng vẫn thấp
1
Article
null
Tăng trưởng vượt kế hoạch nhưng chất lượng vẫn thấp
,

- Không vội mừng với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 sẽ vượt kế hoạch, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo: Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc. Chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc.

>> Tăng trưởng kinh tế vượt bậc nhưng vẫn lo thiếu điện
Hôm nay, 2/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các báo cáo quan trọng nhất trước khi trình phiên họp sắp tới của Quốc hội: Đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch năm 2011, đánh giá kế hoạch đầu tư phát triển năm 2010, dự kiến năm 2011 và thực hiện ngân sách nNhà nước năm 2010, dự toán năm 2011.

GDP 6,7% nhưng thiếu vững chắc
Theo hai báo cáo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày, thành công lớn nhất của Chính phủ trong năm nay có thể nói là hoàn thành nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, GDP cao hơn 2009. Trong 21 chỉ tiêu, có 16 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với kế hoạch.

Chính phủ dự kiến khả năng GDP đạt 6,7%, cao hơn kế hoạch 6,5% mà Quốc hội giao và cao hơn nhiều so với năm 2009 (5,32%).

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội không dành nhiều câu chữ ưu ái cho Chính phủ về nỗ lực này: "Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc. Chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc. Nếu không sớm khắc phục, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo".

Phân tích sâu cảnh báo này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã bóc tách bất ổn đằng sau những con số mà nếu so với “chỉ tiêu Quốc hội giao” thì có thể coi là thành tích.

Đầu tiên là nhập siêu. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 19,1%, gấp hơn 3 lần so với kế hoạch (6%) và kéo theo, nhập siêu sẽ được kiểm soát dưới mức 20% so với kim ngạch xuất khẩu. Tín hiệu này sẽ góp phần ổn định cân đối ngoại tệ, duy trì tỷ giá hợp lý.

Mô tả ảnh.
Kiểm soát nhập siêu sẽ góp phần ổn định cân đối ngoại tệ. Ảnh: PH

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lập luận rằng, việc vượt kế hoạch này chứng tỏ chỉ tiêu xuất khẩu cho năm 2010 đã được xây dựng không sát thực tế.

Nhập siêu tuy đạt mục tiêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, nhưng số tuyệt đối dự kiến là 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước. Nếu loại trừ việc tái xuất vàng thì nhập siêu vẫn là trên 22%. Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đây chính là yếu tố làm cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% so với GDP.

Tỷ lệ này là đáng lo ngại. Theo cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế, khi tỷ lệ thâm hụt cán cân vãng lại chỉ khoảng 8% GDP đã là tỷ lệ ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô quốc gia.

Tựu chung lại, nhập siêu kéo dài trong nhiều năm đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng công nợ quốc gia và gây sức ép phá giá đồng nội tệ. Thâm hụt cán cân vãng lai lớn, cùng với thâm hụt ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh.

Đó sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế những năm tới - Ủy ban Kinh tế đánh giá.

Đáng lưu ý, hệ số giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm. Nếu như năm 2008 là 0,62, năm 2009 là 0,53 thì năm nay, dự kiến chỉ 0,43.

Điều này cho thấy, tốc độ giá trị gia tăng không tương xứng với tốc độ tăng qui mô sản xuất, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện.

Lạm phát diễn biến bất ổn

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay dự kiến dưới 8%. Đây là chỉ số kinh tế duy nhất không đạt mục tiêu Quốc hội giao, là dưới hoặc bằng 7%.

Có thể hiểu, tốc độ tăng giá này có nguyên nhân “khách quan” từ tác động của gói kích thích kinh tế năm 2009.

Tuy nhiên, diễn biến CPI các tháng lại không ổn định. Theo Ủy ban Kinh tế, mức tăng bình quân CPI ở quí I là 1,35%/tháng, trong đó, tháng 2 tới 1,96% (so với tháng 1). Quí II, tốc độ tăng bình quân CPI giảm còn 0,21%/tháng, quí III là 0,53%/tháng. Trong đó, riêng tháng 9 lại tăng mạnh tới 1,31%.

Diễn biến này đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên quan đến nỗi lo tái lạm phát là vấn đề tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng, thị trường tín dụng 9 tháng qua lại diễn biến thiếu ổn định. 4 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 5,58% so với tháng 12/2009, bình quân 1,4%/tháng.

5 tháng tiếp theo, tín dụng tăng 13,92%, bình quân 2,78%/tháng. Riêng tháng 9, tăng trưởng tín dụng khoảng 4,5%. Dự kiến, nếu dư nợ tín dụng năm nay tăng 25% theo kế hoạch thì 3 tháng còn lại, sẽ chỉ được phép tăng bình quân 1,83%/tháng.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, tín dụng tăng không ổn định như vậy sẽ gây áp lực cho việc kiểm soát CPI.

Mặc dù, hồi tháng 5, Chính phủ đã yêu cầu phải khẩn trương hạ ngay lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 12%, nhưng đến nay, mục tiêu này chưa đạt được.

Ngoài ra, các loại hàng hóa như sữa, thuốc chưa bệnh, thức ăn chăn nuôi… phụ thuộc nhập khẩu nên đã để cho doanh nghiệp nước ngoài thao túng, tăng giá ngoài kiểm soát.

Nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn xuất phát từ các chính sách kinh tế của bộ, ngành.

Đầu năm, do thắt chặt tín dụng, lãi suất tăng cao, phần lớn doanh nghiệp đã gặp khó khăn về vốn. Thiếu vốn và lãi suất cao gây khó cho việc triển khai các dự án lớn của các ngành công nghiêp quan trọng như điện, hóa chất…

Một hạn chế lớn khác của năm không thể không nhắc tới, đó là tình trạng thiếu điện nghiêm trọngvào đầu năm 2010. Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc thiếu điện chỉ mới tạm khắc phục từ giữa tháng 7. Hầu hết các nguồn điện đều chậm tiến độ nên nguy cơ thiếu điện cuối năm nay và những năm tới là rõ rệt.

2011: Giảm bội chi, ngừa nợ công

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011, Ủy ban Kinh tế nhất trí với mục tiêu tăng trưởng GDP Chính phủ đề ra là tăng 7-7,5%, CPI từ 6,5- 7%.

Tuy nhiên, chỉ số kinh tế của năm 2011 liên quan đến an ninh tài chính được chú trọng nhất. Đó là vấn đề bội chi, đầu tư phát triển và nợ công.

Chính phủ đặt mục tiêu bội chi ngân sách là 5,5%, giảm so với bội chi dự kiến năm nay là 5,95%.

Nhưng, Ủy ban Kinh tế đề nghị giảm mức bội chi dưới 5%. Theo Ủy ban này, tuy giảm tỷ lệ % nhưng xét về lượng tuyệt đối, bội chi lên tới 125.000 tỷ đồng, tăng 5.400 tỷ đồng so với năm 2010 là khá cao. Điều này sẽ khó khăn trong bối cảnh nợ công đang có xu hướng tăng mạnh, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị phải rà soát lại các khoản thu chi ngân sách, đồng thời, cơ cấu lại đầu tư, tập trung nhiều trong lĩnh vực, dự án thiết thực, có hiệu quả, nhằm giảm bội chi nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Với phần vượt thu ngân sách năm 2010 dự kiến 58.600 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là 35.600 tỷ, Ủy ban Kinh tế đề nghị chuyển một nửa số vượt thu ngân sách trung ương, tương đương 17.800 tỷ đồng, khoảng 0,78% GDP này sang ngân sách năm 2011, đề bù vào bội chi.

Nếu vậy, mức bội chi ngân sách năm 2011 sẽ chỉ khoảng 4,72% GDP.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị phải có biện pháp quyết liệt hơn để kiểm soát nhập siêu trong năm tới không nên vượt mức năm nay về con số tuyệt đối, tức chỉ ở ngưỡng 13,5 tỷ USD.

Ủy ban Kinh tế còn cho rằng, nguồn đầu tư do không đủ bù đắp bằng tiết kiệm nội địa, nên phải dựa nhiều vào bên ngoài. Ước hết năm nay, nợ công khoảng 52% GDP.

Trong đó, dư nợ Chính phủ bằng 44,5% GDP, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ, dư nợ quốc gia bằng 42,2% GDP cũng đang tiến dần ngưỡng an toàn cho phép.

Năm 2011 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Các nhóm giải pháp cần chú trọng là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, giảm đầu tư từ ngân sách, khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia. Đặc biệt, phải từng bước kiểm soát nhập siêu, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các nội dung trên.

  • Phạm Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,